Số phận tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới giờ sẽ nằm trong tay vị giám đốc điều hành 52 tuổi, hiện nắm giữ 4,3% cổ phiếu công ty. Giới phân tích nhận định hãng này "sống hay chết" tùy thuộc vào việc họ có chiếm lĩnh được "bầu trời Internet" hay không.
Ballmer đang chịu nhiều áp lực, từ chuyện không thể sáp nhập Yahoo cho đến sự thất bại của Windows Vista và giới công nghệ đang nóng lòng muốn biết ông sẽ làm gì để Microsoft đi lên từ "di sản" mà vị chủ tịch tài giỏi của họ để lại.
Tài năng của Bill Gates thể hiện ngay khi mới hơn 20 tuổi. Ông đã yêu cầu công ty IBM trả 80.000 USD bản quyền PC-DOS (sau đổi thành MS-DOS) thay vì bán hẳn hệ điều hành - động thái được coi là một trong những quyết định kinh doanh xuất sắc mọi thời đại. Ông hiểu rằng các hãng sản xuất PC khác sẽ sao chép kiến trúc mở của IBM và mỗi người sẽ sở hữu một máy tính để bàn, do vậy Microsoft cũng phải được hưởng lợi từ sự phổ biến đó.
Ông cũng là người biến Micro-soft bé nhỏ thành một đế chế Microsoft hùng mạnh. Bằng việc mở cửa Windows, Gates đã tạo ra một nền tảng cho các nhà phát triển bên thứ ba xây dựng ứng dụng và tạo nên một hệ sính thái phần mềm xung quanh Windows.
Luôn quyết tâm cạnh tranh đến cùng, ông gắn Internet Explorer với hệ điều hành phổ biến Windows, khiến cho đối thủ trình duyệt chính của họ khi đó là Netscape bị tổn thương nghiêm trọng. (Dù về sau Microsoft đã gặp rắc rối về mặt pháp lý do có hành vi độc quyền).
CEO Steve Ballmer. Ảnh: Appleinsider. |
Nhưng khi xét về "chất lượng", giới phân tích cho rằng Microsoft đang ngày một "già nua, cũ kỹ". Dù là bậc thầy về công nghệ điện toán, Bill Gates chưa thể giúp công ty của mình thịnh vượng trên Internet và ông rời Microsoft, bỏ lại gánh nặng trên vai Steve Ballmer cùng 91.200 nhân viên.
Microsoft hiện vẫn lớn mạnh hơn Google (đứng thứ 44 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu theo đánh giá của tạp chí Fortune, còn Google là 150). Tuy nhiên, thế mạnh của hãng dịch vụ tìm kiếm là phạm vi hoạt động của họ chủ yếu diễn ra trên Internet. Khi mục tiêu của Google là "luôn luôn kết nối và sẵn sàng cung cấp dịch vụ miễn phí cho người sử dụng", công ty mà Bill Gates mất hơn 30 năm "nhào nặn" nên sẽ tồn tại ra sao trong tương lai?
Internet vẫn được coi là "sát thủ" của nhiều mô hình kinh doanh thành công trong qua khứ. Một số chuyên gia phân tích nhận định nếu vẫn tiếp tục phát triển như hiện nay, Microsoft sẽ tàn lụi vào năm 2015, khi xu thế điện toán máy chủ ảo (cloud computing) thâm nhập sâu vào đời sống. Giai đoạn 2011 - 2015 là thời kỳ khủng hoảng khi Windows 7 và Office 2010 nối tiếp thất bại của Vista và Office 2007. Lợi nhuận của hai sản phẩm chủ lực này sẽ giảm 80% do người dùng không còn thói quen mua phần mềm tại các cửa hàng mà sẽ cập nhật sản phẩm qua trình duyệt.
Ngược lại, nếu chuyển sang dịch vụ web và phân phối phần mềm theo nhu cầu, doanh thu của họ vẫn bị thu hẹp. Nhưng đến năm 2017, Steve Ballmer có thể tự hào khẳng định họ đang kiếm nhiều tiền hơn cả khi là nhà cung cấp sản phẩm kiểu đóng gói. Năm tài chính của Microsoft vừa kết thúc với tổng doanh thu đạt 60,3 tỷ USD, tăng 18%.
Bên cạnh chiến lược "đưa phần mềm lên web", Microsoft đang tập trung gọt giũa từng sản phẩm của mình, trong đó công nghệ tìm kiếm online được xếp hàng đầu. "Câu hỏi tôi hay nghe thấy nhất là: "Chúng ta sẽ cùng nhau hành động thế nào trong mảng tìm kiếm?" chứ không phải: "Lạy Chúa, liệu ta có ổn khi vắng Bill Gates?", Ballmer tiết lộ.
Còn chuyên gia phân tích Mark Anderson tại Friday Harbor, Washington (Mỹ) cho rằng, thay vì băn khoăn: "Chúng ta đánh bại Google thế nào?", Microsoft nên tìm lời giải cho câu hỏi: "Tại sao Vista tệ đến thế? Đó là mảng kinh doanh chính của ta cơ mà".
Từ nay, Ballmer sẽ dành 20% thời gian đi đàm phán với khách hàng, giảm từ 30% so với 2 năm trước, để tập trung xây dựng chiến lược cho sản phẩm. Còn Gates sẽ đầu tư 2-6 ngày mỗi tháng để cố vấn cho các dự án mà Ballmer và kiến trúc sư trưởng Ray Ozzie đề nghị ông tham gia.
Đa số nhân viên Microsoft không coi việc Bill Gates ra đi là một sự kiện lớn bởi mọi thứ đã được chuẩn bị từ trước. Còn những người mới lại tỏ ra tiếc nuối vì sẽ không có cơ hội cảm nhận "Bill Review" (Gates thường hỏi như "nã đạn" khi ông xem xét một sản phẩm nào đó).
"Không tồn tại cụm từ 'tương lai đảm bảo' đối với bất cứ công ty nào. Nhưng Microsoft sẽ đứng vững, xét về quy mô của các dự án nghiên cứu, vị trí của mỗi sản phẩm trên thị trường và chất lượng đội ngũ nhân viên", Bill Gates cho hay.