Symantec: Doanh nghiệp châu Á-TBD tăng chi tiêu cho bảo mật

Theo một khảo sát mới nhất của hãng bảo mật Symantec, 84% doanh nghiệp cho biết chi phí chi tiêu cho CNTT của họ sẽ vẫn tiếp tục tăng (với 57% doanh nghiệp) hoặc sẽ duy trì ở mức cũ (với 27% doanh nghiệp) trong năm nay, bất chấp sự không ổn định hiện nay của nền kinh tế.

Ngày 16/4, Tập đoàn Symantec chính thức công bố những kết luận trong Bản Báo cáo khảo sát toàn cầu năm 2009 của hãng về Bảo mật và Lưu trữ trong khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản. Nâng cấp hệ thống, sao lưu dữ liệu và quản lý bản vá lỗi tự động được xếp vào ba ưu tiên đầu tư CNTT hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản trong năm nay.

Chưa quan tâm nhiều tới bảo mật

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng ba mối quan ngại hàng đầu của các DNVVN trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật bản là vi rút, nạn rò rỉ thông tin và sự mất mát những dữ liệu, tài sản thông tin quan trọng thông qua cổng USB và các thiết bị khác. Hơn nữa, 52% trong số các DNVVN ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản trước đó đã từng chịu vấn nạn lỗ hổng bảo mật, và nguy cơ tái diễn rủi ro về lỗ hổng bảo mật cũng ngày càng cao hơn trong khu này so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ ứng dụng những biện pháp bảo mật cơ bản trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản là rất thấp, có tới 56% DNVVN không có giải pháp bảo vệ thiết bị đầu cuối, và tới 53% không có giải pháp sao lưu và khôi phục máy tính để bàn.

Những kết luận về hiện trạng lưu trữ cũng chỉ ra rằng 70% các DNVVN trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản quan ngại nhất về việc sao lưu và khôi phục dữ liệu, tiếp đến là về các chiến lược và kế hoạch khôi phục thảm hoạ (64% doanh nghiệp), đứng thứ ba là mối quan tâm về lưu trữ giữ liệu và email (56% doanh nghiệp). Tuy nhiên, có tới 53% các doanh nghiệp này lại chưa triển khai giải pháp sao lưu và khôi phục máy để bàn, và tới 45% doanh nghiệp thực hiện việc sao lưu dữ liệu theo định kỳ hàng tuần hoặc với thời gian lâu hơn thế.

Vẫn nhiều lỗ hổng

Những lỗ hổng trong các cấp độ cơ bản về bảo mật này, dù cho các DNVVN khu vực khảo sát có nhận thức về những mối đe doạ bảo mật bên trong và bên ngoài, cũng đang đem đến những hiểm hoạ tiềm tàng và ngày càng lớn hơn về rò rỉ bảo mật, những nguyên nhân phổ biến nhất có thể là đổ vỡ hệ thống, lỗi phần cứng, lỗi phát sinh do con người, hay các giải pháp bảo mật không phù hợp hoặc lỗi thời. Các nguyên nhân khác như không có đủ ngân sách (41% doanh nghiệp) và kỹ năng của nhân viên không đủ (40% doanh nghiệp) cũng được cho là những rào cản chính đối với việc bảo mật cho môi trường kinh doanh của các DNVVN.

Bernard Kwok, Phó chủ tịch cao cấp của Symantec tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản phát biểu: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường hạn chế về mặt thời gian, tiền bạc và kiến thức chuyên sâu để quản lý và bảo mật thông tin của họ trước các mối đe doạ từ bên trong và bên ngoài. Thông thường, những nhu cầu kinh doanh áp lực cao hơn sẽ được ưu tiên trên cả việc bảo mật, sao lưu và khôi phục cho các máy tính và các hệ thống mạng, điều này khiến cho các doanh nghiệp đôi khi phải hứng chịu rủi ro của việc mất mát dữ liệu, hệ thống, từ đó có thể dẫn tới những tổn thất lớn hay gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Thông qua việc tự động hoá những quy trình tối quan trọng như sao lưu và khôi phục dữ liệu, bảo vệ thiết bị đầu cuối và chống mất mát dữ liệu (DLP), các DNVVN có thể cải thiện tính hiệu quả về chi phí và cũng như dễ dàng quản lý, giúp họ tận dụng được các tài nguyên tối ưu, có thể sử dụng được nhiều tài nguyên và thời gian để tập trung vào các hoạt động kinh doanh quan trọng
.”

Thông tin về bản Báo cáo khảo sát toàn cầu năm 2009 của Symantec về Bảo mật và Lưu trữ trong các DNVVN

Bản Báo cáo khảo sát toàn cầu năm 2009 của Symantec về Bảo mật và Lưu trữ trong các DNVVN tổng hợp các phản hồi của 1.425 DNVVN trên toàn cầu, cùng với khoảng 600 phản hồi từ các DNVVN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản. Các công ty thuộc diện khảo sát hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm lĩnh vực dịch vụ tài chính, sản xuất và viễn thông. Quy mô của các công ty tham gia khảo sát là từ 10 đến 500 nhân viên. Cuộc khảo sát được hãng Applied Research tiến hành vào tháng 2 năm 2009, bao phủ trên diện rộng 10 nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản, gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và Malaysia.

Thứ Năm, 16/04/2009 11:08
31 👨 149
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp