Các nhà sản xuất điện thoại thông minh của châu Á đã có cơ hội vượt lên khi giới công nghệ tỏ sự thất vọng về iPhone 4S mới ra mắt của Apple.
Apple đã không mang ra được sản phẩm có sự cạnh tranh về cấu hình so với các đối thủ như Samsung.
(Ảnh: Smartphone Envy).
Chiếc iPhone đầu tiên được công bố năm 2007 với màn hình cảm ứng đã trở thành một tiêu chuẩn vàng cho ngành công nghiệp di động, đây cũng là cú đánh mạnh vào tham vọng của các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ đã diễn ra hôm qua, sau khi Apple công bố chiếc iPhone mới, cổ phiếu của Samsung, HTC, LG và gần như tất cả các nhà sản xuất smartphone chạy Android đã tăng. Các đối thủ của Apple đang liên tiếp mang ra thị trường những siêu phẩm dành cho mùa Giáng sinh, đợt mua sắm quan trọng nhất trong năm.
"Apple đã mất lợi thế cạnh tranh hàng đầu, dịch vụ đám mây của họ thậm chí còn đi sau Android, iPhone 4S chỉ bán cho những người có sự trung thành với thương hiệu", K.C. Lu, nhà phân tích của Gartner phát biểu. "Nhiều người có thể chờ để mua iPhone thế hệ tiếp theo, còn nếu không, họ có thể chuyển sang các thương hiệu khác với cấu hình cải tiến hơn".
iPhone 4S có kiểu dáng tương tự phiên bản trước, điều này đã khiến nhiều fan của Apple thất vọng vì họ mong chờ một sản phẩm mỏng hơn, màn hình lớn và có kiểu dáng mới sau hơn một năm chờ đợi.
Reuters nhận định, ma thuật của tính năng điều khiển giọng nói, gửi tin nhắn, tìm kiếm các thông tin cổ phiếu và các ứng dụng khác có thể thu hút sự chú ý của các nhà phân tích, nhưng nó không đủ để lôi kéo khách hàng.
Hôm qua, cổ phiếu của nhà sản xuất smartphone Đài Loan tăng 0,6% trên thị trường chứng khoán Đài Bắc, Samsung và LG cùng nhích thêm 1,2% và 1,7% trong khi toàn bộ thị trường Hàn Quốc giảm 2%.
iPhone của Apple hiện vẫn giữ danh hiệu smartphone bán chạy nhất thế giới. Nhưng các mẫu di động chạy nền tảng Google miễn phí để từ Samsung, HTC, LG, Motorola... đang chiếm thị phần lớn hơn.
Mức giá tốt có thể vẫn làm iPhone bán được. (Ảnh: Thenextweb).
Ming-chi Kuo, nhà phân tích của Concords Securities tại Đài Loan cho rằng, Apple vẫn còn cơ hội xâm nhập vào những thị trường mà người dùng chưa có kinh nghiệm về iPhone. "Mục tiêu của iPhone 4S là đánh vào người dùng vừa hết hạn hợp đồng với bản 3GS hai năm trước", ông Ming-chi Kuo nói.
Trên phạm vi toàn cầu, Apple đã có doanh số bán hàng tăng 9,1% trong quý II đạt thị phần 18,4%, tuy nhiên, đối thủ của hãng Samsung đang có những bước tiến và đã chạm mốc 17,8%.
iPhone 4S có giá từ 199 USD tại Mỹ, khách hàng có thể đặt trước từ 7/10. Hãng này đã giảm giá chiếc iPhone 4 xuống còn 99 USD, trong khi mẫu 3GS vẫn còn giữ lại và bán miễn phí cho những khách hàng ký hợp đồng dài hạn.
Cùng với sự sụt giảm giá cổ phiếu của Apple, hôm qua các nhà cung cấp cho hãng này cũng có đợt hạ. Đối tác lớn nhất của "Quả táo" là Hon Hai giảm 1,9%, trong khi công ty mẹ Foxconn giảm 6,9%. Nhà sản xuất module camera cho iPhone là Largan Precision cũng giảm 6,6%.
Mike Fang, quản lý quỹ Paradigm Asset Management cho biết, thị trường đã mong chờ một chiếc iPhone vỏ kim loại nhưng không có. Ông Fang không hy vọng doanh số bán iPhone sẽ giảm, bởi mức giá rẻ có thể làm các mô hình này tiếp tục gia tăng doanh số.
Hôm qua, Apple cũng cho phép thêm nhiều nhà mạng bán iPhone, tại Mỹ là Sprint sau hai đối tác là AT&T và Verizon, còn ở Nhật Bản có thêm KDDI, trước đó chỉ có Softbank cung cấp.