Hàng chục triệu người cầm trên tay những sản phẩm danh tiếng của Apple nhưng ít người biết rằng đó chính là những tuyệt tác sỉnh ra từ bàn tay của Jonathan Ive – Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng thiết kế công nghiệp tại Apple.
Jonathan Ive
Nhà thiết kế bẩm sinh
Không hiểu vì cái bóng của Steve Jobs (cựu Tổng giám đốc của Apple) quá lớn hay vì Jonathan Ive quá kín đáo nên không có nhiều người biết đến tên anh, ngoại trừ một số ít người đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghệ. Người ta ngưỡng mộ thiết kế “không lẫn vào đâu được” của Apple, người ta xếp hàng dài chờ mua các sản phẩm Apple mới ra mắt và góp phần đưa hãng công nghệ này vượt mặt cả những tên tuổi đình đám như Google, Microsoft để trở thành công ty lớn thứ 2 trên thế giới…
Tất cả đều có bóng dáng của Jonathan Ive.
Có chuyên gia đã kỳ công tính toán và kết luận rằng nếu Apple là hãng công nghệ có giá trị thị trường khoảng 200 tỷ USD thì riêng bản thân Jonathan Ive cũng có giá trị không dưới 500 triệu USD. Thậm chí, khi tên tuổi của Jonathan Ive đã gần như gắn chặt với Apple thì chính anh đã gây ra một làn sóng bất mãn trong giới công nghệ Anh bởi người ta cho rằng nước Anh (quê gốc của Jonathan Ive) đã có lỗi trong việc đánh mất một tài năng bậc nhất thế giới vào tay người Mỹ (Apple).
Jonathan Ive – người được giới công nghệ đặt cho biệt danh “Ngài Mac” (Mr. Mac) sinh ra và lớn lên ở Chingford, Essex (vùng đông bắc thủ đô London, Anh). Bố của Ive là một thợ chế tác bạc nên ngay từ nhỏ anh đã nổi tiếng là một cậu bé rất ít nói nhưng lại hay “táy máy” và suốt ngày mầy mò chế tạo một thứ gì đó. Với cha mẹ anh, Jonathan Ive là nỗi “sợ hãi” của họ bởi cậu bé này luôn có trò tháo tung những thiết bị, đồ dùng trong nhà ra rồi lại tìm cách lắp lại y như cũ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần Ive quyết định tháo chiếc đài cassette của gia đình. Trong khi những người lớn đang thẫn thờ vì nghĩ rằng “số phận” của thứ đồ đạc rất có giá này đã an bài thì chỉ nửa tiếng sau chiếc đài lại “ca vang” còn “thủ phạm” thì đã trốn biệt tăm.
Tốt nghiệp phổ thông, Jonathan Ive đăng ký theo học ngành thiết kế xe hơi tại trường Cao đẳng nghệ thuật Central St Martins nhưng không lâu sau đó anh nhận thấy rằng các bạn học của mình quá “kỳ quặc” khi suốt ngày ngồi vẽ còn miệng thì liên hồi “gừm gừm” bắt chước tiếng động cơ ô tô. Chưa đầy một năm sau, Ive quyết định bỏ sang học ngành thiết kế sản phẩm tại trường Đại học Newcastle. Tại đó, anh gặp được Clive Grinyer, một ông thầy tài năng nhưng rất nghiêm khắc (hiện nay đang là Giám đốc mảng thiết kế và sáng tạo của Hội đồng Thiết kế Hoàng gia Anh). “Đó là cậu học trò chăm chỉ nhất mà đời nhà giáo của tôi từng được gặp. Với mỗi bài tập thiết kế, trong khi các sinh viên khác thường chỉ có 6 mô hình hoàn chỉnh thì Ive luôn gây ngạc nhiên với hơn 100 mô hình khác nhau”.
Cái duyên với Apple
Sau khi kết thúc thời sinh viên, Jonathan Ive về làm việc với Clive Grinyer tại một hãng tư vấn nhỏ có tên là Tangerine ở London. Năm 1992, hãng công nghệ đang điêu đứng và gần phá sản Apple tìm đến Tangerine để tìm mua một vài ý tưởng cho mẫu máy tính xách tay cá nhân bởi thị trường này đang tăng trưởng rất nhanh. Ive đứng ra nhận hợp đồng này trong khi đang cố gắng hoàn tất một số thiết kế cho những thiết bị phòng tắm theo yêu cầu của hãng Ideal Standard. Vài ngày sau, khi Ive mang những ý tưởng của mình đến trình bày với giám đốc marketing của Ideal Standard thì anh đã bị từ chối thẳng thừng, nhưng khi Ive bay đến Mỹ và tự lái xe từ San Francisco đến trụ sở của Apple ở Cupertino để giới thiệu những thiết kế của mình thì ban lãnh đạo hãng đã đi đến quyết định là… mời Ive ở lại làm việc luôn.
Jonathan Ive thời sinh viên (trái) và khi đang là Phó chủ tịch cấp cao của Apple.
Tuy nhiên, 3 năm đầu ở Apple của Ive lại là một khoảng thời gian vô cùng tồi tệ. Họ cấp cho anh một phòng nghiên cứu ở dưới tầng hầm một ngôi nhà ở cách xa trụ sở chính trong khi tất cả những thiết kế của anh đều bị quẳng vào sọt rác hoặc chẳng được ai ngó ngàng đến. Đến năm 1997, khi Ive đang chuẩn bị bỏ việc thì đột nhiên Steve Jobs trở về Apple. Trong lần đầu tiên đến thăm phòng thí nghiệm của Ive, Steve Jobs đã phải thốt lên: “Tại sao kho báu của Apple lại nằm ở đây thế này?”. Ngay lập tức, Steve Jobs ra lệnh chuyển toàn bộ phòng thiết kế của Ive về trụ sở chính, thiết lập một khu riêng biệt, tăng cường các biện pháp an ninh và cách ly hoàn toàn với các bộ phận khác của hãng. Thậm chí, nhóm thiết kế của Ive còn có cả một nhà bếp, đầu bếp và nhân viên phục vụ riêng với thực phẩm được đưa đến hàng ngày để tránh việc các nhân viên nhà bếp “bép xép” công việc của anh với người ngoài.
“Võ sĩ đạo” trong lòng Apple
Có một chi tiết khá quan trọng nhưng ít ai biết rằng phong cách làm việc và thiết kế của Jonathan Ive chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi triết lý từ những nghệ nhân rèn kiếm (katana) của Nhật Bản. Theo lời kể của các đồng nghiệp ở Apple, khi Ive được Steve Jobs giao nhiệm vụ tìm ra một thiết kế độc đáo nhưng phải thật mỏng cho mẫu laptop mang thương hiệu MacBook của hãng, anh đã quyết định đáp chuyến bay kéo dài 14 tiếng từ Mỹ đi Nhật để tìm đến học hỏi các nghệ nhân katana. Những thợ rèn Nhật Bản đã dạy cho Ive rằng một thanh kiếm phải được rèn qua hàng ngàn lần để đảm bảo được độ sắc bén, long lanh và cứng cáp bên ngoài nhưng lại vô cùng mềm dẻo ở bên trong khiến mỗi thanh kiếm đều là một tác phẩm nghệ thuật thực sự nhưng vẫn là một thứ vũ khí “sát thủ”.
Ive nhận giải "Nhà thiết kế của năm" nhờ khai sinh dòng máy tính để bàn iMac danh tiếng.
Và những chiếc MacBook, iPod, iPhone, iPad… ra đời về sau này đều thấm đẫm thứ triết lý ấy. Chúng có vẻ ngoài rất bỏng bẩy, quyến rũ, mỏng manh nhưng không bao giờ người dùng cảm thấy chúng yếu ớt mà ngược lại luôn nhận ra sự mạnh mẽ ẩn chứa trong đó. Chưa hết, thói quen rèn kiếm vào ban đêm (để dễ đoán nhiệt độ bằng cách nhìn màu sắc thanh thép nung) của các nghệ nhân katana cũng ngấm vào người Ive biến anh trở thành “con cú đêm” nổi tiếng nhất Apple. Có người nói, cái đầu trọc của Ive cũng là “tác phẩm” phỏng theo kiểu đầu của các nghệ nhân người Nhật.
Ở Apple, số lượng các chuyên gia thiết kế tài năng không hề hiếm nhưng gần như tất cả đều phải ngả mũ trước sự chịu khó quan sát và học hỏi của Jonathan Ive. Khi được giao nhiệm vụ thiết kế mẫu máy tính để bàn iMac với tiêu chí thoát ly hoàn toàn khỏi những khối hộp vuông quen thuộc của họ máy tính Windows, anh đã dành tới vài tuần đi lê la ở các nhà máy sản xuất bánh kẹo nhằm học hỏi cách pha chế, phối màu sản phẩm. Khi Ive nhìn thấy một giọt nước trên tấm kính ở bàn làm việc, ý tưởng về một con chuột máy tính “siêu sexy” ra đời và hơn một năm sau nhưng người yêu công nghệ đã được đón nhận sản phẩm Magic Mouse. Khi Ive nhìn thấy một bao thuốc lá, anh lập tức liên tưởng đến một thiết bị dành cho những người “nghiện âm nhạc” và chiếc iPod ra đời. “Ive là một gã “nghiện thiết kế” đúng nghĩa. Suốt đêm, anh ta cứ làm đi làm lại một mẫu sản phẩm rồi tìm cách chỉnh sửa nó theo đủ cách mà anh ta có thể nghĩ ra, sau đó anh bắt tất cả mọi người quan sát góp ý với một yêu cầu: Loại bỏ tất cả những chi tiết thừa ví dụ như chiếc đèn LED ở cạnh bên của chiếc laptop hay điện thoại”, Stephen Bayley – một chuyên gia khác của Apple nhận xét.
Nhưng việc ngồi thiết kế những sản phẩm của tương lai ở California (Mỹ) và được nhận giải thưởng danh giá nhất của Viện thiết kế công nghiệp Hoàng gia Anh ở London lại nằm ngoài mọi suy tính của Jonathan Ive dù rằng những danh hiệu là thứ không hề xa lạ với anh. Năm 1999, tên của Ive xuất hiện trong danh sách 100 nhà sáng tạo (innovator) xuất sắc nhất thế giới ở độ tuổi dưới 35. Trong 2 năm liên tiếp (2002, 2003) Ive là người đoạt giải cao nhất của Bảo tàng Thiết kế quốc gia (Anh) để rồi năm 2004 anh trở thành một trong những thành viên của ban giám khảo giải thưởng này. Là tác giả chính của thiết kế mẫu iPhone nên ngày 18/7/2007, Jonathan Ive đoạt Giải thưởng Thiết kế quốc gia. Tháng 5/2009, Ive được trao bằng Tiến sĩ danh dự của trường Đại học thiết kế Rhode Island – một trong những trường danh tiếng nhất thế giới về lĩnh vực thiết kế thời trang và công nghiệp. Đúng 1 tháng sau (6/2009), Ive tiếp tục nhận bằng Tiến sĩ danh dự của trường Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh.
Với tất cả những đóng góp của mình trên những sản phẩm của Apple, năm 2010, Jonathan Ive được tạp chí Fortune danh tiếng của Mỹ trao tặng danh hiệu “Nhà thiết kế thông minh và xuất sắc nhất thế giới”. Hiện nay, Ive còn là người sở hữu hơn 300 bằng sáng chế công nghệ.