Trong vòng tám tháng qua, Facebook đã tăng gấp đôi số người sử dụng, lên đến 200 triệu người, hơn cả dân số của Brazil. Twitter cũng đang phát triển nhanh chóng. Nhưng các nhà khoa học ngay lập tức lên tiếng cảnh báo về tác hại của nó.
Một số Facebook của bạn trẻ Việt
Facebook (www.facebook.com) hay Twitter (www.twitter.com) có thể làm bạn hạnh phúc (trên mạng). Nhưng các mạng xã hội này có thể làm hại “các giá trị đạo đức” của con người bằng cách lấy đi tình cảm thân thiết giữa người với người, khiến con người vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Nhóm các nhà nghiên cứu về thần kinh do Antonio Damasio, giám đốc Viện Não và óc sáng tạo tại ĐH nam California (Mỹ), vừa thực hiện đề tài ảnh hưởng của các mạng xã hội tới cảm xúc con người. Trái ngược với nhiều suy nghĩ rằng mạng xã hội giúp chúng ta cập nhật với thế giới, bà Mary Helen Immordino-Yang, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết họ nhận thấy các cảm xúc liên quan tới cảm giác về đạo đức chậm phản ứng hơn trước tin tức và sự kiện. Mạng xã hội cũng không giúp con người bắt nhịp kịp thế giới hiện đại. Chúng ta cần có thời gian để “tiêu hóa” tin tức, cảm xúc với tin tức, mà các mạng xã hội liên tục cập nhật thông tin. Vì vậy con người dễ bị trơ lỳ cảm xúc.
Người dùng Facebook dành ít thời gian để học |
Với trẻ em, các mạng xã hội đặc biệt có tác dụng tiêu cực, vì dễ bị tổn thương do não đang phát triển. Nếu mọi việc xảy ra quá nhanh, con người sẽ không thể cảm thụ được đầy đủ các cảm xúc mang tính trạng thái tâm lý.
Các nhà khoa học nhận thấy con người có thể sắp xếp thông tin rất nhanh và phản ứng chỉ trong một phần của một giây đối với tín hiệu thể hiện nỗi đau thân thể của người khác, nhưng cảm xúc ngưỡng mộ và lòng trắc ẩn - hai loại cảm xúc xã hội của loài người - thì phải chờ lâu hơn mới có.
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cần 6-8 giây để phản ứng đầy đủ đối với các câu chuyện về tiết nghĩa hay nỗi đau xã hội, nhưng một khi những cảm xúc này được đánh thức, chúng thường ở lại não người lâu hơn các cảm xúc về các tin tức tập trung vào nỗi đau thể xác.
Bà Mary Helen Immordino-Yang cho biết: “Chúng ta cần phải hiểu rằng các trải nghiệm xã hội sẽ hình thành tác động qua lại giữa cơ thể và não, để tìm cách xây dựng những công dân với phạm vi đạo đức đầy đủ”.
Các nhà khoa học cảnh báo các chương trình truyền hình hay các trò chơi ảo, mà ở đó bạo lực và nỗi đau khổ trở thành các trò bất tận, thường xuyên thì người xem có thể dần hiểu đó là trò hư cấu và để các cảm xúc cần có trôi tuột đi. Sự hiểu biết, thấu cảm, chia sẻ của con người với nỗi đau khổ của người khác sẽ hạn hẹp dần.