Theo báo cáo Thương mại điện tử 2005 do bộ Thương mại công bố chiều qua, nhân lực trong lĩnh vực phần mềm trong nước là 15.000 người, năng suất lao động đạt 10.000 USD/năm. Giá trị xuất khẩu của ngành ước tính là 45 triệu USD trong năm qua.
Việt Nam hiện được xếp vào số 20 nước có tiềm năng cao về gia công phần mềm và dịch vụ. Sau một thời gian dài tìm kiếm thị trường tại Bắc Mỹ, Tây Âu..., đến năm 2005, một số doanh nghiệp trong nước đã xác định Nhật Bản là thị trường gia công phần mềm trọng điểm. Các công ty như FPT Software, Tân Thế Kỷ, PSV đều có doanh thu chủ yếu từ gia công phần mềm cho xứ sở hoa anh đào.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại đánh giá quy mô của các doanh nghiệp phần mềm VN còn nhỏ, nhân lực phần mềm thiếu về số lượng và chưa có những chuyên gia phân tích trình độ cao. Con số 50.000 chuyên gia phần mềm chuyên nghiệp vẫn là một chỉ tiêu lâu dài. Những hạn chế đó làm cho năng lực cạnh tranh và khả năng thu nhập thị trường quốc tế của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn yếu.
Để phát triển công nghiệp phần mềm trong thời gian tới, Bộ Bưu chính - Viễn thông đã đề ra một số giải pháp trong đó trọng điểm là việc phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường gia công cho nước ngoài đi đôi với mở rộng thị trường nội địa. Dự kiến, gia công phần mềm cho nước ngoài vẫn là nguồn thu chủ yếu của xuất khẩu phần mềm trong giai đoạn tới với các thị trường trọng điểm là Nhật Bản và Mỹ.
Một số mục tiêu phát triển công nghiệp phần mềm đến 2010 - Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 35-40%/năm. Doanh thu toàn ngành đạt 1 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 40%. - Đào tạo được khoảng 150 nghìn kỹ sư, chuyên viên công nghệ thông tin. Trong đó, có 40-50% trở thành chuyên gia phần mềm chuyên nghiệp. - Trở thành một trong 15 quốc gia gia công xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới. - Giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực. - Làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm trọng điểm. |
Nguyễn Hằng