Các cỗ máy tìm kiếm như Google và Yahoo! cung cấp dịch vụ tìm kiếm và nhiều dịch vụ liên quan khác hoàn toàn miễn phí cho người sử dụng.
Để xây dựng và duy trì các dịch vụ như vậy, phải có vốn đầu tư rất lớn. Do đó, một trong những câu hỏi thường được đặt ra cho các công ty này là: lấy tiền từ đâu để bù đắp cho chi phí đầu tư và thu lợi nhuận?
Các nguồn thu lợi nhuận cho các cỗ máy tìm kiếm bao gồm:
Chi phí để các trang web được thu thập nhanh (inclusion fee)
Để các trang web của bạn có thể hiển thị trong kết quả tìm kiếm của người sử dụng, trước hết chúng phải được các máy tìm kiếm thu thập về và lưu trong kho dữ liệu. Tuy nhiên, với số lượng các trang web mới ra đời ngày một lớn, thời gian để được máy tìm kiếm “để mắt” tới có thể sẽ mất từ vài tuần đến vài tháng.
Do đó, nếu không muốn phải đợi lâu, bạn có thể trả phí cho các máy tìm kiếm để chúng thu thập nhanh hơn, trong vòng một hoặc hai ngày. Đây là cách mà nhiều máy tìm kiếm thường làm.
Tuy nhiên với Google, bạn không phải trả chi phí này mà có thể dùng các công cụ như Google WebMaster Tool (http://www.google.com/webmasters/tools/), hay Google Add URL (http://www.google.com/addurl/).
Bán thông tin
Các công ty sở hữu công nghệ về máy tìm kiếm thường bán các dịch vụ tìm kiếm cho các công ty có khối lượng dữ liệu lớn và phân tán. |
Những thông tin này, bên cạnh việc hỗ trợ cho việc nâng cấp các máy tìm kiếm để trả về kết quả phù hợp hơn, còn có thể được bán cho các công ty khác.
Những công ty mua các thông tin này có thể sử dụng chúng để biết được những sản phẩm người tiêu dùng đang quan tâm hoặc tiên đoán những nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai.
Bán dịch vụ
Các công ty sở hữu công nghệ về máy tìm kiếm thường bán các dịch vụ tìm kiếm cho các công ty có khối lượng dữ liệu lớn và phân tán.
Ví dụ, Google bán công nghệ Google Search Appliance cho các công ty muốn triển khai các dịch vụ tìm kiếm dữ liệu của nội bộ công ty.
Quảng cáo trực tuyến
So với các nguồn thu kể trên, nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến lớn hơn rất nhiều. Ví dụ năm 2004, Google thu về 3 tỉ Đô la Mỹ từ quảng cáo.
Có hai cách thu tiền từ quảng cáo
Cách thứ nhất là khách hàng trả tiền để bảo đảm trang web của họ nằm ở thứ hạng cao trong danh sách kết quả tìm kiếm trả về của máy tìm kiếm (pay-for-placement). Cách làm này thường bị chỉ trích do kết quả tìm kiếm không thực sự khách quan.
Cách thứ hai, các máy tìm kiếm phân chia trang kết quả tìm kiếm thành hai phần, một phần là kết quả tìm kiếm khách quan, độc lập với việc có trả tiền hay không, và phần còn lại là dành cho các trang web có trả tiền. Ví dụ với Google, phần thứ hai thường chiếm một phần nhỏ bên phải, dưới tiêu đề Sponsored Links.
Với các trang web phải trả tiền để được hiển thị ở phần này, Google áp dụng chiến lược “trả tiền khi người sử dụng click” (cost-per-click). Khách hàng sẽ chọn một tập các từ khóa mà họ muốn trang web của họ được hiển thị trong kết quả tìm kiếm và sau đó đấu giá cho thứ tự hiển thị.
Ví dụ, Công ty A kinh doanh máy giặt có thể chọn từ khóa như “máy giặt Sài Gòn” để đấu giá. Khi người sử dụng gõ vào từ khóa trên, kết nối (link) đến trang web của Công ty A sẽ được hiển thị trong phần Sponsored Links theo thứ tự đấu giá. Nếu Công ty A đấu giá 5 Đô la Mỹ thì họ sẽ phải trả 5 Đô la Mỹ cho Google mỗi khi người sử dụng nhấp chuột (click) vào đường link đến trang web của họ.
Ngoài ra, nếu có một công ty khác, cũng đấu giá trên cùng cụm từ khóa, trả 10 Đô la Mỹ, thì link đến trang web của họ sẽ nằm trên link đến trang web của Công ty A.
“Trả tiền khi người sử dụng click” hiện là hình thức quảng cáo trực tuyến thông dụng trên Internet nhờ tính hiệu quả của nó. Khi người sử dụng click vào một link của một trang web thương mại, có nghĩa rằng họ có ý định rõ ràng về việc mua bán, điều mà không thể biết được qua quảng cáo trên báo giấy thông thường.
Tuy nhiên, để tránh các công ty bị đối thủ cạnh tranh “chơi xấu” bằng cách click liên tục lên link quảng cáo, hầu hết các cỗ máy tìm kiếm phải có các phương pháp có hiệu quả để hỗ trợ khách hàng trong việc này.