Để chủ động hội nhập kinh tế thế giới khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), doanh nghiệp (DN) Việt Nam không còn cách nào khác phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Một trong những giải pháp hiệu quả để tự hoàn thiện DN là ứng dụng kinh doanh điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đổi phương thức kinh doanh
Kinh doanh điện tử (KDĐT) đang ngày càng được DN quan tâm do đem lại lợi ích cho DN trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Điều này càng trở nên quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Do đó hội thảo "Kinh doanh điện tử trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế" đã được Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thương Mại và Dự án Nâng cao Năng Lực Cạnh Tranh Việt Nam (VNCI) tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua tại TP.HCM, nhằm nâng cao nhận thức cho DN về vai trò của CNTT trong hoạt động SXKD. Qua đó cho thấy, ứng dụng KDĐT, DN có thể tái cơ cấu quy trình KD, phát triển mối quan hệ với đối tác, mở rộng kênh phân phối và gia tăng các giá trị của DN. Trên thế giới, nhiều DN đã ứng dụng hiệu quả giải pháp KDĐT. Ở Việt Nam vấn đề này còn khá mới mẻ ngay cả trong khái niệm lẫn nội dung. Qua hội thảo, các nhà tổ chức mong muốn đem đến cái nhìn rõ hơn về KDĐT, thực trạng KDĐT trong DN Việt Nam, các vấn đề pháp lý và tác động của hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhận xét về xu hướng phát triển KDĐT trên thế giới, ông Nguyễn Phú Tiến, Cục Ứng Dụng CNTT (Bộ BCVT), cho biết: "KDĐT ngày càng phát triển tuy vẫn có sự khác biệt giữa các công ty (theo các quy mô và lĩnh vực kinh doanh) nhưng hầu hết các DN phát triển đã đầu tư hệ thống phần mềm, phần cứng (các hệ thống ERP, băng rộng...) tốt hơn cho hoạt động KD. Trong ngành công nghiệp sản xuất, các giao dịch B2B ngày càng tăng. Trước đây KDĐT chủ yếu được ứng dụng trong quá trình mua sắm. Hiện nay, nó đã được mở rộng sang lĩnh vực bán hàng và dịch vụ khách hàng (như du lịch, xuất bản). DN Việt Nam cũng đã bắt đầu nhận thức được lợi ích của KDĐT (có 91% DN sử dụng và kết nối Internet, gần 60% kết nối ADSL, 75% nối mạng LAN- nguồn VCCI) nhưng chủ yếu chỉ dừng ở mức sử dụng Internet, email, website và một số ứng dụng đơn giản như quản trị nhân sự, đào tạo trực tuyến. Mức độ tham gia KD trực tuyến còn thấp, chỉ 4% DN tham gia sàn giao dịch, 2,7 % bán hàng qua mạng, 9% DN xây dựng được hệ thống chăm sóc khách hàng qua mạng. Hầu hết DN chưa xây dựng được chiến lược KDĐT một cách cụ thể.
Theo ông David Brunell, đại diện của VNCI, trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, dù DN tư nhân, nhà nước hay các tổ chức kinh tế khác cũng không nằm ngoài môi trường cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt. Đó là những thách thức về chất lượng, hiệu quả, việc cắt giảm chi phí trong SXKD, mối tương quan giữa nhà cung cấp và người tiêu thụ. Thách thức này đòi hỏi DN phải chấp nhận sự thay đổi trong phương thức KD, tìm hiểu phương thức KDĐT, dịch vụ, thông tin liên lạc điện tử. KDĐT giúp khách hàng có khả năng tiếp cận nhiều thông tin, có nhiều sự lựa chọn. Hình thức thương mại này cũng sẽ thay đổi cách thức tiếp thị, bán sản phẩm ra thị trường, cung cấp dịch vụ theo các sản phẩm đó. Ví dụ: Công ty máy tính Apple trước đây đã trải qua giai đoạn khó khăn tưởng chừng không thể tồn tại, nhưng do đã tiến hành cuộc cải tổ thay đổi cách thức thông tin liên lạc, quan hệ với khách hàng, định vị lại vị trí và sản phẩm của họ trên thị trường... mà Apple đã khẳng định lại thương hiệu và gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, ông Brunell cũng khuyến cáo DN: KDDT có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất mối quan hệ con người với nhau trong quá trình giao dịch. Thách thức của chúng ta là làm sao vẫn giữ được yếu tố con người, mối quan hệ giữa con người trong các giao dịch TMĐT. Những công ty muốn giữ khách hàng trung thành cần biết cách phối hợp hiệu quả giữa những tiện ích của TMĐT với yếu tố con người như cách thức liên hệ, trò chuyện với khách hàng sao cho gần gũi. DN vừa và nhỏ cũng vậy, phải làm sao để KD trên mạng nhưng vẫn giữ được mối quan hệ với những khách hàng truyền thống.
Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, chủ tịch G18 - nhóm các DN phía Nam DN CHẬM CHÂN SẼ THIỆT THÒI |
DN đã ý thức được lợi ích của ứng dụng CNTT và bước đầu triển khai ứng dụng, phổ biến nhất là ứng dụng hạ tầng cơ sở, nhưng việc đầu tư chuyên sâu vào các quy trình còn đáng lo. Tức là, những tiện ích hỗ trợ của công cụ KDĐT chưa được phát huy. Sự tham gia sàn giao dịch KDĐT của DN rõ ràng còn yếu. Có thể DN ngại khâu thanh toán. Trong nhóm KDĐT mà chúng tôi đã hình thành, bước đầu có phối hợp với các ngân hàng với sáu phương thức thanh toán, nhưng phương thức thanh toán phổ biến trên thế giới là qua thẻ tín dụng thì chưa triển khai được. Chúng tôi đang phối hợp với ngân hàng Đông Á triển khai. Nếu các ngân hàng cùng phối hợp chặt chẽ để thống nhất một thẻ thanh toán như Visa hay Master sẽ hỗ trợ nhiều cho việc thanh toán trên các sàn giao dịch. |
Doanh nghiệp không nên chờ
Hiện nay KDĐT không còn là sự chọn lựa mà là xu hướng đầu tư của DN, đã đến lúc không còn đặt vấn đề cần hay không cần ứng dụng TMĐT mà DN phải có kế hoạch đầu tư, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu để hỗ trợ kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Thảo, phó tổng thư ký VCCI, trong lúc các cơ quan nhà nước đang xây dựng chiến lược tổng thể về môi trường pháp lý, nội dung TMĐT, hoàn thiện quy chế thanh toán qua mạng... DN không nên chờ mà phải tìm kiếm và nắm bắt cơ hội, chủ động tham gia ngay từ bây giờ. Chỉ trong 3 tháng năm 2005, Chính Phủ đã phê duyệt 2 chương trình liên quan đến vấn đề này: Chương trình tổng thể TMĐT đến năm 2010 và chương trình hỗ trợ DN ứng dụng CNTT. VCCI và VNCI cũng đã phối hợp triển khai hàng loạt hoạt động: tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề, nghiên cứu khảo sát... nhằm nâng cao nhận thức của DN về ứng dụng CNTT.
Đại Nguyên