Công ty NTT (Nhật Bản) đã phát triển một công nghệ có tên gọi Human Networks (HANs), sử dụng cơ thể của chúng ta như là một mạng tốc độ cao, cho phép truyền dữ liệu từ người này sang người khác hay giữa người với các thiết bị điện tử.
Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm tích hợp hệ thống của NTT nằm ở Atsugi (phía tây Tokyo) đã xây dựng một máy thu phát vô tuyến có thể gửi và nhận dữ liệu thông qua các trường điện từ yếu trên cơ thể con người. Tốc độ truyền dữ liệu thông qua các trường này có khả năng lên tới 10 Mb/giây.
Thiết bị thu phát nói trên có tên gọi là RedTacton, hoạt động bằng cách sử dụng một biến trở quang học để chuyển những dao động trong trường điện từ của cơ thể thành dữ liệu. Chùm ánh sáng laser sẽ đo dao động điện từ trong trường và mức tác động của nó lên các điện tử trong một tinh thể rồi chuyển tất cả những điều thu được thành thông tin.
Ngoài cơ thể người, trường điện từ yếu tồn tại xung quanh rất nhiều đồ vật khác nhau như kim loại, nhiều loại plastic, kính, gốm, chất lỏng… giúp việc liên lạc thông tin giữa các máy thu phát vô tuyến có thể diễn ra một cách dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống của NTT vẫn có thể hoạt động xuyên qua giày, tất và găng tay, trên da khô lẫn da nhờn. Một người khi được trang bị cảm biến đều có thể trao đổi dữ liệu với người mang cảm biến khác thông qua việc bắt tay ngay cả khi đang đeo găng và với các thiết bị điện tử khác bằng cách sờ, đạp hay ngồi lên nó.
Máy thu phát RedTacton cần có card PCMCIA để kết nối với một thiết bị điện tử, công suất sử dụng chỉ vài trăm milliwatt và được bảo vệ chống sock điện tử. NTT đang nghiên cứu để thu nhỏ thiết bị này nhằm tích hợp vào điện thoại di động và những sản phẩm khác có khe cắm CF (CompactFlash), SD hay MemoryStick…
Không giống cách thức truyền dữ liệu như Bluetooth, công nghệ của NTT không bị nhiễu. Yếu tố bảo mật cũng có thể được đảm bảo nhờ kết nối với hệ thống mã hóa dữ liệu. Công ty này cũng khẳng định HANs an toàn về mặt sức khỏe.
NTT tin rằng công nghệ mới này sẽ được sử dụng rộng rãi như Bluetooth và WLANs với phạm vi sóng ngắn và tốc độ cao. “Chúng tôi hy vọng sẽ đưa HANs ra thị trường vào năm 2006”, Toshiaki Asashi, nhà nghiên cứu về chiến lược kinh doanh của NTT, khẳng định. An ninh và nhận dạng sẽ là những ứng dụng đầu tiên được phát triển dựa trên HANs.
NTT sẽ kết hợp với nhiều hãng điện tử lớn cũng như các công ty thiết kế và xây dựng để tiến hành thử nghiệm hệ thống này từ tháng 4 đến tháng 9 tới đây.