Sở giáo dục bang New South Wales (Úc) chuẩn bị đưa vào sử dụng mạng lưới 240.000 chiếc netbook dành cho học sinh với những sự quản lý chặt chẽ đến nỗi “không thể hack”.
Theo thông tin được tiết lộ trên trang IT News của Australia, số netbook này sẽ được cài đặt hàng loạt những phần mềm quản lý trước khi phát cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 của bang này và học sinh vẫn có thể giữ lại chiếc máy tính sau khi đã tốt nghiệp.
240.000 chiếc netbook của học sinh bang New South Wales sẽ được quản lý từ xa và được bảo vệ bởi rất nhiều phần mềm bảo mật. (Ảnh minh họa) |
Lý do để Sở giáo dục New South Wales có thể tự tin rằng mạng máy tính của họ là không thể hack là: toàn bộ số netbook trên sẽ được sử dụng hệ điều hành Windows 7 cùng với đó là phần mềm “Quản lý cấu hình hệ thống từ trung tâm” của Microsoft, bộ phần mềm Remedy, Active Directory – xác thực và quản lý thiết bị, Aruba Airwave quản lý mạng không dây. Phần mềm theo dõi được nhúng trực tiếp vào BIOS và mỗi chiếc máy đều có một mật khẩu riêng. RFID (nhận dạng thiết bị qua sóng radio) cũng được tích hợp và giúp cho các nhà quản trị có thể nhận diện được từng thiết bị ngay khi chúng gặp trục trặc.
Phần mềm dành cho học sinh sử dụng cũng bị giới hạn và chỉ bao gồm bộ Microsoft Office, bộ phần mềm đồ họa Adobe CS4, shop ứng dụng trực tuyến Apple iTunes.
Theo công bố của Sở giáo dục, những chiếc netbook này có bộ nhớ RAM 2G, pin hoạt động được 6 tiếng và có giá khoảng 500 đô-la Úc (khoảng 434 USD).
Nếu xét về cấu hình, đó là một sự lựa chọn tốt dành cho học sinh nhưng những chiếc netbook này có phải là “không thể hack”? Thực ra, theo các chuyên gia về máy tính và bảo mật, không một hệ thống nào có thể tuyên bố là “có thể miễn nhiễm” và khiến những tay hacker chào thua. Với những gì đã công bố, hệ thống mạng này của bang New South Wales chỉ có thể đảm bảo chúng được bảo vệ tốt hơn và gây khó khăn cho những học sinh nếu chúng muốn bẻ khóa mà thôi.
Việc sử dụng hệ điều hành Windows 7 phiên bản dành cho doanh nghiệp và Trung tâm quản lý cấu hình hệ thống chỉ có thể ngăn cản học sinh thực hiện những hành vi nguy hiểm, bắt buộc chúng phải tải về và cài đặt các bản cập nhật, vá lỗi.
Với những mã độc hay phần mềm ẩn dưới dạng ActiveX thì sao? Nhà quản trị mạng hoàn toàn có thể quản lý được những ứng dụng chạy trên máy tính của học sinh và không cho phép chúng cài đặt thêm bất cứ một chương trình nào khác.
Các phần mềm, ứng dụng mới sẽ được cung cấp đến máy thông qua hệ thống mạng và pahir được kiểm duyệt trước. Phần mềm lọc mã độc SmartFilter của McAfee và Microsoft Forefront Antivirus cũng sẽ được cài đặt sẵn trên mỗi chiếc máy giúp học sinh ngăn chặn gần như toàn bộ những mã độc có ý đồ xâm nhập.
Vẫn còn một mối nguy cơ bị tấn công khác đó thông qua các kết nối vật lý trực tiếp nhưng khả năng này cũng đã bị hạn chế đến mức tối đa khi tính năng khởi động từ thẻ nhớ USB hay ổ đĩa quang CD đã bị vô hiệu hóa.
Không có gì là hoàn hảo nhưng nhiều chuyên gia bảo mật của Australia cũng như thế giới đã công nhận với hệ thống này, các học sinh có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng kể cả trong những trường hợp vô tâm nhất thì họ cũng sẽ không bị tấn công.