Thị phần Nokia sẽ sụt giảm lớn tại Việt Nam?

Nhiều chuyên gia nhận định, thị phần của Nokia tại phân khúc điện thoại giá rẻ đang dần bị hao hụt trước sự cạnh tranh mạnh của nhiều thương hiệu điện thoại Việt trong năm 2011 này.

Cạnh tranh mạnh ở phân khúc bình dân

Thị phần Nokia sẽ sụt giảm lớn tại Việt Nam?
Q-mobile được đánh giá là thương hiệu điện thoại Việt khá thành công trong năm qua.

Cách đây chừng 3 năm trở về trước, các dòng điện thoại có giá thành dưới 2 triệu đồng của Nokia gần như là sự lựa chọn số một của người dùng di động Việt. Đó là thời điểm “thiên thời” của hãng điện thoại này khi phân khúc điện thoại giá bình dân chưa được các hãng điện thoại dành nhiều quan tâm trong khi các nhà mạng di động đã không ngừng có mức tăng trưởng thuê bao cực kỳ ấn tượng.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm vừa rồi, vị thế của Nokia tại Việt Nam có vẻ như đang bị lung lay mạnh khi thị trường điện thoại di động Việt Nam chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt các thương hiệu di động Việt. Đầu tiên phải kể tới sự ra đời của thương hiệu điện thoại Việt Q-Mobile của Viễn thông An Bình (ABTel) vào năm 2008.

Ba năm qua, Q-Mobile đã giành đươc những thành công nhất định khi có trong tay trên 20% thị phần thị trường điện thoại tại Việt Nam. Q-Mobile khiến dòng điện thoại của Nokia ở phân khúc giá rẻ bị mất đi thị phần đáng kể. Thậm chí, trong năm 2011 này, đại diện của thương hiệu Q-Mobile còn đặt mục tiêu vượt hẳn Nokia, nắm trên 50% thị phần điện thoại di động ở Việt Nam.

Ngoài Q-Mobile, lên tiếp trong năm 2009, 2010, các dòng điện thoại Việt khác như điện thoai AVIO của công ty cổ phần Viễn thông Điện tử Vinacap - thành viên thuộc Tập đoàn VNPT, F-Mobile của FPT hay gần đây nhất là Hi-mobile của HiPT, Bluefone của CMC… đã ra mắt. Tất cả đều đang khẳng định mục tiêu tấn công vào thị trường phân khúc người dùng bình dân.

Đặc biệt, nếu như các dòng điện thoại bình dân của Nokia mang đúng nghĩa… bình dân cả về giá cả, và mẫu mã thì điện thoại thương hiệu Việt lại không vậy. Nếu như người dùng dễ dàng liệt kê được các mẫu điện thoại bình dân của Nokia ở phân khúc từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng thì với điện thoại thương hiệu Việt hiện nay, số lượng mẫu mã lại rất phong phú.

Chỉ riêng AVIO cũng đã có tới vài chục mẫu điện thoại khác nhau. Đã vậy, điện thoại Việt còn hơn hẳn ở tính năng. Với mức tiền từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng nêu trên, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại thương hiệu Việt có tới hai sim, hai sóng, tích hợp nhiều tính năng. Chụp ảnh, quay camera… đủ cả. Còn nếu từ 2 triệu đồng trở lên, một chiếc điện thoại Việt xài được cả 3G đã nằm trong tầm tay, như điện thoại F-Mobile của FPT chẳng hạn.

Một Apple của Việt Nam? Có thể lắm chứ!

Chia sẻ thông tin với giới truyền thông về kế hoạch phát triển điện thoại thương hiệu Việt của mình, đại diện của FPT từng cho rằng, không chỉ vượt được Nokia, trong thời gian không xa, điện thoại Việt còn có thể có những sản phẩm sánh được cả với “quả táo khuyết” Apple.

Đại diện của FPT phân tích, hai yếu tố mà điện thoại điện thoại F-Mobile của họ có thể cạnh tranh được với Nokia đó là thương hiệu và thứ hai là tính năng, ứng dụng của sản phẩm. Với thế mạnh của mình, FPT sẽ xây dựng kho ứng dụng phong phú nhất cho các dòng điện thoại của mình.

Tuy nhiên, việc vượt mặt Nokia không chỉ là mục tiêu duy nhất. Rất có thể trong tương lai, điện thoại thương hiệu Việt còn có thể có được những sản phẩm xứng tầm, cạnh tranh ngang ngửa với các dòng smartphone hiện nay, thậm chí cả iPhone của Apple.

Những chiếc iPhone 2G trước đây đã trở thành lỗi thời với người dùng Việt nhất là giới trẻ vì không thể sử dụng được các ứng dụng của 3G hiện nay. Còn với các dòng iPhone 3G, với mức giá đang được niêm yết cho cả hàng phân phối chính hãng và xách tay, không phải người dùng nào cũng có cơ hội sở hữu.

Còn với điện thoại thương hiệu Việt, mặc dù hiện nay khâu gia công, sản xuất vẫn phải ở nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, song công đoạn đưa ra ý tưởng, thiết kế, ứng dụng… đều do người Việt đảm nhận.

Hãy cùng tin tưởng, trong một tương lai gần, Việt Nam sẽ có thương hiệu như của Apple. Chỉ có điều, ngoài những nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, điện thoại thương hiệu Việt cũng đang cần sự hỗ trợ mạnh về chính sách, cũng như tạo điều kiện, cơ hội khẳng định từ phía cơ quan quản lý nhà nước rất lớn” - một đại diện của thương hiệu điện thoại Việt chia sẻ.

Thứ Hai, 21/02/2011 09:41
31 👨 300
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp