CES 2011 cho thấy xu hướng trong năm nay HDTV sẽ trở nên thông minh hơn, và thực sự là tâm điểm hội tụ của những công nghệ tân thời.
Dù lớn hay nhỏ thì tất cả các HDTV, công nghệ LED hay plasma, được trưng bày tại triển lãm CES năm nay đều có một điểm chung, đó là chúng đã phát huy tất cả những mặt mạnh của các model năm trước và thêm một vài cải tiến nhỏ nhưng quan trọng.
2010 là một năm thắng lợi đối với HDTV trên một số khía cạnh: TV 3D làm “nóng” thị trường, tính năng kết nối Internet bắt đầu trở nên phổ biến, và nhiều TV cao cấp có thân hình mỏng chưa từng thấy. TV của năm 2011 tuy không có nhiều tính năng cao cấp mới và có lẽ không mấy ấn tượng khi xét đến các thông số kỹ thuật, nhưng sẽ nhận được những cải tiến hết sức tinh tế đem đến cho chúng sự khác biệt lớn.
3D đã “chín”
3D của năm 2010 vẫn chưa tìm được vị trí trong đời sống thực. Đã có nhiều tranh cãi về kính 3D màn trập động, và việc thiếu nội dung cho 3D khiến TV 3D tuy được tung hô nhưng doanh số vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, tình hình đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Về nội dung, các đài truyền hình lớn trên thế giới đang đua nhau cho ra mắt các kênh truyền hình 3D. Trong khi đó, các hãng sản xuất điện tử đã có những đột phá về công nghệ 3D, như: công nghệ Nano LED của LG, dùng đèn nền LED chiếu hậu kết hợp tính năng làm mờ cục bộ, cho phép thiết kế màn hình siêu mỏng chẳng kém loại đèn LED chiếu cạnh; công nghệ Theater 3D của Vizio hỗ trợ tính năng rạp hát 3D dùng với kính phân cực có giá thành rẻ, trọng lượng nhẹ; kính màn trập động được Samsung, Panasonic cải tiến; TV 3D của Toshiba không cần kính… tất cả khiến thị trường TV 3D đã đủ điều kiện để sôi động.
TV đèn LED chiếu cạnh phát triển mạnh
TV đèn LED đã có thị phần đáng kể trong năm 2010, gồm cả hai loại: TV đèn LED chiếu cạnh (edge-lit) ở giải sản phẩm tầm trung, và TV mảng đèn nền LED chiếu hậu với khả năng làm mờ cục bộ ở các dòng cao cấp.
TV đèn LED chiếu hậu sử dụng ma trận đèn LED đặt sau tấm nền LCD để rọi sáng hình ảnh, khiến bạn có thể thấy những màu sắc rực rỡ ngoài sức tưởng tượng, và khi kết hợp với tính năng làm mờ cục bộ, những chỗ tối sẽ trở nên rất tối, và nhờ vậy chất lượng hình hình ảnh vượt mọi mong đợi. Tuy nhiên, có một trở ngại là giá thành của loại TV này cao, vì thế hầu hết các nhà sản xuất TV đều cố gắng phát triển công nghệ đèn LED chiếu cạnh (các đèn LED được bố trí theo mép các cạnh xung quanh của tấm nền).
TV đèn LED chiếu cạnh tiêu thụ điện năng thấp hơn, chi phí sản xuất cũng thấp hơn, và cho phép thiết kế màn hình mỏng hơn nhiều. Tuy nhiên, cơ chế chiếu ánh sáng, từ các đèn LED được bố trí dọc theo các viền TV, vào khu vực giữa màn hình sẽ không đạt được hiệu quả hiển thị cao như với loại mảng đèn LED chiếu hậu cùng khả năng làm mờ cục bộ. Một nhược điểm dễ thấy là, chúng không cung cấp nguồn sáng đều cho toàn bộ tấm nền, những vùng sát các viền TV sẽ được chiếu sáng nhiều hơn, và những vùng ở giữa, xa nguồn phát sáng sẽ bị tối hơn.
Thách thức cho các nhà sản xuất TV trong năm 2011 là tìm cách cải tiến các thuật toán xử lý hình ảnh, lớp phủ tấm nền, ma trận chiếu sáng, và các tính năng làm mờ cục bộ sao cho các màn hình đèn LED chiếu cạnh có chất lượng hình ảnh đạt gần với loại đèn LED chiếu hậu. Tại CES 2011, các TV đèn LED chiếu cạnh đã gây được ấn tượng mạnh cho khách tham quan.
TV thông minh
TV có khả năng kết nối Internet đã trở nên phổ biến trong năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần cải tiến. Một số TV có giao diện người dùng (UI) tầm thường, một số “sa lầy” vào các chức năng ứng dụng kém cỏi (Ví dụ: Netflix Instant Play không cho bạn chọn phim từ HDTV; các ứng dụng YouTube không cho phép phát lại video chất lượng cao HD) và đủ loại dịch vụ bất chấp là “vớ vẩn” hay “đáng nể” – cứ như là các nhà sản xuất đang tìm mọi cách để có được bất kỳ hay tất cả các dịch vụ mà họ có thể có.
Nhiều nhà sản xuất đã bổ sung thêm vào một số tính năng mới cho TV thông minh được sản xuất trong năm 2010. Các hãng Vizio, Samsung, Panasonic, và LG đều nhấn mạnh tới bộ điều khiển từ xa, có tính năng điều hướng và bàn phím QWERTY nhằm phục vụ cho việc lướt web và các ứng dụng khác trên Internet .
Nhìn chung, mỗi nhà sản xuất TV đều đang sử dụng nền tảng TV thông minh của riêng họ để biến chiếc TV thành trung tâm công nghệ trong gia đình bạn theo nhiều cách khác nhau. Panasonic và Vizio có chiến lược tích hợp game, cùng với các đối tác GameLoft và OnLive. LG và Samsung thì đang nỗ lực đẩy mạnh kho ứng dụng mới của họ. Và tất cả các nhà sản xuất đều tận dụng mọi cơ hội với chiếc TV của mình nhằm bán cho bạn các thiết bị mới, kiểu như máy tính bảng Android.
HDTV: rộng hơn nghĩa là rẻ hơn
Khi nói đến thiết kế vật lý của các HDTV trong năm qua, điều dễ nhận thấy là hầu hết các công ty sản xuất TV đều “hăng hái” với kích cỡ siêu mỏng mà họ có thể đạt được với kiểu đèn LED chiếu cạnh, tiêu biểu như dòng C9000 của Samsung đã đạt tới độ mỏng của một chiếc bút chì.
Đại đa số khách mua TV khi nhìn thấy dáng thanh thoát của các model TV siêu mỏng đều “ngẩn ngơ”, nhưng việc họ có chịu trả thêm tiền cho độ mỏng của chúng hay không lại là chuyện khác.
“Rộng hơn thì rẻ hơn” có lẽ là thiết kế chủ đạo của năm vừa qua trong tình hình nền kinh tế chung suy thoái. Dĩ nhiên, các TV cao cấp vẫn mỏng và có nhiều yếu tố thiết kế hào nhoáng, nhưng cho đến giờ chúng ta nhận thấy chúng có viền hẹp hơn các model được thay thế, dẫn đến tăng kích thước thật. TV 46-inch trở thành 47-inch, 50-inch thành 52-inch… Các TV này không chỉ trông tuyệt vời, chúng còn khiến bạn cảm giác có lời khi mua.