Mới đây, tòa án tối cao Pháp đã đưa ra phán quyết yêu cầu “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến Google phải hạn chế đưa ra các từ khóa “có liên quan tới hành vi vi phạm bản quyền” trong các tính năng Google Autocomplete (tự động hoàn tất truy vấn dựa trên kết quả tìm kiếm từ những người dùng khác) và Google Instant (đưa ra trực tiếp kết quả tìm kiếm trước khi người dùng hoàn thành truy vấn nhằm tăng tốc độ tìm kiếm).
Theo trang tin Torrentfreak, tòa án yêu cầu hãng cần sớm loại bỏ các từ khóa như “Torrent”, “Rapidshare” hay “Megaupload”... khỏi những gợi ý tìm kiếm trong hai tính năng trên của mình.
Trước đó, Hiệp hội công nghiệp âm nhạc Pháp SNEP đã đệ đơn lên tòa án, cáo buộc “gã khổng lồ” đang ngầm cho phép hành vi xâm phạm bản quyền mạng ngang nhiên diễn ra khi không lọc những từ khóa này ra khỏi những gợi ý tìm kiếm của mình.
Theo lí giải của SNEP, chẳng hạn như khi người dùng gõ vào tên của một nhạc sĩ danh tiếng vào ô tìm kiếm của Google, tên các trang web chia sẻ dữ liệu như Megaupload, Rapidshare, …sẽ tự động được bổ sung thêm vào phía sau thông qua tính năng Autocomplete của dịch vụ. Và như vậy, hãng đang gián tiếp tiếp tay cho người dùng vi phạm bản quyền mạng.
Đây là một vấn đề cần được đưa ra để bàn luận, xem xét kĩ bởi cũng theo trang tin Torrentfreak, Google đã bắt đầu tiến hành lọc các từ khóa “có liên quan tới hành vi vi phạm bản quyền mạng” khỏi tính năng Autocomplete vào năm ngoái. Trong khi người dùng Google vẫn có thể thấy sự xuất hiện của những từ như “Torrent” hay “megaupload” trong các kết quả tìm kiếm của mình, họ sẽ không còn thấy chúng hiển thị trong các tính năng Autocomplete và Instant của hãng nữa. Nhưng không hiểu tại sao ở Pháp, Google vẫn còn tồn tại hiện tượng này?
Trong một động thái khác, “gã khổng lồ” cũng đang dần tính tới việc loại bỏ dần các URL vi phạm bản quyền ra khỏi kết quả tìm kiếm của mình. Theo bản Báo cáo minh bạch được hãng công bố vào tháng 5, Google cho biết hãng đã gỡ bỏ hàng triệu URL của các trang web được cho là lưu trữ các tài liệu có bản quyền hay được tải lên một cách trái phép. Việc loại bỏ URL của hãng được thực hiện theo đề xuất của chủ sở hữu hợp pháp của những nội dung bị xâm phạm.
Ngoài ra, đây không phải là lần đầu Google bị kiện ở Pháp vì hành vi vi phạm bản quyền. Vào tháng 5 năm nay, gã khổng lồ đã vướng phải một vụ kiện có liên quan tới nội dung được đưa lên Youtube và may mắn thắng kiện. Trong khi tòa án Đức và Mỹ cho rằng Youtube cần phải chịu trách nhiệm trong việc lọc ra những nội dung vi phạm bản quyền trên trang mạng này; thì một tòa án ở Pháp đã ủng hộ Google khi tuyên bố rằng “Youtube không có nghĩa vụ kiểm soát nội dung được đưa lên bởi người dùng dịch vụ”.
Bản án hiện tại sẽ được chuyển đến tòa án cấp phúc thẩm, trước khi một phán quyết cuối cùng được đưa ra trong những ngày sắp tới.