Linh động và sáng tạo

Giải thưởng CIO 2008 đã được trao cho chín CIO tiêu biểu của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc hai khối doanh nghiệp và nhà nước. Tùy đặc thù của đơn vị công tác, mỗi CIO có sự linh động, sáng tạo, đề xuất và đóng góp riêng cho hoạt động của đơn vị mình. Nhưng họ đều thống nhất thừa nhận rằng, công việc của CIO gặt hái được thành công phần lớn là nhờ thuyết phục được người lãnh đạo của họ. TBVTSG xin giới thiệu ba trong chín gương mặt CIO được nhận giải thưởng năm nay.

Ứng dụng CNTT chỉ thành công khi xuất phát từ nhu cầu thiết thực

Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel, cho rằng một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của mạng di động Viettel là doanh nghiệp đã áp dụng rộng rãi ứng dụng CNTT trong các hoạt động của mình. Và việc ứng dụng CNTT chỉ thành công khi xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Với 15 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ông Trung hiểu rằng, nếu khai thác tốt các thế mạnh của CNTT sẽ tạo ra sự phát triển mạnh cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, hàng loạt sáng kiến về ứng dụng CNTT đã được ông Trung đưa vào áp dụng thực tế, như tạo ra các gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Bằng cách này, Viettel không chỉ qua mặt các đối thủ về số lượng khách hàng thuê bao mà còn tạo một cú hích trên thị trường, buộc các nhà cung cấp dịch vụ di động khác xem xét lại các chính sách giá cước và đa dạng hóa gói dịch vụ của họ. Cũng chính từ nhu cầu thực tế, ông Trung đã khích lệ tinh thần sáng tạo của nhân viên qua các cuộc thi viết ý tưởng thiết kế các giải pháp phục vụ kinh doanh và quản lý mạng lưới của Viettel.

Ông Trung cho biết, việc ứng dụng CNTT tại Viettel đạt hiệu quả nhờ đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ví dụ: Chỉ một thời gian sau khi Viettel bắt đầu kinh doanh, lượng khách thuê bao trả sau đăng ký thu cước tại nhà đã đạt con số hàng trăm ngàn. Đã có nhiều trường hợp khách hàng nộp cước nhưng hệ thống vẫn khóa máy không cho sử dụng. Yêu cầu bức thiết được nêu ra là phải cung cấp cho nhân viên thu cước một công cụ để có thể cập nhật được thực trạng công nợ, thực hiện việc xóa nợ và mở máy cho khách hàng ngay sau khi thu cước. Viettel đã trang bị loại SIM đặc biệt cho những nhân viên thu cước, cho phép họ kết nối vào cơ sở dữ liệu khách hàng của công ty để lấy dữ liệu hoặc xóa nợ khi khách đã thanh toán. Đến nay, toàn bộ gần 10.000 nhân viên thu cước của Viettel đã được trang bị các công cụ này. Theo đánh giá của Ban giám đốc Viettel, giải pháp này đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục triệu đô-la Mỹ. Để giải quyết tình trạng các điểm thu cước bị quá tải vào cuối tháng, Viettel đã nghĩ ra cách dùng thẻ cào để thanh toán phí. Khách thuê bao của Viettel chỉ cần điện thoại đến số 199 để biết số dư nợ và cào thẻ để thanh toán.

Một đóng góp lớn khác của ông Trung tại Viettel là việc triển khai hệ thống tự động điều phối lắp đặt và sửa chữa đường dây. Xuất phát từ thực tế của năm 2007, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 sự cố phát sinh và 1.000 yêu cầu lắp đặt mới về điện thoại cố định và Internet băng thông rộng. Vấn đề đặt ra với Viettel lúc đó là làm thế nào để điều hành hoạt động một cách khoa học và đáp ứng các yêu cầu về thời gian. Bởi theo tiêu chuẩn ngành, việc lắp mới phải thực hiện trong vòng bảy ngày và sửa chữa đường dây không quá 24 giờ. Ông Trung đã tìm hiểu và phát hiện việc luân chuyển yêu cầu sửa chữa đường dây từ bộ phận tiếp nhận đến bộ phận xử lý chưa tốt, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được số lượng cũng như thời gian xử lý sự cố. Từ đó, ông đã đề xuất xây dựng một hệ thống luân chuyển thông tin tự động từ các trung tâm giải đáp khách hàng đến các đội kỹ thuật và trực tiếp đến nhân viên kỹ thuật bằng cách trang bị hệ thống tự động điều phối lắp đặt và sửa chữa đường dây. Ông Trung cho biết: “Sau sáu tháng triển khai dự án, Viettel đã rút ngắn được thời gian sửa chữa đường dây từ 24 giờ xuống còn sáu giờ và thời gian triển khai đường dây mới từ bảy ngày xuống còn hai ngày. Hiện nay, tôi đang đặt mục tiêu hạ tiếp các định mức này xuống còn là ba giờ và một ngày.”

Theo ông Trung, điều khiến ông cảm thấy hài lòng là CNTT được ứng dụng tốt giúp cho mọi người làm việc dễ dàng, đạt năng suất cao. Chính vì vậy, trong công việc, ông Trung dành nhiều thời gian cho việc thiết kế, tối ưu hóa quy trình sản xuất-kinh doanh cũng như nghiên cứu công nghệ mới trong ngành viễn thông để đưa ra những quyết định mang tính chiến lược.

Tìm đáp án riêng cho bài toán chung

Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh Nghệ An thấp hơn mức trung bình của cả nước. Việc đầu tư phát triển hạ tầng CNTT không đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương vì thiếu định hướng, thiếu lộ trình cụ thể và chủ yếu do các doanh nghiệp tự thực hiện theo khả năng. Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ về ứng dụng CNTT còn hạn chế... Bài toán về các khó khăn khi ứng dụng CNTT vào quản lý của tỉnh Nghệ An trước năm 2006 có lẽ cũng tương tự như ở nhiều tỉnh khác của Việt Nam. Nhưng điều may mắn là Nghệ An có được người có thể giúp địa phương tìm ra một đáp án riêng: Phó ban chỉ đạo CNTT tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông kiêm Chủ tịch Hội Tin học tỉnh Nghệ An, Hồ Quang Thành.

Ông Thành nói khó khăn lớn nhất là làm thay đổi nhận thức của người lãnh đạo về CNTT, thuyết phục họ tìm hiểu và đưa ứng dụng CNTT vào việc quản lý. “Tôi nói với họ rằng, phải đầu tư ứng dụng mạnh CNTT mới “giải phóng” được “cái đầu.” Nếu ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, tất cả mọi công việc sẽ được giải quyết theo hệ thống và kịp thời ngay cả khi người lãnh đạo đi công tác,” ông Thành nói. Bên cạnh đó, ông Thành cũng thuyết phục ban lãnh đạo tỉnh dành thời gian tham dự các sự kiện lớn về CNTT để có dịp hiểu hơn về CNTT, từ đó có thể dễ dàng đưa ra các quyết định đầu tư cho các dự án ứng dụng CNTT. Hàng loạt kế hoạch, đề tài ứng dụng CNTT có hiệu quả như Dự án quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2020 ; Đề án xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm CNTT của vùng Bắc Trung bộ... đã được thực hiện với sự hậu thuẫn cao nhất của ban lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Không chỉ vậy, ông Thành còn tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước về CNTT, góp phần thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ông cũng góp phần nâng cao trình độ CNTT của công chức khi đề xuất các cuộc thi ứng dụng CNTT giỏi.

Những ứng dụng CNTT tại Nghệ An do ông Thành khởi xướng đã tạo được một hạ tầng CNTT khá tốt có thể bảo đảm cho việc vận hành các hệ thống phần mềm chuyên dùng của ngành và điều hành từ xa của người lãnh đạo, bảo đảm quản trị kỹ thuật cho trang thông tin điện tử của tỉnh vận hành với trên 10.000 lượt truy cập mỗi ngày. Ông Thành cho biết, để có thể nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh Nghệ An, ông và đồng nghiệp đã phải bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng quy hoạch phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng CNTT, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp CNTT với doanh nghiệp ứng dụng, đề xuất kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng CNTT.

Nghệ An là một trong tám điểm cầu truyền hình của cả nước tham gia cuộc họp điều hành của Chính phủ qua mạng. Từ vị trí 37 của năm 2006, Nghệ An đã lên vị trí 17 trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành trong cả nước năm 2007. Ngoài TP.HCM và Đà Nẵng, Nghệ An là địa phương thứ ba có đề xuất thành lập khu công nghệ phần mềm.

Ông Thành cho biết, Nghệ An sẽ tiếp tục nỗ lực để đến năm 2010 toàn hệ thống quản lý của tỉnh có thể trao đổi thông tin hoàn toàn qua mạng trên nền hệ thống phần mềm hiện có, mở rộng việc triển khai phần mềm dùng chung quản lý hồ sơ công việc cho tất cả các sở, ban, ngành, huyện trong tỉnh, xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống giao ban điện tử trực tuyến đa phương tiện giữa UBND tỉnh với UBND các huyện.

CNTT tăng sức cạnh tranh

Khi Việt Nam gia nhập WTO, các ông chủ ngân hàng hiểu rằng thời điểm mở cửa toàn bộ các dịch vụ ngân hàng đang đến gần. Việc cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài là chuyện không thể tránh khỏi nhưng bằng cách nào ? Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách về CNTT, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), cho rằng CNTT chính là “chìa khóa” giúp các ngân hàng Việt Nam tăng sức cạnh tranh.

Ông Tuấn nói: “Ở Vietinbank, CNTT là một công cụ giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhờ nó, Vietinbank phát triển tốt các dịch vụ mới, kiểm soát được các rủi ro và giúp tiết kiệm chi phí.” Tuy nhiên, sự thành công trước hết nhờ vào sự quyết tâm của ban lãnh đạo cao nhất của ngân hàng. Sự hậu thuẫn của họ đã giúp những CIO như ông có điều kiện triển khai thành công chiến lược phát triển đồng bộ và tổng thể giữa CNTT và nghiệp vụ ngân hàng. Hệ thống quy trình nghiệp vụ đã được chuẩn hóa. Nguồn nhân lực được đào tạo thường xuyên để thích ứng với những ứng dụng CNTT mới.

Ông Tuấn là người trực tiếp chỉ đạo dự án xây dựng cổng thanh toán làm cơ sở cung cấp dịch vụ thanh toán cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ của Vietinbank năm 2007. Và đây chính là nền tảng để Vietinbank thực hiện đa dạng hóa dịch vụ thanh toán trong tương lai. Ông cũng chỉ đạo chỉnh sửa nhằm tăng cường hiệu năng của hệ thống CNTT, kiểm soát được thời gian chạy hệ thống vào cuối ngày, giảm thiểu thời gian gián đoạn hoạt động trong ngày.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề xuất xây dựng quy hoạch hệ thống mạng truyền thông giai đoạn 2007 - 2010 của Vietinbank, từ đó định hướng phát triển hạ tầng mạng hệ thống.

Hệ thống CNTT tại Vietinbank đang được xây dựng và phát triển theo mô hình hướng đến dịch vụ. Theo đó, dịch vụ CNTT đóng vai trò quan trọng và tiên quyết cho mọi sản phẩm và chiến lược kinh doanh; trên cơ sở đó xây dựng một hệ thống quản lý dịch vụ CNTT thống nhất, có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn, đưa ra những cảnh báo, dự đoán và kế hoạch phát triển CNTT tương xứng với tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo.

Thứ Năm, 02/10/2008 08:59
31 👨 257
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp