Xâm nhập thế giới hacker (kỳ 4): "Phù thuỷ" cõi "không dây"

Phải chăng hacker nào cũng thức thâu đêm bên máy tính, luôn mặc áo đen, sống khác người…Những cuộc trò chuyện góp nhặt với các thầy phù thuỷ của cõi không dây sẽ giúp bạn hiểu hơn về thế giới này.

Bài học vỡ lòng: hacking!

Chào anh! Anh nói chuyện với em nhé?!”, không biết bao lần tôi gửi thông điệp để làm quen với M. (*), một cao thủ về vi tính, theo lời giới thiệu của người bạn nhưng vẫn bặt âm vô tín. Một ngày đẹp trời nọ (đối với tôi), khi tôi đang online trò chuyện thì bất ngờ nhận được reply (trả lời) của “thần tượng”. “Nào! Cần hỏi gì đây?”. Tôi như mở cờ trong bụng và cảm ơn rối rít. “Anh có thể chỉ em cách hack được không? Em khoái “hack” lắm…”, tôi “nhờ vả” khi cảm thấy “mình và thần tượng hơi hơi thân” M. yên lặng. “Hic hic, chắc giận rồi”, tôi nhủ thầm và hơi hoảng hốt nên không ngớt gõ câu xin lỗi.

"Em hiểu thế nào là 'hack'?”, M. đột ngột hỏi sau một hồi im lặng. Hỏi mẹo tôi đây mà. “Ai chả biết hack là xâm nhập vào một máy tính, một hệ thống nào đó!”, tôi tự tin gõ câu trả lời. Một loạt biểu tượng cười ngả nghiêng hồi đáp cho câu trả lời của tôi. “Em lầm rồi, ‘hack' không phải và không chỉ đơn giản là 'thâm nhập vào một máy nào đó!’”.“Ai cũng bảo em thế!”, tôi chống chế. “Thế theo anh hack là gì?”. “Theo anh? Vậy ý em, theo anh nghĩ thì khác, theo em nghĩ thì khác và theo ai đó nghĩ thì khác về khái niệm 'hack' là gì phải không? Nếu vậy thì theo anh, chỉ có hai khả năng: hiểu đúng hoặc hiểu chưa đúng về cái gọi là 'hack', thế thôi. Theo anh (hiểu), 'hack' là sự sửa đổi nào đó có dụng đích rõ ràng trên hệ thống và sự sửa đổi này làm thay đổi 'thái độ' làm việc của hệ thống ấy. 'Sửa đổi' này là một trong những biểu thị của việc 'hack'. 'Thái độ' này đúng hay sai, thiện hay ác, ngắn hay dài... là chuyện khác”, M. tuôn một tràng.

"Gì mà khó khăn, rắc rối vậy? Bộ không có một phần mềm nào đó, mình chỉ cần gõ tên hoặc địa chỉ của máy mình muốn thâm nhập và mình .... "chui' vào máy đó sao?”, tôi hỏi. Những biểu tượng cười ngả nghiêng kèm theo sự thất vọng lại hiện lên trên màn hình chát. "Tất nhiên là có phần mềm làm những chuyện này ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, dựa vào phần mềm để làm chuyện này có lẽ không còn là 'hack' nữa”, M. giải thích. "Nhưng.... mục tiêu cuối cùng là thâm nhập. Không cần biết mình dùng công cụ nào, miễn sao thâm nhập được là... xong”, tôi cãi lại.

M. phá lên cười và gửi tặng tôi 4 cái biểu tượng thất vọng cùng một lúc. “Nếu thế thì lẽ ra em phải hỏi anh thế này: 'anh có biết công cụ nào dùng để rà và thâm nhập vào máy nào đó hoàn toàn tự động mà mình không cần làm gì hết?', thay vì: 'Anh có thể chỉ em cách hack được không?'. ‘Hack' với dụng đích nào đó dù tốt hay xấu đều có sự lý thú của nó. Ở chỗ đó là một sự thách thức để mình phải suy nghĩ, phân tích, tìm tòi và giải quyết. Thiếu mất điều này, 'hack' chẳng còn gì là thú vị nữa”. M tiếp.

Công cụ nào cũng vậy, nó có giới hạn nhất định. Công cụ được viết ra nhằm thâm nhập một hệ điều hành cho khoảng thời gian nào đó. Sau khi hệ điều hành này vá lỗi, các công cụ này trở nên vô dụng. Đó là chưa kể trường hợp các công cụ ở dạng này không hiếm bị đính một con trojan. Người dùng nó chưa thâm nhập được thì lại bị thâm nhập. Kiến thức và kinh nghiệm 'hack' theo đúng nghĩa của nó được trả giá bằng thời gian, bằng sự kiên nhẫn và niềm đam mê của người muốn tìm tòi và khai phá những điều mình thắc mắc”, M. bồi thêm một tràng.

Tôi chống chế: “Thật sự em chỉ tò mò xem thử 'chui' vào máy ai đó thế nào thôi. Xem thử nó ra sao, vậy thôi. Nếu em có được phần mềm này, chắc em chỉ thử một lần cho biết xem 'hack' là cái gì”. M. hồi đáp: "Dùng một công cụ nào đó để 'chui' vào máy của người khác chỉ có thể nằm ở mức độ giải quyết sự tò mò chớ không thể thuộc diện tìm tòi và học hỏi vì việc làm này chẳng mang tí gì tính học hỏi một cách đúng nghĩa cả. Em thử tưởng tượng máy của một người dùng bình thường khác với máy của em thế nào? Nếu như nó là một máy chạy Windows (anh nghĩ em thạo Windows) thì cũng C: rồi D: và bấy nhiêu software mà ai cũng dùng. Có gì đáng để 'thoả' cái tò mò đâu nhỉ? Đừng nói là em muốn tìm xem trong máy nào đó có CC và những thông tin 'lý thú' khác để... phá bởi vì anh không ủng hộ những chuyện này đâu. Không những thế mà anh cảm thấy.... mất hứng khi trao đổi." M. bỏ ngang cuộc trao đổi.

Bài học thứ hai: Hacker

H. đang là chuyên viên an ninh mạng tại một công ty, đã từng một thời ngang dọc trên các diễn đàn hacker và có mặt không ít trong những vụ tấn công, đó là những gì tôi được biết. Gặp nhau trong một quán cafê Wifi (mạng không dây) ở TP.HCM H. khác hẳn với những gì tôi hình dung. Ốm ốm cao cao. Jean bụi, áo thun, đi dép kẹp, tay đeo một vài vòng nhựa sắc màu. Một dân teen chính hiệu. Chỉ có cặp mắt “bụp” chứng tỏ anh vừa thức dậy. “Đêm qua thức trắng. Mà thường xuyên thế”, H. cười hì hì.

Anh thử chỉ cho em cách hack một wesite đi”, tôi nài nỉ H.“Trời! Để làm gì em?”, H. hỏi lại. “Để biết. Bao nhiêu lần chat với anh toàn nói chuyện lý thuyết, em thích động tay động chân hơn”, tôi vòi vĩnh.“Để chứng tỏ mình hả nhóc? Em nghĩ rằng em sẽ trở thành hacker sau khi hack một trang web? Chưa kể đến là dưới sự hướng dẫn của một người khác?”, H. hỏi ngược. “Em chỉ muốn thử cảm giác chút thôi”, tôi chống chế khi H. bắt đúng ngay chóc suy nghĩ của tôi. “Hack không phải là một trò đùa. Nếu em muốn chứng tỏ mình qua hack thì em đã sai! Anh cũng từng có những suy nghĩ như em và đã đi vào con đường này nên anh quá hiểu mà nhóc”.”Với bọn em, được đứng vào hàng ngũ những tay phù thuỷ trong cõi không dây là một sự hãnh diện. Bạn bè em sẽ nể phục em”, tôi thật lòng bày tỏ. “Trời! Bó tay cho những suy nghĩ của em! Hack, deface các trang web để được nể phục? Hacking là cái cách mà em tìm câu trả lời cho mình. Em muốn xâm nhập vào một hệ điều hành Linux thì chính em phải am hiểu hệ điều hành ấy. Nếu em cần sự giúp đỡ, em sẽ không hỏi câu trả lời mà sẽ hỏi cái cách để em có thể tự mình tìm được câu trả lời. Bởi vì một điều đơn giản là không ai hỏi câu trả lời để trở thành hacker mà chính em phải đi đến câu trả lời đó.”, H. tiếp.

Với những gì em đọc em nghe được thì xâm nhập máy tính là hacker”, tôi bướng. “Khả năng xâm nhập hệ thống không thể làm cho người ta trở thành hacker. Em phải hiểu rằng hacker đến với máy tính là vì họ đam mê, thích tìm tòi khám phá. Để được gì à? Để thỏa cái đam mê của chính mình, tiền bạc hay có mục đích gì khác thì không phải là hacker đúng nghĩa. Họ có thể là anh sinh viên, là ông công chức, là một anh chàng chưa tốt nghiệp 12… Họ có thể là ai bất kỳ nhưng có chung niềm đam mê: tìm tòi và khám phá “cõi không dây”. Mục đích thế nào thì lại là chuyện khác.. Hacker có một nền văn hoá của riêng họ. Nếu em thuộc về nền văn hóa ấy, em có đóng góp cho nó và được cộng đồng hacker thừa nhận là hacker thì bạn là hacker”, N. chào tạm biệt.

Bài học thứ ba: Văn hóa hacker!

Em muốn gia nhập vào một nhóm nào đó được không anh?”, tôi ‘tâm sự’ với M. - một cao thủ về vi tính đã từng tung hoành trong giới hacker và hiện đang là bảo mật của Công ty B. tại TP.HCM. “Tuỳ em, mỗi một nhóm có một tiêu chí và một sở trường riêng. Em thích tiêu chí nào thì vào nhóm đó”. “Yeah! Như vậy em sẽ bước vào thế giới ảo không dây…”. “Ý của em là…?”. “Chỉ cần đăng ký thành viên trên một diễn đàn nào đó là em sẽ nghiễm nhiên bước vào cộng đồng hacker phải không anh”. “Thế theo em cộng đồng hacker là gì?”. “Là một nhóm nào đó”. “Một nhóm? Chính em bảo là nhóm mà. Nhóm đâu có nghĩa là cộng đồng. Cộng đồng hacker là một cộng đồng mở, rất đông. Nhưng em sẽ không vào được nó nếu không được người ta biết đến và tôn trọng”. “Thế ạ?”. “Ừ! Và để có được những điều đó, em phải chứng minh được khả năng của mình và đóng góp cho cộng đồng đó. Một khi em đã hoà mình vào cộng đồng của những hacker thì em sẽ có những buổi trò chuyện thoái mái, thậm chí thân thiết dù cả hai chưa bao giờ gặp nhau. Đơn giản là vì họ đã từng nhiều lần cùng trao đổi, cùng nghiên cứu về một vấn đề nào đó”, M., cho biết.

Hihihi, thế mà em tưởng bở”, tôi cười và gửi cho M. một cái biểu tượng xấu hổ.

Em đã từng biết đến những hacker tên tuổi. Vì sao? Vì họ đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng hacker. Họ nổi danh, được mọi người tôn trọng vì những đóng góp, những sáng tạo của họ. Đây cũng là đặc trưng của nền văn hoá mang tên hacker: văn hoá hiến tặng. Điều này cũng hiển nhiên vì với hacker, một khi đã nghiên cứu, tìm tòi một cái gì đó trước hết phải nói đến sở thích, đam mê, cuốn hút. Một khi thật sự đam mê thì thì tất cả những việc họ làm đều liên quan đến sở thích, mục đích không là gì cả, làm vì thích, để biết, để khám phá. Còn mục đích, nếu có, đó là sự đóng góp của mình cho bạn bè, cho nhóm, cho cộng đồng hacker. Chính từ cái mình nghiên cứu, khám phá, làm ra đó, sẽ có thêm bạn bè, thêm người cùng trao đổi, có được sự tôn trọng từ cộng đồng”, M. tiếp và chào tạm biệt tôi “Hiểu chưa nhóc, hẹn khi khác sẽ trò chuyện thêm hỉ”.

VI THẢO – T.VI

Xem lại các bài cũ hơn:

Kỳ 1: Cuộc đột nhập lúc nửa đêm
Kỳ 2: Truy tìm
Kỳ 3: Lộ mặt
Kỳ tới (5): Chiến binh mũ trắng, mũ đen

Thứ Sáu, 05/05/2006 09:00
31 👨 973
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp