"Mổ xẻ" thực hư chuyện Microsoft nâng giá bỏ thầu

Liệu ý định của gã khổng lồ phần mềm nghiêm túc đến mức nào khi nâng giá bỏ thầu từ 31 USD/cổ phiếu lên 33 USD/cổ phiếu, dù cho Yahoo đang thời kỳ lao đao và chưa có bất cứ dấu hiệu khởi sắc nào?

Dấy lên hoài nghi

Câu trả lời cho câu hỏi trên lại càng có ý nghĩa quan trọng, khi số lượng cổ đông giận dữ của Yahoo ngày càng đông. Thậm chí họ còn đe dọa sẽ khởi kiện Ban giám đốc và hất cẳng cả 10 người trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 3/7 tới đây.

Nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của các cổ đông, Yahoo đang cố gắng "khêu gợi sự hoài nghi" về tính hợp pháp và nghiêm túc của mức giá 33 USD/cổ phiếu mà Microsoft đưa ra vào phút chót.

Không phải vô duyên vô cớ mà bà Chủ tịch Sue Decker lại phát biểu trên báo rằng "con số 33 USD hoàn toàn không xuất hiện trên giấy tờ, ngoài bức thư tuyên bố rút lui của Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer".

Và rằng từ đầu đến cuối, mức giá chính thức duy nhất mà hai bên đàm phán vẫn chỉ là 31 USD/cổ phiếu mà thôi.

Thậm chí còn có một giả thuyết nổi lên là Steve Ballmer cố tình "gài bẫy" Jerry Yang, dẫu biết thừa là mức giá 33 USD cũng sẽ bị từ chối. Thế là Microsoft sẽ có thể thoải mái tháo chạy khỏi một bản hợp đồng bị nhiều nhà phân tích đánh giá là "tiềm ẩn quá nhiều rủi ro".

Hãng thông tấn AP đã liên hệ với những người "thân cận với vụ việc" để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Đây đều là những thông tin tuyệt mật, vì thế nguồn tin của AP yêu cầu được giữ kín danh tính một cách tuyệt đối.

Thực hư thế nào?

Dù chi tiết cụ thể có thể khác nhau, song tất cả những người được hỏi đều nhất trí ở một điểm: Microsoft chưa hề viết ra mức giá 47,5 tỷ USD trên giấy trắng mực đen. Nó chỉ được "nói ra" qua miệng của Giám đốc điều hành Steve Ballmer và Brad Smith - Trưởng nhóm tư vấn của Microsoft mà thôi.

Hoàn toàn tương phản, mức giá bỏ thầu gốc của Microsoft (31 USD/cổ phiếu) được nhắc đến rành rành trong bức thư mà Ballmer gửi cho ban giám đốc Yahoo vào ngày 31/1. Ban giám đốc Yahoo cố tình nhấn vào điểm này để bóng gió nói rằng Microsoft không thực sự nghiêm túc với mức giá mới.

Tuy nhiên, theo luật sư Morton Pierce, "việc nâng giá bỏ thầu bằng miệng dù không phải là hành động lý tưởng, nhưng vẫn chấp nhận được khi cả hai bên đã trải qua một cuộc đối thoại dài hơi".

"Bạn luôn thích một lời đề nghị viết ra trên giấy để kiểm tra xem có điều kiện nào kèm theo hay không, nhưng thực ra cũng không cần thiết nếu hai bên đang đàm phán dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau", Pierce bình luận.

Ít nhất thì Microsoft và Yahoo cũng đã trải qua nhiều vòng đàm phán, gặp gỡ trước ngày 30/4 vừa qua. Hai hãng thậm chí đã thuê hẳn một nhóm chuyên gia ngân hàng và luật sư có tiếng để tư vấn và đứng ra bảo lãnh trong trường hợp đạt được thỏa thuận.

Về phía Microsoft có đại diện của Bear Stearns Cos, BlackStone Group LP và Morgan Stanley, trong khi êkip của Yahoo được dẫn đầu bởi Goldman Sachs và Lehman Brothers Holdings.

Mức phí tư vấn chẳng hề rẻ chút nào. Lấy thí dụ, riêng trong tháng 3 vừa qua thôi, Yahoo đã phải chi tới 14 triệu USD để nhận được những lời khuyên về cách đối phó với vụ bỏ thầu của Microsoft.

Bao nhiêu mới là đủ?

Một nguồn tin cho biết trong cuộc đàm phán cuối cùng hôm 30/4, Yang có nói với Ballmer rằng Yahoo đáng giá 38 USD/cổ phiếu. Thế nhưng một nguồn tin khác lại khẳng định: Yang không hề đưa ra bất cứ con số cụ thể nào trong cuộc họp.

Cả hai người đều nhất trí ở một điểm là Ballmer có tuyên bố sẽ "nâng giá bỏ thầu thêm vài USD". Sang đến ngày 1/5, Ballmer liên lạc lại với Yang để thông báo: "Quyết định nâng giá bỏ thầu của Microsoft là chính thức".

Đến ngày 2/5, Luật sư trưởng Brad Smith của Microsoft gọi cho Ronald Olson, một luật sư đại diện của Yahoo để xác nhận việc Microsoft sẵn sàng trả mức giá 33 USD/cổ phiếu.

Ngày 3/5, Jerry Yang đáp chuyên cơ riêng đến Redmond để nhóm họp với Ballmer và Kevin Johnson - Giám đốc bộ phận online của Microsoft. Một lần nữa, Ballmer nhắc lại mức giá mới 33 USD/cổ phiếu - tăng 12% so với giá trị của mức bỏ thầu gốc.

Tuy nhiên, Yang đáp trả rằng "Về cá nhân, tôi tin Yahoo phải đáng giá 38 USD/cổ phiếu. Nhưng ý nguyện của ban giám đốc là 37 USD/cổ phiếu cũng chấp nhận được".

Cùng đi với Yang trong chuyến bay này có Đồng sáng lập Filo của Yahoo. Sự hiện diện của Filo đã khiến nhiều nhà đầu tư và giới phân tích thắc mắc bởi anh ta không nằm trong ban giám đốc của hãng.

Trên thực tế, Filo chỉ là một cổ đông quan trọng với 5,8% cổ phần của hãng trong tay (gần gấp rưỡi tỷ lệ 3,9% cổ phần mà Yang đang nắm giữ).

Nhiều cổ đông Yahoo cho rằng "việc tin tưởng giao phó toàn bộ các vòng đàm phán cho 2 người có "liên hệ tình cảm sâu sắc" với Yahoo là một ý tưởng tồi tệ".

Yang (39 tuổi) và Filo (41 tuổi) đã lập ra Yahoo vào năm 1994 khi còn là sinh viên đại học Stanford. "Việc Yang và Filo được cử đi đàm phán giống như bố mẹ sai "hai đứa trẻ đi làm việc lớn", mà chẳng có lấy mấy lời khuyên đúng đắn làm vốn vậy", họ chỉ trích.

"Thật khó mà tin nổi là ban giám đốc Yahoo lại để chuyện này (Microsoft rút lui) xảy ra"

"Họ đã nhận định tình huống hoàn toàn sai lầm. Cái suy nghĩ "Microsoft giàu lắm, hãy đào mỏ đi" thật không thể chấp nhận được", Eric Jackson, Chủ tịch Ironfire Capital tuyên bố.

Thứ Năm, 08/05/2008 10:09
31 👨 34
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp