Có mặt ở VN từ hơn một năm nay, thiết bị lưu trữ với kích thước chỉ bằng một chiếc sim điện thoại lại không hấp dẫn người tiêu dùng bởi chính yếu tố quá mỏng. "Khách hàng e ngại sẽ đánh rơi mất nó", các doanh nghiệp giải thích.
"Nhiều người nhìn thấy thiết bị lưu trữ bé xíu thì sợ làm gẫy, không dám mua. Nhưng thực ra sản phẩm này rất bền, chống nước nên có quên trong quần áo và đem giặt cũng không sao", Giám đốc Công ty HanoiComputer Nguyễn Thanh Sơn, nhận định. "Nó cũng khá dẻo, có thể làm móc đeo chìa khóa. Sử dụng thì đơn giản với ngõ cắm USB 2.0 như bình thường".
Mỏng và nhỏ không phải lúc nào cũng hấp dẫn, tiện dụng |
Theo các doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng họ tiêu thụ được khoảng 500 chiếc USB thường các loại và chỉ bán được trên dưới 30 chiếc super slim, chủ yếu là dòng 1 GB và 2 GB. Riêng loại 8 GB gần như không có khách hỏi mua.
Tuy nhiên, đối với một số người, sản phẩm này cũng gây ấn tượng riêng. "Cách đây vài tháng, tôi mua về một cái 2 GB vì thấy nó mỏng như vậy, để trong ví rất tiện. Nhiều bạn bè thấy tôi có cũng thích, nhờ mua hộ. Nhưng lúc đó hỏi nơi nào cũng không có hàng", anh Hùng (Hà Nội) cho biết.
"Nguyên nhân có thời điểm khan hàng như vậy là vì chúng tôi cũng như các công ty khác không dám nhập nhiều về. Bán túc tắc như vậy mà nhập cả đống hàng dễ lỗ vốn, vì giá thiết bị công nghệ giảm rất nhanh", ông Đỗ Hoàng Sâm, Giám đốc công ty máy tính Mai Hoàng, giải thích.
Theo các chuyên gia, xu hướng hiện nay là các thiết bị lưu trữ ngoài như USB sẽ được thu gọn và tích hợp chung như một dạng thẻ nhớ. Ở nước ngoài đã có các sản phẩm lưu trữ ngoài siêu mỏng có gắn bộ chuyển đổi để kết nối với thiết bị sử dụng thẻ nhớ. Tuy nhiên, các USB super slim trong nước thì chưa có sự tích hợp này.