Sự xuất hiện của iPhone chính hãng tại Việt Nam, cùng những scandal xung quanh iPhone 4 đã làm lu mờ những sản phẩm khác trong làng smartphone nửa đầu năm này.
iPhone chính hãng có mặt tại Việt Nam từ cuối tháng ba. Ảnh: Quốc Huy.
Tháng 3, iPhone chính hãng về nước, tưởng như chấm dứt chuỗi ngày xài hàng ngoài của dân công nghệ, nhưng không.
Ngày 26/3, các cửa hàng của Viettel, VinaPhone đã chính thức bán ra chiếc di động của Apple sau một thời gian dài đồn thổi. Không có cảnh từng đoàn người xếp hàng trước của siêu thị của Viettel, VinaPhone, nhưng việc ra mắt sản phẩm này đã tốn rất nhiều giấy mực của báo giới. Chỉ đơn giản là, người Việt chưa quen với hình thức mua điện thoại kèm gói hợp đồng.
Ngay sau một giờ bán ra, cả VinaPhone và Viettel đều công bố có hàng trăm mẫu máy đã đến tay người dùng. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, không khí tấp nập của các cửa hàng bán iPhone chính hãng đã lắng một cách nhanh chóng. Cho tới giờ, các nhà mạng vẫn chưa đưa ra doanh số bán tiếp theo của chiếc smartphone này.
Việc iPhone chính hãng chưa bán chạy dù rất được quan tâm xuất phát từ lý do giá. Trước khi công bố, Viettel, VinaPhone háo hức cho biết, sẽ có những gói cước 0 đồng. Nhưng thực tế, với các mức thanh toán khác nhau, muốn sở hữu một chiếc điện thoại "Quả táo", người dùng vẫn phải trả tiền ban đầu không dưới 10 triệu, dù có lợi hơn về cuộc gọi, tin nhắn, truy cập 3G trong một, hai năm sau đó.
iPhone 4 xuất hiện với hàng loạt scandal. Ảnh: Daylife.
Sau đó ba tháng, iPhone 4 lại làm nóng làng điện thoại trong nước bởi rò rỉ bản được cho là thử nghiệm tại Việt Nam trước khi chính thức ra mắt, cùng mức giá về nước là 2.000 USD sau hai ngày bắt đầu bán ra tại Mỹ.
Apple nổi tiếng là nhà sản xuất giữ kín những bí mật về sản phẩm của mình đến phút chót, nhưng hơn hai tháng trước khi iPhone 4 trình làng, hình ảnh, video của thiết bị này đã tràn lan trên Internet. Trang tin Gizmodo đã mua lại được mẫu thử nghiệm từ một người lạ nhặt được máy tại quán bar. Ngay sau Gizmodo, một phiên bản khác cũng có mặt tại Việt Nam.
Ngày 8/6, Steve Jobs xuất hiện trên sân khấu WWDC và giới thiệu chiếc smartphone thứ tư của hãng. Gần như, hình dáng và thiết kế sản phẩm này không có gì khác biệt so với các model rò rỉ. Tuy nhiên, các thông số mà Apple đưa ra lại tạo một sự hào hứng mới. Với chiều dày 9,3 mm, iPhone 4 là smartphone mỏng nhất trên thị trường, ngoài ra, màn hình "võng mạc" với độ phân giải cao, camera 5 Megapixel, quay phim HD và các tính năng mạnh mẽ trong hệ điều hành iOS 4, thiết bị của Apple đã tạo ra một hiệu ứng tốt từ người dùng.
Hàng nghìn người đã có mặt trước các hệ thống cửa hàng Apple tại Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản đề chờ mua iPhone 4 trong ngày 24/6. Hai ngày sau, model này được bán tại Việt Nam với giá tới gần 2.000 USD.
1,7 triệu model đã bán ra trong 3 ngày đầu, iPhone 4 trở thành thiết bị ra mắt thành công nhất trong lịch sử của Apple.
Tuy nhiên, hàng loạt các phản hồi không tốt đã xuất hiện ngay khi máy đến tay người dùng. Từ màn hình bị vàng đến chất lượng thoại không tốt, nhưng scandal đáng chú ý nhất lại là việc iPhone 4 bị mất sóng khi cầm tay, che lại phần khớp ăng ten ngay cạnh bên. Đỉnh điểm của của rắc rối này lên cao khi khách hàng nộp đơn kiện bởi Apple đã nối dối về chất lượng sản phẩm. Mới đây, "Quả táo" đã chính thức đưa ra lời xin lỗi, đồng thời hứa hẹn sẽ mang bản cập nhật phần mềm trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, với lỗi về thiết kế, "Apple nên thu hồi iPhone 4 càng sớm càng tốt".
HTC EVO 4G - mẫu smartphone siêu mạnh mẽ. Ảnh: Engadget.
Sự xuất hiện của nhiều siêu phẩm và hệ điều hành mới tiếp tục làm "nóng" phân khúc smartphone. Nếu như năm ngoái, Toshiba đã mang đến chiếc di động có bộ vi xử lý 1GHz đầu tiên, thì hiện nay, các model có tốc độ này đã bão hòa, và trở thành điều bình thường.
Sự xuất hiện của hãng loạt các siêu phẩm như HTC EVO 4G, Nokia N8, HTC Droid Incredible, Motorola Droid X, Samsung Galaxy S, Wave S8500 đã mang tới những diện mạo mới cho làng di động. Smartphone hiện tại đã mở rộng màn hình tới 4,3, thậm chí lên 5 inch, thêm các kết nối như WiMax, băng thông 3G được mở rộng hơn. Cuộc đua mang tới khả năng hiển thị màn hình tốt hơn cũng diễn ra quyết liệt, sau AMOLED, Samsung giới thiệu Super AMOLED trên Wave hay Galaxy S, trong khi Apple lại trình diễn iPhone sử dụng công nghệ IPS và độ phân giải lên tới 640 x 960 pixel.
Cuộc chiến hệ điều hành cũng đang mở ra nhiều hướng mới cho sự phát triển smartphone. Apple đã từng thành công với iPhone OS và gian ứng dụng App Store, giữa tháng 6 họ nâng cấp lên iOS 4. Trong khi đó, Nokia và Intel hợp nhất hai nền tảng Moblin và Maemo để phát triển MeeGo, đồng thời, nhà sản xuất Phần Lan cũng ra mắt N8 chạy Symbian^3, bước chuẩn bị cho Symbian^4 vào cuối năm.
Sau khi sử dụng Windows Mobile, Symbian, Android lên các mẫu smartphone, Samsung mới đây đã bán ra chiếc Wave, thiết bị đầu tiên sử dụng Bada, nền tảng được hãng phát triển riêng.
Thị trường di động những tháng đầu năm nay cũng chứng kiến sự bứt tốc của Android khi hầu hết các smartphone mạnh mẽ từ HTC, Nokia, Motorola đều sử dụng nền tảng mới. Nhà sản xuất máy tính HP đã "đứng ngồi không yên" khi quyết định mua lại Palm, lý do chính là thâu tóm hệ điều hành webOS để đưa lên smartphone và tablet của mình. Trong khi đó, Microsoft đã giới thiệu Windows Phone 7 tháng hai vừa rồi và sẽ đưa lên smartphone cuối năm.
Apple kiện HTC về giao diện và phần cứng. Ảnh: Quốc Huy.
Cạnh tranh khốc liệt trong làng smartphone đã dẫn tới việc các hãng lớn đâm đơn kiện nhau về bản quyền sáng chế. Tháng 10 năm ngoái, Nokia khởi đầu cho trào lưu đi kiện bằng việc nộp đơn kiến nghị Apple đã sử dụng không xin phép các sáng kiến về kết nối trên iPhone.
Đáp trả, Apple cho rằng, Nokia đã "ăn cắp" 13 sáng chế, đồng thời nhà sản xuất iPhone kêu gọi cấm nhập di động của Nokia vào Mỹ. Gần nhất, Nokia tiếp tục khởi kiện "Quả táo" về 7 sáng chế không xin phép và đòi trả 1,3 tỷ euro tiền bản quyền. Các nhà phân tích cho rằng, phải tới giữa 2012, các rắc rối giữa hai hãng này mới được giải quyết.
Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của Android, đe dọa doanh số iPhone, tháng 3 năm nay, Apple đã vác đơn kiện HTC vi phạm tới 20 sáng chế về giao diện và phần cứng của iPhone.
Việc Apple đánh vào HTC sẽ lợi cả đôi đường bởi đây là nhà sản xuất smartphone chạy cả Android lẫn Windows Mobile. Trong đó, đối thủ chính là Android của Google, nền tảng đang lớn lên từng ngày trong năm nay.