Nở rộ "bệnh viện" máy tính

Từ iCare, ITcare đến Trung tâm phản ứng nhanh, E.C Group, Quang Huy... dưới dạng "phòng khám" hay "bệnh viện" đã làm cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi chiếc máy tính quen thuộc của mình lâm bệnh. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ các nơi chữa trị "vừa khám bệnh, vừa bán thuốc" này để không tốn kém quá đáng.

Sửa chữa, bảo trì, cài đặt...

Tất cả các cửa hàng, trung tâm hay "bệnh viện" máy tính ở TP.HCM đều đưa ra nhiều gói dịch vụ khác nhau. Từ việc thêm một phần mềm mới hay cài đặt lại windows, diệt virus, cứu dữ liệu bị mất đến chuyện máy tính bị đứng, con chuột không chịu chạy, không kết nối vào được internet, webcam đứng hình hay thậm chí không chat được đều dễ dàng được các nhân viên kỹ thuật xử lý ngay khi có nhu cầu. Không chỉ chẩn đoán và trị bệnh cho máy tính, các trung tâm này còn chỉnh sửa cả những loại máy văn phòng khác như máy in, máy fax, máy scan, máy chiếu, UPS... Đối với khách hàng là công ty, các "bệnh viện" máy tính cũng nhận bảo trì theo thời gian hoặc thiết lập và cài đặt cho hệ thống mạng LAN... Tùy thuộc vào mức độ chữa trị, "bệnh" nặng hay nhẹ mà biểu phí sẽ khác nhau, dao động từ 30.000 - 200.000 đồng/lần.

Thông thường mức phí cài đặt một phần mềm hay kiểm tra máy là 50.000 đồng/lần. Nếu khách hàng có nhu cầu sửa chữa tận nhà thì mức phí sẽ được cộng thêm 20.000 đồng/lần hoặc cao hơn tùy khu vực ở nội thành hay ngoại thành TP.HCM. Tại hầu hết các bệnh viện máy tính, đa số những máy tính cần phải sửa chữa đều bị lỗi về phần mềm như bị nhiễm virus, hư hệ thống windows, hoặc có nhiều máy bị hư do lỗi không biết sử dụng rơi vào những khách hàng mới mua máy... Thời gian sửa chữa các lỗi máy tính không cố định. Nếu là sự cố đơn giản như cài phần mềm, diệt virus, sửa bộ nguồn... thì có thể hoàn tất trong vòng 1 giờ đồng hồ. Nhưng nếu máy bị hư linh kiện thì đôi khi phải chờ vài tuần để mua linh kiện thay thế.

Khi nào cần tư vấn?

Anh Quốc Minh (ngụ ở phường Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) có chiếc máy tính không khởi động lại được do thằng con trai 4 tuổi chơi game mở tắt ngang mà không ấn vào nút "Turn Off". Anh gọi cho một “bệnh viện” máy tính khá nổi tiếng nhờ nhân viên đến "chẩn đoán". Sau khi xem xét, nhân viên này cho biết phải cài lại chương trình. Anh Minh đồng ý. Nhân viên máy tính thực hiện cài lại chương trình, nhưng được một lát bị dừng. Tay nhân viên quay sang nói ổ cứng bị hư và đề nghị anh thay thế! Thất vọng với cách làm việc của nhân viên máy tính này, anh cũng buộc phải trả 110.000 đồng chỉ trong vòng 5 phút, và mời anh ta ra về. Nhiều trường hợp các khách hàng (nhất là người lớn tuổi) đem máy tính đến các “bệnh viện” máy tính cũng thường bị nhân viên "vẽ" ra thêm các bệnh để bán linh kiện...

Theo các chuyên gia, khi máy bị trục trặc trước hết bạn hãy kiểm tra lại nguồn điện, khởi động lại máy tính. Nếu chưa được, bạn có thể gọi điện thoại đến các “bệnh viện” máy tính nhờ tư vấn qua điện thoại trước, hoặc nếu có thời gian bạn cũng có thể mang máy đến để nhờ sửa chữa sẽ tiết kiệm được chi phí hơn. Khi nhờ người đến nhà sửa chữa, tốt nhất bạn nên có mặt để tránh trường hợp nhân viên máy tính "hư một đằng, sửa một nẻo", hoặc "vẽ thêm bệnh" để tăng thêm phí dịch vụ. Trên địa bàn TP.HCM, hiện ước tính có khoảng 30 cửa hàng, trung tâm có dịch vụ sửa chữa này. Tuy nhiên, không phải "bác sĩ" của “bệnh viện” máy tính nào cũng có thể trị bệnh được cho chiếc máy của bạn. Đặc biệt, việc sửa chữa cho máy tính xách tay càng phải được cẩn trọng bởi cấu hình, linh kiện... đều khác và tất nhiên đáng giá hơn.

Thứ Ba, 08/08/2006 09:05
31 👨 163
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp