Viễn thông Mỹ lo lắng với cuộc chiến giá cước

Một hoặc hai nhà mạng nhỏ cần phải bị loại khỏi thị trường trước khi cuộc chiến này kéo sập cả những ông lớn”, một chuyên gia viễn thông của Ovum nói về cuộc chiến giá cước tại Mỹ.

Kể từ năm 2009, khi cuộc chiến “đua nhau giảm giá cước” mở rộng sang cả mảng dịch vụ di động trả trước và mảng thị trường của người dùng cao cấp đã khiến các hãng di động Mỹ đứng ngồi không yên.

Vấn đề giá cước di động đã trở nên đáng lo ngại”, Christopher King, một chuyên gia phân tích thị trường của hãng Stifel Nicolaus nói, “Trong khi tất cả đang mong đợi vào một viễn cảnh sáng sủa hơn của nền kinh tế trong năm 2010 thì chính cuộc đua giảm giá cước đã khiến thị trường viễn thông đánh mất cơ hội tăng tốc trở lại sau khủng hoảng”.

Và biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là giá cổ phiếu của các hãng viễn thông Mỹ lao dốc rất nhanh trong thời gian qua, đưa cổ phiếu của ngành công nghiệp viễn thông vào nhóm những cổ phiếu có giá trị thấp nhất trên các sàn chứng khoán.

Các chuyên gia kinh tế cũng có nhận định không mấy sáng sủa hơn. Dự kiến, trong năm 2010, doanh thu của nhóm ngành dịch vụ viễn thông Mỹ chỉ tăng khoảng 5% và có tốc độ tăng trưởng thuộc hàng thấp nhất trong 10 nhóm ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế.

Dự báo này đã nhanh chóng đẩy giá cổ phiếu của AT&T giảm tới 9,4% trong những ngày đầu của năm 2010. Cổ phiếu của Verizon cũng giảm 8,4%. Nguyên nhân được cho là do cả Verizon và AT&T vừa tuyên bố giảm 30% cước di động vào ngày 14/1 vừa qua để cạnh tranh với mức cước mà Sprint Nextel, MetroPCS và Leap Wireless mới công bố trước đó.

Theo phân tích của các chuyên gia thuộc hãng nghiên cứu thị trường Ovum, cuộc chiến giá cước này chắc chắn sẽ kéo mức doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao giảm xuống nhưng thị trường viễn thông vẫn chưa cần phải “báo động đỏ”.

Hiện nay, Mỹ là quốc gia có số lượng người sử dụng smartphone cao nhất thế giới và ¼ doanh thu của các hãng di động là từ các dịch vụ dữ liệu. Theo dự báo của Ovum, đến năm 2014, dịch vụ dữ liệu sẽ chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của các hãng di động Mỹ.

Nhưng giá cước của các dịch vụ thoại sẽ vẫn tiếp tục giảm và kéo các hãng viễn thông vào một cái “vòng luẩn quẩn”, các chuyên gia của Ovum nhận định.

Với tiềm lực có hạn, các hãng viễn thông nhỏ đã bắt đầu cảm thấy không thể “theo” được cuộc chiến này và tính đường rút. Sáp nhập trở thành giải pháp tốt nhất vào lúc này. Có thông tin cho rằng MetroPCS và Leap Wireless – 2 nhà mạng nhỏ chủ yếu hoạt động ở các thành phố nhỏ và “sống nhờ” dịch vụ di động trả trước, đang tính đến chuyện “góp gạo thổi cơm chung”. Cách đây 2 năm, chính Leap đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị mua lại của MetroPCS.

Các nhà phân tích thị trường còn cho rằng, rất có thể Sprint Nextel, nhà mạng di động lớn thứ 3 và T-Mobile USA – nhà mạng lớn thứ 4 cũng đang tính đến chuyện sáp nhập hoặc thành lập liên minh. Khó khăn duy nhất hiện nay khiến 2 bên chưa thể ký hợp đồng là họ đang sử dụng những công nghệ di động khác nhau và sẽ rất tốn kém nếu hòa nhập mạng lưới.

Với các ông lớn như AT&T hoặc Verizon Wireless, có thể họ vẫn “sống khỏe” trong cuộc chiến này nếu tiếp tục chiếm được thị phần từ các đối thủ nhưng có điều tốc độ tăng trưởng thuê bao của Mỹ lại liên tiếp sụt giảm.

Thứ Hai, 25/01/2010 10:31
22 👨 227
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp