Thế giới công nghệ thông tin (CNTT) đang trải qua nhiều thay đổi với sự trỗi dậy của các nền kinh tế ở châu Á, mà đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đã tạo nên những tác động lớn trong lĩnh vực công nghệ phần mềm và công nghệ sản xuất. Một trật tự mới trong thế giới CNTT đang hình thành nhưng nó cũng chứa đựng nhiều thách thức và những vấn đề đáng quan tâm đối với các doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa đối với các doanh nghiệp rất sâu rộng. Việc gia tăng hoạt động gia công (outsourcing) và chuyển hoạt động của doanh nghiệp sang các quốc gia khác (offshoring) chỉ là hai ví dụ của sự toàn cầu hóa, và Trung Quốc cùng Ấn Độ đang đóng vai trò quan trọng trong hai lĩnh vực này.
Tại một cuộc hội nghị của tổ chức NetEvents International diễn ra ở Hồng Kông mới đây, với sự tham gia của các chuyên gia mạng và viễn thông, các nhà cung cấp và giới truyền thông báo chí trong ngành CNTT, Jeff Prince – Chủ tịch kiêm giám đốc kỹ thuật của công ty ConSentry Networks – đã đề cập đến những tác động của sự phát triển vượt bậc của hai quốc gia này đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và đề xuất phương cách hội nhập tốt nhất với xu hướng mới trong thế giới CNTT.
Những “Silicon Valley phương Đông”
Ngày nay, khi nghĩ đến Trung Quốc, người ta liên tưởng ngay đến việc gia công sản xuất vì giá nhân công ở đó rẻ. Nhưng Trung Quốc đang bắt đầu thực hiện những dịch vụ thiết kế theo dạng “chìa khóa trao tay” thay vì chỉ đơn thuần gia công sản phẩm.
Trong khi đó, Ấn Độ lại phát triển về gia công phần mềm. Với đội ngũ nhân viên CNTT có trình độ tiếng Anh cao, cộng thêm sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, quốc gia này đã trở thành một môi trường kinh doanh rất thân thiện cho các đồng nghiệp ở Mỹ.
Theo Jeff Prince, để hiểu những gì đang diễn ra giữa Silicon Valley – nơi được xem như là trung tâm CNTT của Mỹ – và châu Á, chúng ta phải nhìn vào những xu hướng trong đầu tư và giáo dục. Nơi những dòng tiền chảy đến là nơi người ta sẽ đầu tư.
Số liệu thống kê của công ty tài chính Thompson Financial cho thấy từ năm 2001 đến năm 2006, mức đầu tư từ Silicon Valley vào Trung Quốc đã gia tăng đáng kể so với năm năm trước đó. Hầu hết các hãng hàng đầu ở Silicon Valley đều đã có mặt ở Trung Quốc, và các cơ sở của họ ở đó phát triển còn nhanh hơn công ty mẹ ở Mỹ.
Trong khi đó, về mặt giáo dục, hai quốc gia Á châu này tuy cũng có gia tăng về mặt số lượng nhưng chất lượng vẫn chưa được cao. Trung Quốc có một chiến lược trong việc gia tăng mức độ phổ cập giáo dục. Trái lại, giáo dục ở Ấn Độ tuy có những tiêu chuẩn cao hơn nhưng lại chỉ phổ biến ở những tầng lớp thượng lưu, trí thức trong xã hội, vốn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân số. Các chuyên gia dự đoán trong vòng 20-30 năm nữa, số người Trung Quốc biết nói tiếng Anh sẽ nhiều hơn số dân bản xứ nói tiếng Anh trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã chú trọng nhiều hơn đến chất lượng giáo dục. Điều này thể hiện trong xu hướng chuyển đổi đang xảy ra ở đây: các cơ sở gia công đang dần dần chuyển thành những trung tâm nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, số lượng bằng phát minh, sáng chế có sự tham gia của người Trung Quốc cũng có chiều hướng gia tăng.
Mặc dù vậy, Silicon Valley cũng thu hút nhiều nhân tài của Trung Quốc và Ấn Độ đến làm việc ở đây. Sự đa dạng chính là sức mạnh của Silicon Valley. Theo Jeff Prince, khi hai quốc gia Á châu này phát triển lực lượng trí thức của họ, họ cũng nên chấp nhận khái niệm về sự đa dạng để có thể trở thành những “Silicon Valley phương Đông”.
Sự lặp lại của lịch sử
Jeff Prince, Chủ tịch kiêm giám đốc kỹ thuật của công ty ConSentry Networks, tại hội nghị NetEvents. |
Prince nói châu Á sẽ trở thành một nơi được ưa thích để thực hiện việc nghiên cứu và phát triển, chứ không chỉ làm gia công như hiện nay. Trong khi đó, Silicon Valley sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh của mình. Những người giỏi nhất sẽ đến Silicon Valley để sáng tạo ra những cái mới, những ý tưởng mới.
Đó sẽ lại là một cuộc đổ xô đi tìm vàng như đã từng xảy ra vào giữa thế kỷ 19 ở bang California. Nhưng theo Jeff Prince, có một bài học quý giá được rút ra từ thời kỳ đó: những người kiếm được nhiều tiền không phải là những người tìm vàng mà là những nhà cung cấp các trang thiết bị cho việc săn lùng vàng – những người bán cuốc, xẻng và ngành đường sắt vận chuyển các thiết bị.
Thời kỳ bùng nổ Internet trong thập niên 90 của thế kỷ trước cũng cho chúng ta thấy một mô thức tương tự. Rất nhiều công ty “dot-com” bị phá sản, nhưng những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng, như hãng Cisco chẳng hạn, lại phát đạt. Có thể ví những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền tải thông tin như là ngành đường sắt trong thời kỳ tìm vàng nói trên – họ cũng là những công ty hái ra tiền trong giai đoạn này.
Jeff Prince tin rằng sự bùng nổ mới ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ không có nhiều khác biệt so với những gì đã xảy ra trong lịch sử. Những nhà cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất.
Thay đổi phương thức kinh doanh
Sự bùng nổ về nghiên cứu và phát triển không thay đổi những chiến lược đầu tư mà thay đổi phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Toàn cầu hóa đưa chúng ta vào một thế giới mới, trong đó hệ thống mạng rộng mở cho mọi người, từ khách hàng, đối tác cho đến nhà thầu… Tất cả tài sản tri thức của chúng ta đều được số hóa, chứ không còn là những chồng hồ sơ nằm trong ngăn tủ, và tất cả mọi người đều có thể truy cập vào chúng.
Mạng nội bộ được thiết kế để mọi người kết nối với nhau một cách thuận lợi, và mô hình này đã hoạt động tốt khi doanh nghiệp là những hệ thống khép kín. Nó là một môi trường ổn định và an toàn. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là củng cố hệ thống ngoại biên của mạng.
Nhưng môi trường mạng đã trở nên đông đúc và phức tạp với đủ mọi hạng người ghé thăm mọi lúc mọi nơi. Hệ thống mạng ngày nay không chỉ có kết nối thông tin, mà điều quan trọng là doanh nghiệp phải kiểm soát được hệ thống mạng của mình. Jeff Prince nói: “Chúng ta không chỉ cần bảo vệ dữ liệu mà còn phải có khả năng kiểm soát được những gì xảy ra với dữ liệu.”
Ông cho biết điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải hiểu rõ những người kết nối vào hệ thống mạng của mình và họ làm gì ở đó. Kế đến là phải kiểm soát họ bằng nhiều biện pháp như kiểm tra nhân dạng, xác nhận vai trò, ứng dụng hay đích đến.
Danh sách kiểm soát sự truy cập (Access Control List – ACL) chỉ đơn giản xác định một địa chỉ IP, số cổng truy cập, và ngăn chặn những địa chỉ IP không có trong danh sách. Khi ACL bị xâm phạm, chúng ta khó biết được điều gì đã thực sự xảy ra vì ACL không ở dạng có thể đọc được một cách bình thường. Khi thêm yếu tố nhận dạng vào trong mạng, chúng ta có thể thiết lập những quy định một cách dễ dàng, và biết được chính xác điều gì đã xảy ra khi những quy định này bị vi phạm.
Vậy doanh nghiệp phải làm gì để phát triển tốt trong bối cảnh mới của thế giới CNTT? Jeff Prince cho rằng điều tiên quyết là doanh nghiệp phải được chuẩn bị để chấp nhận và sử dụng những nguồn lực tốt nhất từ bất kỳ quốc gia nào nhằm thực hiện những mục tiêu kinh doanh của mình. Ông khuyên các doanh nghiệp phải lựa chọn những đối tác đáng tin cậy khi đặt hàng gia công ở Trung Quốc hay Ấn Độ, và phải kiểm soát được tất cả các hoạt động gia công.
Đồng thời, ông nói thêm, các doanh nghiệp phải bảo vệ nghiêm ngặt các tài sản kỹ thuật số vì chúng được lưu trữ trên máy chủ trong hệ thống thông tin của họ. Hãy tập trung vào những điều đơn giản, đừng phức tạp hóa vấn đề để rồi không thể kiểm soát được gì cả.
Đăng Thiều