Đại diện VEIA, cho biết Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp phần cứng, mỗi năm tung ra thị trường khoảng trên 1 triệu máy tính để bàn (lắp ráp, gia công), chiếm tới trên 90% thị trường.
Tại hội nghị “Doanh nghiệp CNTT-TT với nhiệm vụ triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” được Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội mới đây, trao đổi về những mục tiêu mà Đề án đặt ra (như “đến năm 2015 Việt Nam sẽ làm chủ thiết kế (vi mạch tích hợp) và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng CNTT-TT”; “đến năm 2015 sẽ có 20 – 30% số hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet băng rộng”…), đại diện của một số đơn vị như Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử (VEIA), Viettel đều khẳng định để thực hiện thành công chiến lược, những vấn đề như cung cấp máy tính giá rẻ, kích cầu thị trường, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp phần cứng… cần được Nhà nước hỗ trợ triệt để.
Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ của thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, bất cập gây cản trở phát triển sản xuất, đòi hỏi được Chính phủ cần rà soát, chỉ đạo xử lý. Các doanh nghiệp đang phải gánh chịu sự bất lợi về thuế do linh kiện nhập khẩu cho sản xuất, lắp ráp cao hơn so với máy nguyên chiếc nhập từ nước ngoài. Điều này từ lâu các doanh nghiệp đã có ý kiến phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính giải quyết. Liên quan đến câu chuyện khó khăn của thị trường tiêu thụ, ông Hải cũng cho rằng dù Thông tư 42/2009/TT-BTTTT do Bộ TT&TT ban hành năm 2009 đã quy định chi tiết về việc các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… “cần ưu tiên mua sắm sản phẩm CNTT sản xuất trong nước với nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước”, thế nhưng sau gần 2 năm, cho đến thời điểm hiện nay các cơ quan vẫn “né tránh” thực hiện Thông tư này.
“Tình trạng mua sắm thiết bị máy tính để bàn, máy tính xách tay nước ngoài với giá thành đắt hơn vẫn đang rất phổ biến. Chính vì vậy, để Thông tư đi vào đời sống thì Nhà nước cần có biện pháp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện”, ông Hải nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, một trong những vấn đề quan trọng để nhằm thực hiện thành công “Đề án Nước mạnh” chính là câu chuyện liên quan tới smartphone và máy tính giá rẻ. Ông Hùng gợi ý hướng đi cụ thể: “Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình cung cấp máy tính giá rẻ. Ví dụ, Quỹ viễn thông công ích nên được Chính phủ hướng sang bù giá cho việc sản xuất thiết bị đầu cuối. Ngoài ra, cần xây phòng thí nghiệm để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ, phù hợp với xu thế phát triển”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Hải cũng cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra các cơ chế thúc đẩy đồng bộ như miễn, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng) cho người mua, cấp tín dụng lãi suất ưu đãi cho sản xuất máy tính…