Thế giới lên án Apple về vụ "theo dõi người dùng"

Sau khi có thông tin về việc iPhone và iPad ngầm ghi lại vị trí người dùng, mới đây 2 người Mỹ đã kiện Apple phạm luật bảo vệ bí mật đời tư và lạm dụng niềm tin người dùng.

Số tiền đòi bồi thường của vụ kiện nói trên không được nhắc đến. Trong khi đó, việc điều tra về những chức năng không được thông báo của iPhone cũng đã bắt đầu ở Pháp, Đức, Italia và Hàn Quốc.

Hai người dân ở bang Florida và New York (Mỹ) - đều là chủ nhân sản phẩm Apple - đã kiện Apple ra toà án Mỹ với cáo buộc rằng nhà sản xuất thiết bị điện tử này vi phạm luật bảo vệ đời tư và lạm dụng niềm tin.

Cớ để khởi kiện là thông tin do các nhà khoa học Anh đã phát hiện, rằng iPhone và iPad ghi nhớ toạ độ hàng trăm vị trí người dùng đã đi qua trong các tuần, tháng thậm chí năm qua. Theo luật của Mỹ, để có quyền thu thập những thông tin như vậy về công dân Mỹ, cần phải được sự cho phép từ trước, theo Aaron Mayer, đại diện quyền lợi của các nguyên đơn tại toà.

Hơn nữa, phát hiện của các nhà khoa học Anh đã trở thành cái cớ để các cơ quan quyền lực ở Pháp, Đức, Italia và Hàn Quốc tiến hành các cuộc điều tra. Công tố viên của tiểu bang Illinois Lisa Madigan đã gửi đến Apple và Google yêu cầu tổ chức một cuộc gặp với đại diện của các hãng này để thảo luận về các chức năng không được nhắc tới trên các thiết bị di động của họ.


Tất cả các công ty đều thu thập dữ liệu vị trí người dùng nhưng chỉ một mình Apple bị kiện...

Ngoài ra, trong nửa đầu tháng 5/2011, Thượng nghị sĩ Mỹ Al Franken đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc nghe điều trần về vấn đền thu thập dữ liệu cá nhân trên điện thoại di động và máy tính. Ông đã gửi Apple một bức thư ngỏ yêu cầu giải thích vì sao Công ty này lại cần tới thông tin về sự di chuyển của người dùng.

Theo trang MacRumors, một người dùng iPhone đã nhận được câu trả lời cho bức thư điện tử do ông gửi cho Steve Jobs đề nghị giải thích Apple thu thập thông tin để làm gì. Người dùng này còn doạ rằng nếu có điều gì xảy ra, ông sẽ chuyển sang dùng Droid (smartphone của Motorola chạy Android) vì chiếc điện thoại đó không theo dõi người dùng. "Ồ, họ cũng đang làm việc tương tự", Steve Jobs trả lời khi nói về smartphone chạy Android - "Chúng tôi không theo dõi ai cả. Tin mà các bạn nghe được từ truyền thông đại chúng là dối trá", người đứng đầu Apple viết thêm.

Theo tác giả blog Daring Fireball, nhà báo nổi tiếng John Gruber, trong iOS có thể có lỗi. File consolidated.db thu thập thông tin về sự dịch chuyển của người dùng cần thực hiện chức năng như một loại cache (lưu thông tin trong thời gian ngắn). Tuy nhiên, vì lý do nào đó, hệ thống đã không loại những thông tin này. Tác giả này cho rằng, nhiều khả năng lỗi này sẽ được sửa trong lần cập nhật phần mềm tới. Thú vị là khi tắt chức năng định vị trong hệ điều hành iOS, thiết bị vẫn tiếp tục ghi nhớ dữ liệu.

Sau khi công bố bài viết về việc iPhone và iPad ghi nhớ toạ độ, các chuyên gia đã bắt đầu quan tâm đặc biệt đến các chức năng ẩn tương tự của các loại smartphone khác. Theo chuyên gia an toàn thông tin Samy Kamkar, smartphone trên nền Android gửi thông tin về toạ độ cho Google từng giờ! Chính Reuter đã dẫn nguồn blog của chuyên gia này thông báo như vậy.

Theo tờ The Guardian (của Anh), các smartphone trên nền Windows Phone cũng gửi thông tin về Microsoft. Trên website của Công ty chỉ rõ, những thông tin này gồm mã số nhận diện thiết bị, dữ liệu GPS cũng như các đặc điểm nhận diện và địa chỉ của tất cả các điểm truy cập Wi-Fi trong bán kính tác động. Thông tin về điều này được thể hiện một phần ở website của Microsoft, tập trung vào chức năng của các sản phẩm LBS (Location-based service) - những ứng dụng và dịch vụ sử dụng thông tin vị trí hiện tại của người dùng.

Thứ Sáu, 29/04/2011 09:00
31 👨 114
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp