Khi mua DSLR cũ, người mua cần kiểm tra số lần chụp của máy bên cạnh việc xem cảm biến, ống kính đi kèm hay màn hình LCD.
Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ cùng vòng đời ngắn ngủi của mỗi chiếc máy ảnh, thị trường máy ảnh cũ đang rất sôi động. Người mua có thể kiếm được những máy ảnh rẻ tiền mà còn gần như là cao cấp nhất do người chơi "dùng lướt".
Dưới đây là một số kinh nghiệm khi chọn máy ảnh cũ.
Kiểm tra số lần chụp bằng cửa trập
Màn trập của DSLR có tuổi thọ dao động từ 100.000 tới 150.000 lần. Ảnh: Goldfries.
Thông thường cửa trập của các máy ảnh DSLR có tuổi thọ nhất định dựa trên số lần sử dụng, được các hãng máy ảnh công bố (dao động từ 100.000 hay 150.000 lần). Vì thế, khi mua máy cũ, cần lưu tâm hỏi ngay người bán hàng về thông số này.
Nếu có điều kiện cầm thực tế, có thể kiểm tra sơ bộ thông số bằng cách chụp và xem số thứ tự tên file ảnh. Nhưng cách này thực chất cũng không mấy tin cậy do các máy ảnh sau này đều có thể đánh lại từ đầu số tên file.
Phương pháp thứ hai là dùng các phần mềm từ các hãng thứ ba, như EOSInfo cho máy Canon. Ngoài ra, các phần mềm đọc ảnh EXIF với các thông số siêu dữ liệu kèm ảnh cũng có thể cho biết số lần cửa trập đã sử dụng.
Người mua cũng nên kiểm tra qua những yếu tố mang tính trực quan như chụp thử ở nhiều tốc độ cửa trập khác nhau để xem tiếng trập có đanh gọn hay không, có những âm thanh bất thường nàohay có bị kẹt chỗ nào không.
Kiểm tra cảm biến
Cảm biến cũng cần được kiểm tra xem có bị dính bụi hay mạt bằng cách chụp một hình toàn màu trắng (giấy, tường hay bầu trời) với độ mở hẹp (f/22 chẳng hạn), rồi phóng to trên máy tính xem có vết đen hay vết bẩn nào không.
Hoặc cũng có thể kiểm tra bằng mắt thường bằng cách khóa gương lật và xem kỹ bề mặt cảm biến lộ ra có bị bụi hay xước.
Kiểm tra ống kính
Nhiều người bán có thể bán kèm ống kit theo thân máy cũ hoặc một ống kính nào đó. Nếu muốn mua, trước tiên hãy kiểm tra kỹ bằng mắt thường xem ở phía trước hay phía sau thấu kính có bị xước hay bụi. Nếu ống kính có vòng chỉnh độ mở cơ học, kiểm tra xem các lá thép có di chuyển mượt mà hay không.
Vấn đề đáng lưu tâm nhất đối với chất lượng thấu kính là nấm mốc. Ngoài việc xem xét trực tiếp, hãy khéo léo hỏi người bán về cách bảo quản ống kính để xem họ có cất trong tủ chống ẩm không hay chỉ để trong túi máy ảnh trong thời gian dài.
Nhớ kiểm tra luôn cả vỏ bề ngoài hay vòng xoay ống kính. Nếu là ống zoom, thử xoay ra xoay vào để xem chuyển động, sau đó lắp vào thân máy và chụp thử với các khoảng lấy nét khác nhau để kiểm tra tốc độ và độ chính xác của motor nét.
Kiểm tra màn hình LCD
Cần kiểm tra cả bảo hành khi mua máy ảnh cũ. Ảnh: Zenfolio.
Màn hình LCD của máy ảnh cũng cần phải được xem xét xem có dấu hiệu xây xước hay hỏng hóc gì. Chụp thử những tấm hình với một màu duy nhất để tìm xem liệu có điểm chết nào xuất hiện hay không.
Màu sắc trên màn LCD này nếu kém tươi tắn hoặc hoạt động chập chờn chứng tỏ máy cũng đã dùng một thơi gian nhiều hặoc được dùng quá liên tục. Đảm bảo kiểm tra kỹ lưỡng để có thể xác định mức giá chính xác cho độ cũ mới của máy ảnh.
Kiểm tra độ mòn
Một cách khác kiểm tra việc máy ảnh có được sử dụng thường xuyên hay không là bạn có thể xem bề mặt của nút chụp ảnh có bị bóng nhẫy do mòn hay bị bong tróc. Bạn có thể xem thêm cả nắp ống kính và dây đeo xem đã sờn chưa. Do gần như được sử dụng cùng lúc với máy ảnh nên độ cũ của các chi tiết này có thể góp phần giúp bạn xác định tuổi thọ thực sự của máy.
Kiểm tra linh kiện đi kèm
Nhiều người bán chỉ kèm những phụ kiện tối thiểu như pin, xạc… Hãy kiểm tra xem những phụ kiện này có hoạt động không. Đôi khi gặp may bạn có thể có được một bộ phụ kiện đầy đủ như mới, chưa kể còn được tặng thêm đầu đọc thẻ, pin dự phòng hay thẻ nhớ dự phòng nữa.
Kiểm tra bảo hành
Một số cửa hàng bán đồ cũ có thể đưa ra những thời hạn bảo hành nhất định tại cửa hàng. Mua trực tiếp từ cá nhân có thể không có bảo hành, nhưng cũng có thể vẫn còn bảo hành chính hãng của nhà sản xuất. Hãy luôn nhớ hỏi về chính sách bảo hành của sản phẩm cũ, nếu cần hỏi luôn cả hóa đơn mua hàng trong trường hợp cần đối chiếu.
Với một số kinh nghiệm trên cùng với một chút tính cẩn thận, bạn sẽ tìm được chiếc máy ảnh ưng ý cho mình mà không quá lo lắng vấn đề ngân sách.