Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, kể từ khi website TMĐT đầu tiên Việt Nam được thành lập vào năm 2004.
1. Mua hàng qua mạng, nở rộ và phát triển bền vững
Thời kỳ đầu, hình thức mua hàng trực tuyến gặp không ít những phản ứng tiêu cực từ người dùng mà lí do phổ biến nhất là:
- Mức độ lừa đảo, mất uy tín do hàng giao không đúng cam kết xảy ra thường xuyên khiến người mua hàng cho rằng “sản phẩm trên mạng chỉ toàn của ôi, rẻ tiền”. Điều này cũng xuất phát từ thói quen mua hàng thích “sờ nắm tận tay mới hay thế nào” của người Việt Nam.
- Việc thanh toán thiếu tiện lợi và không đảm bảo được tính bảo mật cho người mua hàng khi mà cơ sở hạ tầng viễn thông – Internet Việt Nam đang ở buổi đầu hình thành. Bên cạnh đó, luật TMĐT còn lỏng lẻo, chưa hoàn thiện để có biện pháp xử lý nghiêm khắc trường hợp sai phạm.
Giai đoạn đánh dấu phương thức mua hàng qua mạng bùng nổ có thể tính từ thời điểm các tổ chức kinh doanh theo mô hình mua sắm theo nhóm (groupon) nở rộ như: Nhóm Mua, Mua Chung, Cùng Mua, HotDeal... Thời điểm mà người mua hàng “phát cuồng” với vô số loại hình sản phẩm có mức giảm lên đến 90%.
Giảm giá lớn – Sức hấp dẫn không thể chối từ khi mua theo nhóm. (Nguồn: Internet)
Ngày nay, hình thức mua hàng qua mạng ở Việt Nam không còn xa lạ với doanh nghiệp lẫn khách hàng. Một doanh nghiệp muốn kinh doanh hiệu quả không thể bỏ qua việc xây dựng website theo hướng TMĐT, tức sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng được niêm yết và bán trên website.
Riêng với khách hàng, mọi sản phẩm, mặt hàng đều có thể đặt mua online: Từ cái váy đầm đến vé xem phim, từ quyển sách đến đôi dép lào, bịch xoài ngâm, thậm chí đến cả dịch vụ thông tắc bồn cầu, bạn cũng có thể gọi thợ qua mạng! Báo cáo của VISA cho thấy kết quả tăng trưởng của thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam vô cùng lạc quan: Tỉ lệ người truy cập Internet tham gia mua sắm đạt mức 71% với doanh số bán lẻ, ước tính 667 triệu USD trong năm 2012 và dự đoán sẽ ở mức trên 1.3 tỷ USD vào năm 2015.
Bên cạnh đó, rủi ro được hạn chế bằng các quy định chặt chẽ từ pháp luật (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT), bằng sự hoàn thiện trong phương thức thanh toán qua thẻ, mức độ xác tín của các sàn TMĐT, và người mua hàng nay cũng đã khôn ngoan hơn.
Giảm giá lớn, giá rẻ không còn là chiêu câu khách “bách phát bách trúng” nữa mà thay vào đó chất lượng dịch vụ, uy tín và tính tiện lợi được đặt lên hàng đầu. Theo nghiên cứu của Cimigo (tập đoàn độc lập chuyên về lĩnh vực Nghiên Cứu Thị Trường và Thương hiệu), 68% người dân thường xuyên truy cập Internet hằng ngày để tìm kiếm thông tin sản phẩm (chiếm 55%) và mua sắm (35%).
Niềm tin vào hình thức này được củng cố khi có “90% khách hàng sẽ mua hàng trực tuyến trong tương lai”. So với tỷ lệ 30% người tham gia khảo sát cho biết từng mua hàng trực tuyến trước đó một năm, những con số này cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về mức độ tham gia dịch vụ TMĐT của người tiêu dùng trẻ tại các thành phố lớn. (VISA, 2012)
Lượng người mua sắm online tăng ổn định. (Nguồn: VISA)
2. Smartphone, cơn sóng thần càn quét thị trường tiêu dùng
“Ngày nay, các thiết bị di động đã ăn sâu vào từng góc cạnh của cuộc sống hiện đại. Người sử dụng di động luôn hoạt động online, lướt web mọi lúc mọi nơi, nào là khi đang quây quần bên gia đình, đang tham dự một sự kiện, đang ở trên các phương tiện giao thông công cộng hay đang đi mua sắm.” (Naveen Tewari, CEO và đồng sáng lập InMobi).
Cách đây khoảng 2 năm, lượng người dùng smartphone không nhiều và đó dường như chỉ là món hàng dành cho những người có tiền và sành điệu do mức giá trung bình khoảng 7 – 10 triệu đồng/mẫu điện thoại. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, đi đâu, gặp ai cũng có thể thấy sự hiện diện của smartphone.
Hình ảnh một vị cao niên chọt chọt dế thông minh có lẽ không còn quá lạ lẫm. (Ảnh: Vietnamplus.vn)
Có ý kiến cho rằng smartphone đang trở thành một dạng “thuốc phiện mới” khi đi đâu, làm gì, trong bất kể trường hợp nào, người ta cũng sử dụng chúng: Café với bạn bè, ăn cơm cùng gia đình, học trong lớp, đi dã ngoại, online trước khi đi ngủ…Và như vậy, cuộc sống con người buộc phụ thuộc và bị chi phối bởi smartphone là điều không thể bàn cãi.
Đặc biệt là đối với người tiêu dùng Việt Nam, do thời gian tiếp cận chưa lâu nên họ tò mò và tốn nhiều thời gian để “vọc” máy hơn so với các quốc gia phát triển khác. Ông D. ở Bến Tre, là nông dân chính gốc quanh năm chỉ biết “sáng sớm trồng lúa, trưa chiều gầy độ nhậu, tối nghe vọng cổ”, vậy mà từ khi con trai ông đi làm ở thành phố về tặng cha cái smartphone thì đến vợ ông cũng phải lên cơn ghen, bạn nhậu tỏ ra bất mãn vì cái vật nhỏ nhỏ xinh xinh kia làm ông mê mẩn, cả ngày ông giữ khư khư điện thoại bên mình để nghe radio, chụp hình, chơi game!
Nhiều thống kê cũng cho thấy smartphone đang thâm nhập và thay đổi hành vi, lối sống của nhiều người. Số liệu được công bố từ nghiên cứu của Ofcom khiến chúng ta phải giật mình: Có đến 81% người dùng điện thoại bật điện thoại liên tục, ngay cả khi ngủ; 51% người trưởng thành và 65% thanh thiếu niên dùng điện thoại khi đang nói chuyện với người khác; 23% người lớn và 34% thanh thiếu niên sử dụng điện thoại suốt giờ ăn và 22% người lớn, 47% thanh thiếu niên dùng điện thoại trong… toilet.
Xu hướng sản xuất di động thế giới hiện nay là all-in-one, tức tích hợp mọi chức năng vào trong chiếc smartphone: thẻ thanh toán, đọc mã vạch, tắt mở khóa, máy y tế (đo nhịp tim, nồng độ cồn…), điều khiển từ xa, cinema di động… từ đó biến điện thoại thành trợ thủ đắc lực của con người, giúp con người giản tiện bớt vật dụng mang theo, đồng thời tăng tính tương tác với nhau hơn. Chính vì vậy mà điện thoại di động luôn là vật bất ly thân của mọi người, sự phụ thuộc nó của con người cũng ngày càng cao hơn.
3. Mua sắm trực tuyến và những cơ hội mới
Ở các quốc gia mà guồng công việc hối hả không ngừng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thì việc mua sắm qua di động là điều rất bình thường do người dân phải luôn di chuyển nhưng vẫn muốn shopping hay tra cứu mặt hàng. Ở Việt Nam, hình thức này đã bắt đầu nở rộ và lan nhanh như một xu hướng tất yếu khi nhu cầu mua sắm cùng với hạ tầng công nghệ phát triển song hành.
Cấu hình điện thoại mạnh, chất lượng mạng 3G ổn định hơn, bên cạnh đó trải nghiệm mua sắm qua di động rất khác biệt khi mua hàng in-store hoặc mua online qua máy tính cá nhân. Nhiều dẫn chứng đã cho thấy sự chuyển dịch này. Thật khác thường khi lượng tìm kiếm từ khóa trung bình trên mobile đối với cả hệ điều hành Android và iOS gần gấp đôi độ dài của việc tìm kiếm trung bình trên destop.
Trong khi cả máy tính bảng và smartphone được xem như các công cụ “lean back” thì riêng smartphone đã được sử dụng on-the-go từ sáng tới tối bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian ở nhà. Số liệu từ Google Mobile Ads cho thấy người dùng tìm kiếm sản phẩm đang tăng đều theo từng ngày và cao điểm nhất là vào 9h tối.
“Ngồi làm việc trên máy tính cả ngày khiến tôi rất nhức mắt, buổi tối về đến nhà chẳng muốn mở vi tính lên chút nào. Nên cần mua gì thì cứ mở điện thoại lên thôi.” (chị Hạnh, Q.9)
Nhu cầu mua sắm trên di động là có thực, tuy nhiên hiện nay đa số các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp bán lẻ, lại không có phiên bản website cho mobile. Điều này đã hạn chế đi nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ tuổi từ 13 – 35, đối tượng chiếm trên 50% lượng khách và đóng góp 2/3 doanh thu cho thị trường trực tuyến.
Không có nhiều doanh nghiệp làm website mobile như trang web mua sắm trực tuyến META này.
Do môi trường di động khác biệt hoàn toàn với môi trường web truyền thống ở chỗ nó không phù hợp với những sản phẩm lớn, nhiều tính năng và đòi hỏi hiệu năng cao. Các sản phẩm di động cần đáp ứng được các yếu tố gọn nhẹ, cơ bản như những tính năng thiết thực nhất.
Bên cạnh đó, tỉ lệ người mua hàng trên điện thoại di động không cao, dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa để tâm đến hình thức này. Tuy nhiên, đây là một xu hướng tất yếu mà các đơn vị TMĐT không thể bỏ qua. Nhiều đơn vị TMĐT đã nắm bắt xu hướng và làm tốt website dành riêng cho di động như: Meta.vn, Bookbuy.vn, Muachung.vn….
Theo nghiên cứu đặc biệt từ BizBuySell – một doanh nghiệp thị trường trực tuyến, người mua tiềm năng sẽ tìm mua hàng nhiều hơn thông qua thiết bị di động do đặc trưng của loại hình này mang tính tập trung cao, các bước mua hàng được giản lược tối đa, cũng như các thao tác chủ yếu là kéo thả và click chọn thay vì gõ chữ như phiên bản destop nhằm giúp khách hàng mua sắm nhanh gọn hơn.
4. Kết
So với thế giới thì TMĐT Việt Nam chỉ mới bước qua giai đoạn mở đầu, tuy nhiên đã có những bước phát triển thần tốc nhằm bắt kịp với xu hướng chung. Bản thân người tiêu dùng Việt Nam có khả năng thích ứng cực tốt với sự phát triển của công nghệ.
Sống năng động, suy nghĩ thoáng đạt và “chạm nhẹ mua nhanh”, ấy là hình ảnh của thế hệ khách hàng mới. Do đó xây dựng website trên mobile là hành động cần thiết để theo kịp thói quen tiêu dùng trong kỷ nguyên di động ngày nay.