Phẫu thuật ghép tim diễn ra như thế nào?

Ghép tim là phẫu thuật thay thế trái tim bị hư hại nặng của bệnh nhận bằng một trái tim khỏe mạnh.

Trái tim của con người là một trong những cơ quan bền bỉ nhất. Nó đập hơn 100.000 lần mỗi ngày, và bơm hơn 5 lít máu đi khắp cơ thể trong mỗi phút. Tuy nhiên, khả năng tự hồi phục của tim rất hạn chế nên nếu cơ quan này bị hư hại nặng vì một lý do nào đó thì chỉ có một giải pháp là thay thế nó.

Phẫu thuật ghép tim

Quy trình cắt bỏ và thay thế tim diễn ra như sau:

1. Kiểm tra sức khỏe người nhận để đảm bảo rằng họ có đủ sức khỏe để vượt qua ca phẫu thuật này.

2. Tìm người hiến tim phù hợp trong số những người hiến tặng hoặc được gia đình đồng ý, thường là những nạn nhân nguy kịch không còn cơ hội sống sót nhưng vẫn còn trái tim khỏe mạnh hoặc những bệnh nhân hôn mê không có cơ hội hồi sức.

Sau khi tìm được người hiến tặng, bác sĩ sẽ phải kiểm tra để xem người hiến tặng và người nhận có chung nhóm máu, kích thước có phù hợp hay không và có kháng nguyên tương tự nhau không. Bởi nếu không phù hợp hệ thống miễn dịch của người nhận sẽ coi trái tim cấy ghép như một vật thể lạ xâm nhập. Khi đó, trái tim cấy ghép sẽ bị tấn công và đào thải. Nếu tất cả phù hợp, cuộc phẫu thuật cấy ghép tim có thể bắt đầu.

3. Phẫu thuật lấy tim ra khỏi cơ thể người hiến tặng

Tim sẽ được tiêm một dung dịch gây ngừng tim và được cấp đông trong quá trình phẫu thuật lấy tim ra khỏi cơ thể người hiến tặng. Điều này nhằm ngăn tim ngừng bơm máu giúp việc phẫu thuật trở nên dễ dàng hơn.

Trái tim ngay sau khi được lấy ra sẽ được đặt vào hỗn hợp nước muối lạnh và dung dịch bảo quản. Trái tim sẽ chỉ tồn tại bên ngoài cơ thể trong vài giờ bởi sau khi bị ngắt kết nối với nguồn cung cấp máu, các tế bào của tim bị thiếu oxy sẽ dần bị tổn thương. Vì vậy, cần phải nhanh chóng cấy ghép tim vào cơ thể người nhận.

4. Cấy ghép tim vào cơ thể người nhận

Người nhận sẽ được gây mê toàn thân khi trái tim hiến tặng được mang đến. Bác sĩ sẽ mổ ở ngực, sau đó tách xương ức, mở khung xương sườn và loại bỏ trái tim bị tổn thương. Một máy tim phổi nhân tạo được sử dụng để đảm nhận công việc của tim, tạo lực đẩy máu lưu thông trong hệ tuần hoàn của bệnh nhân trong quá trình này.

Sau khi quả tim cũ được lấy ra, quả tim của người hiến tặng sẽ được đặt vào đúng vị trí và các bác sĩ tiến hành khâu để gắn các mạch máu và động mạch. Đây là một quá trình cực kỳ tỉ mỉ, và có thể kéo dài vài giờ. Sau khi hoàn thành, máy tim phổi nhân tạo được tắt, máu được chảy vào động mạch chủ và trái tim mới sẽ bắt đầu đập. Đôi khi các bác sĩ sẽ phải dùng tới một cú sốc điện để trái tim mới tái hoạt động. Quả tim mới được theo dõi cẩn thận để đảm bảo nó tự đập trước khi khâu lại cho người nhận.

5. Hậu phẫu thuật cấy ghép tim

Sau khi ca phẫu thuật cấy ghép tim hoàn tất, có thể phải mất nhiều năm để cơ thể người nhận tái thiết trái tim mới với hệ thống thần kinh. Trong giai đoạn này, cơ thể người nhận có nhịp tim cao hơn và nguy cơ đột quỵ cao hơn. Vì vậy, việc vận động trở nên khó khăn và nguy hiểm cho người nhận.

Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch của người nhận cũng sẽ có một số phản ứng với trái tim mới. Để kiểm soát nguy cơ cơ quan mới bị đào thải, người nhận tim phải uống thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên điều này lại khiến cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nên họ phải được theo dõi thường xuyên và tái khám định kỳ.

Sau ca phẫu thuật ghép tim, khoảng 70% người nhận sống sót ít nhất 5 năm và hơn 20% sống thêm 20 năm nữa.

Hiện nay, do các vấn đề pháp lý và quy định hàng nghìn người vẫn nằm trong danh sách chờ đợi để được nhận tim và nhiều người trong số đó không bao giờ có thể tìm được người hiến tặng phù hợp.

Thứ Ba, 12/07/2022 07:18
11 👨 494
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Video Khoa học