Trong năm 2011, gần một nửa các hãng TV lớn trên thế giới như LG, Philips, Vizio và Toshiba sẽ tham gia vào việc sản xuất TV 3D "thụ động" để giảm giá thành TV 3D.
Giá đắt, nội dung ít và những phiền toái về kính chuyên dụng đã cản trở TV 3D phát triển trong năm 2010. Ảnh: Pocket-lint.
Cùng với việc khan hiếm nội dung, việc chưa quen phải đeo thêm kính chuyên dụng cồng kềnh và "đắt", cũng là nguyên nhân khiến cho người tiêu dụng chưa háo hứa với TV 3D trong năm 2010. Tuy nhiên, dường như ngành công nghiệp TV thế giới đang muốn xóa bỏ đi rào cản đó khi nhiều hãng sản xuất lớn đang cố gắng giảm chi phí đầu tư 3D cho người tiêu dùng, tăng thêm số lượng các model 3D ít tiền cũng như chuyển sang công nghệ thụ động với loại kính phân cực như ngoài rạp.
Hầu hết các hãng TV hiện nay đều đang sử dụng công nghệ trình diễn hình ảnh nổi với kính trập hình động trên các mẫu TV 3D đã và đang bán ra thị trường trong vòng 12 tháng qua. Kính trập hình động sử dụng pin, cho phép đồng bộ tín hiệu với TV và trình diễn các nội dung Full HD ở từng mắt kính trái, phải lần lượt. Nhưng giá thành lại lên đến 100, 200 USD.
Trong khi đó, công nghệ kính thụ động lại hoàn toàn khác, rẻ hơn nhiều (10 đến 30 USD) sử dụng các thấu kính phân cực với ưu thế gọn nhẹ tựa như các loại kính mát và cũng chẳng cần phải sử dụng đến pin và năng lượng. Việc có thể dùng chung kính phân cực cho nhiều mẫu TV 3D nhãn hiệu khác nhau cũng giúp cho chi phí đầu tư vào 3D rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, khuyết điểm của loại sản phẩm này là việc từng mắt kính chỉ có thể thu nhận được độ phân giải một nửa Full HD ở mỗi khung hình.
Công nghệ 3D 'thụ động' FPR của LG sẽ mang đến những mẫu TV 3D giá rẻ. Ảnh: LG Flickr.
Nếu như trong năm 2010, LG là nhà sản xuất TV duy nhất đưa ra thị trường mẫu TV 3D thụ động phục vụ người tiêu dùng, model 47LD950, thì trong năm nay, hãng Hàn Quốc tỏ ra tích cực hơn nhiều trong công nghệ TV 3D "thụ động". LW5700 và LW7700 sẽ là những mẫu TV LED 3D sử dụng công nghệ kính phân cực, cho phép trình diễn hình ảnh nổi giống như ở các rạp chiếu phim 3D. Ngoài ra một model 3D ít tiền hơn, LW450U, cũng sẽ được bán ra ở thời gian tới.
Theo Pocket-lint, những mẫu 3D thụ động sắp được LG bán ra chắc chắn sẽ có mức giá mềm hơn nhiều so với LD950, model duy nhất được bán ra trong năm ngoái. Bởi các sản phẩm đó sẽ sử dụng công nghệ màn hình có tên FPR (Film patterned retarder) vừa được hãng Hàn Quốc giới thiệu tại CES 2011, có ưu điểm là giá rẻ nhưng vẫn giữ được chất lượng hình ảnh cạnh tranh với loại 3D "chủ động".
Kính phân cực với thiết kế gọn nhẹ hơn nhiều loại kính trập hình. Ảnh: RealD
Vị giám đốc điều hành của LG Display, Kwon Young Soo, cho biết: "công nghệ kính trập hình động đời đầu mà chúng tôi đã giới thiệu là sản phẩm phù hợp với TV 3D, nhưng FPR ra đời sau mới là công nghệ hữu ích nhất để tạo ra một xu hướng sắm TV 3D".
"FPR sẽ mang đến cho các nhà sản xuất cơ hội là ra TV 3D có chất lượng hình ảnh tuyệt vời mà vẫn thân thiện với sức khỏe của người sử dụng, tạo cảm giác thoải mái và có giá cả phải chăng, chính là những điều từng gây cản trở cho sự phổ biến của thế hệ TV 3D đầu tiên", vị giám đốc tới từ LG Display cho biết thêm.
"Nghiên cứu của chúng tôi cũng đã cho thấy rằng, 88% khách hàng tỏ ra thích thú hơn với những trải nghiệm 3D thụ động", George Mead, Trưởng bộ phận marketing nhóm hàng điện tử tiêu dùng của LG Electronics đã trả lời Pocket-lint.
Cùng với động thái tiên phong trong công nghệ 3D thụ động của LG, Philips, Vizio và Toshiba cũng xác nhận họ đang xúc tiến với LG Display để có thể sử dụng công nghệ màn hình 3D FPR trên những mẫu TV của mình. Lý do để công nghệ này lựa chọn chính là việc 3D thụ động tạo được nhiều lợi ích cho người dùng hơn 3D chủ động, từ giá cả cho tới sự tiện dụng ở các cặp kính.
Riêng Vizio, còn "nhanh chân" trình làng những mẫu TV 3D thụ động đầu tiên trên thế giới sử dụng tỷ lệ khung hình siêu dài, 21:9, ngay tại triển lãm CES 2011, với kích thước lên tới 65 và 71 inch. Trong khi mẫu 3D thụ động đầu tiên của Toshiba, TL515 series sẽ có mặt trên thị trường vào khoảng giữa năm tới với các kích thước 42, 47 và 55 inch.
Trong khi đó, các hãng sản xuất như Samsung, Sharp và Panasonic chỉ tập trung duy nhất vào công nghệ trập hình động, với hàng loạt model mới được giới thiệu vào dịp đầu năm 2011. Riêng Sony họ còn theo đuổi thêm công nghệ TV 3D không cần kính, như trên model OLED 3D kích thước 24 inch.
2010 là năm mà công nghệ 3D đã thực sự bùng nổ đối với các nhà sản xuất TV trên toàn thế giới. Nhưng 2011 mới thực sự là năm quyết định đến sự phát triển của dòng sản phẩm giải trí thời thượng này, khi có đến 2 xu hướng công nghệ đều đang được quan tâm và phát triển như nhau, 3D chủ động và 3D thụ động. Và người tiêu dùng sẽ là người đưa ra quyết định công nghệ nào thích hợp nhất cho TV 3D.