Quản Trị Mạng - Hầu như ai cũng biết rằng Google sử dụng hệ điều hành nền Linux cho các máy tính để bàn cũng như server của hãng và một số còn biết rằng Ubuntu là lựa chọn dành cho máy bàn và đó chính là lý do vì sao nó được gọi là Goobuntu. Vậy chính xác thì vai trò của Ubuntu đối với Google là gì?
Ông Thomas Bushnell, hiện đang là trưởng nhóm phụ trách quản lý và phân phối Linux cho các máy tính để bàn của Google đã tiết lộ ý nghĩa của Goobuntun đằng sau tấm màn che Google tại LinuxCon, hội thảo thường niên về công nghệ của Hãng Linux Foundation tại Bắc Mĩ. Trước hết là, bạn có thể tải về và tự chạy Goobuntu hay không? Câu trả lời là vừa có lại vừa không.
Ông Bushnell giải thích: “Goobuntu chỉ đơn thuần là lớp vỏ bề ngoài của hệ điều hành Ubuntu tiêu chuẩn”. Cụ thể là, Google sử dụng các bản hỗ trợ dài hạn mới nhất (Long Term Support - LTS) từ Ubuntu. Điều đó có nghĩa nếu người dùng tải về phiên bản Ubuntu mới nhất, 12.04.1 thì hoàn toàn có thể sử dụng được Goobuntu.
Google sử dụng các phiên bản LTS do chu kỳ phát hành phiên bản mới thường là 2 năm giúp khai thác sản phẩm tốt hơn so với chu kỳ mỗi 6 tháng của các bản phát hành Ubuntu thông thường. Bên cạnh đó, chu kỳ này cũng tương đồng với chu kỳ cập nhật và thay thế phần cứng của hãng nên tạo nhiều thuận lợi hơn.
Vì sao lại chọn Ubuntu chứ không phải Mac hay Windows? Trên thực tế, nhân viên của Google có thể sử dụng hệ điều hành nào họ muốn. Ông Bushnell cho biết thêm: “Nhân viên Google được mời chào sử dụng các công cụ phục vụ cho công việc của họ… Nếu Gmail không hoạt động, họ có thể sử dụng pine (Phần mềm quản lý email đầu tiên trên nền Unix shell) cũng thực hiện tốt chức năng email. Mọi người không bắt buộc phải sử dụng Ubuntu”. Nhưng việc sử dụng Ubuntu được khuyến khích và tất cả các công cụ phát triển đều dành cho Ubuntu.
Nếu muốn sử dụng Windows, nhân viên của Hãng phải yêu cầu vì Windows có các vấn đề liên quan đến bảo mật nên đòi hỏi quyền hạn ở cấp cao trước khi ai đó có thể sử dụng. Ngoài ra, các công cụ trong Windows được đánh giá là nặng nề và không linh hoạt.
Một câu hỏi nữa được đặt ra, đó là tại sao không phỉa Fedora hay openSUSE mà lại là Ubuntu? Ông Bushnell lý giải: “Chúng tôi chọn Debian vì các gói phần mềm và apt (chương trình gói phần mềm cơ sở của Debian) nhẹ”. Hơn nữa, so với các bản phân phối Linux trên nền Debian khác thì Ubunu nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ Canonical (công ty mẹ của Ubuntu).
Đúng như vậy. Không chỉ sử dụng Ubuntu xuyên suốt sự phát triển của hãng mà Google còn đang là nhà tài trợ cho chương trình hỗ trợ thúc đẩy Ubuntu của Canonical. Ông Chris Kenyon, phó chủ tịch phụ trách bán hàng và phát triển kinh doanh của Canonical đã xác nhận điều này và bổ sung thêm: “Google không phải là khách hàng doanh nghiệp lớn nhất của chúng tôi”.
Để quản lý tất cả các máy tính để bàn chạy Goobuntu, Google sử dụng apt và bộ công cụ quản trị máy bàn Puppet. Việc này giúp đội quản lý máy bàn của Google có thể nhanh chóng điều khiển và quản lý các PC. Thậm chí Linux cũng gặp một số vấn đề nhưng ông Bushsnell cho rằng, vấn đề không phải là bạn hi vọng máy không có lỗi mà phải chuẩn bị để đối phó với mọi tình huống.
Đây chính là “mảnh đất” của Goobuntu. “Việc giám sát trạng thái máy là cực kỳ quan trọng. Tại Google, chúng tôi có những yêu cầu mang tính thách thức…”, ông Bushsnell hé lộ thêm.
Trên hết, Google có các yêu cầu bảo mật rất nghiêm ngặt. Google là mục tiêu tấn công mà các hacker đều muốn nhắm tới. Vì vậy có một số chương trình được tích hợp trong Ubuntu bị cấm do lo ngại những nguy hiểm tiềm ẩn về bảo mật. Đây là những chương trình có thể kết nối tới một server bên ngoài. Google sử dụng cơ chế xác thực mạng chuyên dụng mà ông Bushsnell nói là cực kỳ tiên tiến.