Nhờ có Android mà HTC gặt hái được nhiều thành công, nhưng giờ đây nhà sản xuất thiết bị di động Đài Loan đang có nguy cơ thất thế trước những cáo buộc vi phạm bản quyền.
Bà Cher Wang, chủ tịch của HTC, nằm trong dang sách những người giàu nhất Đài Loan do Forbes bình chọn.
Cách nay vài năm, HTC còn là một công ty nhỏ, không mấy tiếng tăm. Nhưng sự tăng trưởng gần đây của công ty rất đáng để quan tâm. Trong quý 2 vừa qua, họ đã bán được 11 triệu điện thoại thông minh (smartphone), doanh thu tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Các đối thủ chính của HTC như Apple, Nokia, Samsung... dù vẫn bán được nhiều smartphone nhưng có lẽ bắt đầu phải e dè với sự tăng trưởng mạnh của HTC, đặc biệt ngay cả trên “lãnh địa” của Apple là Mỹ.
Một lý do cho việc kinh doanh thành công của HTC là công ty liên tục cải tiến sản phẩm: trong quý vừa qua, Apple không đưa ra chiếc iPhone mới nào trong khi HTC công bố đến 10 smartphone mới. Một nguyên do khác là hầu hết smartphone của HTC sử dụng hệ điều hành Android của Google, một nền tảng đã chứng tỏ được sức thu hút với nhiều người dùng.
Có thể Apple chưa xem HTC là đối thủ cạnh tranh thực sự. Nhưng trước đó Apple cũng đã kiện HTC về vi phạm bằng sáng chế. Hồi đầu tháng này, Apple tiếp tục bổ sung đơn kiện của họ với những cáo buộc mới, còn công ty Mosaid của Canada cũng vừa kiện HTC và Samsung vi phạm phát minh sáng chế.
Những vụ kiện này không chỉ khiến HTC đau đầu mà còn cả những nhà sản xuất thiết bị khác chạy nền tảng Android, là nền tảng được cho là nguồn mở, miễn phí. Những vụ kiện cáo này dựa trên nhiều tính năng cơ bản mà theo các nguyên đơn là HTC đã vi phạm, như cách quét ngón tay trên màn hình để mở khoá, chạm vào số điện thoại trong email để thực hiện cuộc gọi...
Năm ngoái, HTC đã giải quyết một xung đột về bản quyền với Microsoft cũng liên quan đến Android, và họ đã phải trả một mức phí bản quyền tương đối cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn kiện bản quyền tương tự như vậy rất có thể xuất hiện trong thời gian tới và cái giá mà HTC phải trả có thể còn cao hơn nữa. Cổ phiếu của HTC từ sau những vụ kiện cáo này đã giảm xuống đến 1/3 hồi đầu tháng 6. Có thể HTC vẫn còn phải chịu nhiều sức ép tố tụng khác, nhưng tháng này họ đã phản pháo bằng việc mua lại công ty phần mềm S3 Graphics với giá 300 triệu USD để thắng Apple trong một vụ kiện về bản quyền và có thể thương vụ này cũng sẽ còn ích cho những kiện cáo khác nữa.
Thành lập từ năm 1997, HTC khởi nghiệp bằng việc sản xuất theo đơn hàng cho các công ty thiết kế đồ điện tử. Sau đó, HTC đã mạnh dạn sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu của riêng mình và đã có những bước phát triển vững chắc, ổn định và sản phẩm sớm nằm trong “wish list” mua sắm của người dùng. Vào tháng 4 vừa qua, vốn của HTC đã vượt qua cả Nokia đang trong khủng hoảng. Thành công này của HTC đã giúp bà Cher Wang, chủ tịch và cổ đông lớn nhất của HTC, nằm trong danh sách top những người giàu nhất Đài Loan do Forbes bầu chọn, vượt qua cả ông Terry Gou, ông chủ của Foxconn. HTC vẫn giữ các nhà máy sản xuất của họ tại Đài Loan trong khi Foxconn đang di dời cơ sở sản xuất vào Trung Quốc đại lục và đang bị “dính” với mô hình sản xuất theo đơn hàng hướng đến cắt giảm chi phí và ít giá trị cộng thêm.
HTC đã cho thấy tốc độ đưa ra sản phẩm mới trên thị trường rất ấn tượng, thích nghi với các chuẩn truyền thông và phát triển phần mềm ứng dụng của riêng họ. Và chất lượng sản xuất cũng đạt tiêu chuẩn cao. Không như các đối thủ khác, HTC không phải hứng chịu những tin đồn khó chịu về sản phẩm kém chất lượng hay tự tử tại nhà máy... Công ty đã tạo dựng được một thương hiệu nói lên tính cách tân và tin cậy, cho phép HTC vượt qua được rào cản về sản phẩm Trung Quốc giá rẻ mà nhiều nhà sản xuất tại quốc gia này phải mang tiếng.
Nhưng vấn đề rủi ro nhất hiện nay của HTC là Android, yếu tố then chốt trong chiến lược thành công, và cũng là điểm sơ hở nhất trong chiến lược này. Apple nhận ra các bằng sáng chế của họ là vũ khí để khắc chế những lợi thế về giá cả của Android. HTC càng phải mất nhiều thời gian vào việc kiện tụng bao nhiêu và số tiền họ phải trả cho vấn đề bản quyền càng nhiều bao nhiêu thì họ càng khó giữ được nhịp tăng trưởng như trước nay bấy nhiêu.