DSLR chuyên trị ánh sáng yếu

Với cảm biến cải tiến, bộ xử lý ảnh cao cấp và các giải thuật phức tạp, các máy DSLR đời mới có thừa khả năng chụp ảnh ở mỗi trường ánh sáng thiếu.

Trước đây, chụp ảnh ở môi trường ánh sáng yếu, các nhiếp ảnh gia luôn phải đau đầu trước bài toán làm sao cân đối giữa tốc độ, độ mở và ISO. Làm sao để có một tốc độ đủ nhanh để bắt dính chuyển động (hoặc để giảm thiểu rung hình) hay với độ mở đủ nhỏ làm thế nào để đảm bảo độ nét mà với ISO đủ thấp, làm sao để hình ảnh vẫn đạt chất lượng. Khi ở thời máy phim, có thể thấy để đảm bảo tương đối các vấn đề này, phim màu slide chủ yếu được chọn ở mức ISO 400, phim màu âm bản thì chọn đến ISO 1600 và các phim âm bản đen trắng lên được đến ISO 3200.

Nhưng giờ đây, với sự tiến bộ của cảm biến và công nghệ xử lý ảnh, các máy DSLR với khả năng khử nhiễu có thể đẩy mức ISO lên tới 12.800, hay thậm chí là 25.600. Không những thế, hai phiên bản mới ra còn có chế độ mở rộng ISO lên đến con số ngoài sức tưởng tượng, ISO 102.400. Với những mức khủng như vậy, bạn sẽ không còn phải đắn đo cân đối giữa ba yếu tố ở trên nữa, bởi với ISO cao, bạn thừa đủ duy trì một tốc độ đủ nhanh và một độ mở đủ sâu mà vẫn có những bức ảnh có chất lượng chấp nhận được. Tất nhiên là không chỉ chú trọng tới cải tiến ISO cao, các mẫu này cũng cải tiến luôn cả chất lượng ảnh ở các mức ISO thấp nữa. Nói cách khác, máy DSLR thế hệ mới giờ có thể chụp được trong mọi hoàn cảnh, kể cả những hoàn cảnh mà trước đây bạn vẫn nghĩ là không thể.


Nikon D3S 12,1 triệu điểm ảnh. Ảnh: Dpreview.

Một quy tắc phổ biến là điểm ảnh to đồng nghĩa với khả năng ISO tốt hơn. Ví dụ, phiên bản Full-Frame D3S 12,1 triệu điểm ảnh của Nikon với kích cỡ mỗi điểm ảnh 8,45 micron sẽ có khả năng tái hiện ảnh ở ISO cao tốt hơn là phiên bản D300S cảm biến DX 12,3 triệu điểm ảnh có kích cỡ mỗi điểm ảnh là 5,5-micron.

Tất nhiên, kích cỡ điểm ảnh không phải là tất cả. Thiết kế cảm biến mới cũng góp phần không nhỏ trong công cuộc cải thiện chất lượng hình ảnh, như việc ứng dụng microlense. Microlense đời mới được thiết kế sao cho phần hứng sáng nằm sát nhau không còn kẽ hở, đảm bảo cho ánh sáng tới tế bào cảm quang được nhiều nhất, từ đó cải thiện được tỷ lệ nhiễu/tín hiệu thu được. Rồi phải kể đến các lưới lọc RGB trên các tế bào cảm quang cũng như quá trình xử lý nhiễu từ các nguồn bên ngoài tác động đến tín hiệu thu được nữa… Bộ xử lý giờ đây ngày càng mạnh mẽ, đủ để có thể quản lý những giải thuật phức tạp trong việc xử lý ảnh để đem lại chất lượng hoàn hảo hơn và tốc độ hoạt động nhanh hơn. Ví dụ, Canon tuyên bố thế hệ bộ xử lý hình ảnh DIGIC IV của mình có năng lực xử lý gấp 6 lần DIGIC III, mà các phiên bản tiên tiến nhất của hãng như EOS 7D và EOS-1D Mark IV lại tích hợp tới hai bộ xử lý DIGIC IV. Quá trình xử lý hình ảnh cũng được cải thiện rõ rệt, cả ở dạng nén JPG lẫn các quy trình chuyển đổi file ảnh nguyên gốc RAW. Tất cả bước tiến công nghệ này hợp lại đã mang đến cho các phiên bản DSLR thế hệ mới khả năng hoạt động ISO cao đầy ấn tượng.

Phrase One P65+ có thể chuyển đổi giữa chế độ độ phân giải cao ISO thấp, sáng độ phân giải thấp, ISO cao. Ảnh: Gatzet.


Cần lưu ý một điều, mỗi cảm biến nhất định có một độ nhạy sáng nhất định, gọi là ISO nội tại, còn các mức đặt ISO cao hơn hay thấp hơn chủ yếu do quá trình xử lý số đảm nhiệm. Quá trình xử lý để đẩy ISO cao hơn sẽ gây nhiễu hạt, trong khi, quá trình xử lý giảm ISO xuống lại làm giảm độ tương phản động. Vì thế, chất lượng ánh tốt nhất đạt được khi ảnh được chụp ở ISO nội tại của cảm biến, và mức ISO tiêu chuẩn này thường là mức thấp nhất trong dải ISO thông thường (chưa mở rộng) của máy DSLR.

Kỹ thuật số có lợi thế hơn hẳn phim nhờ vào khả năng ISO dùng được nhiều hơn. Với ảnh số, người chụp có thể dễ dàng đặt mức ISO hợp lý nhất cho mỗi bức ảnh, đỡ hẳn thời gian cũng như lượng kiểu phim cần phải thử để tìm mức tối ưu trên máy phim. Thứ hai là người chụp có thể tùy chỉnh các khâu xử lý ảnh nguyên gốc RAW để kiểm soát nhiễu, tăng dải tương phản động hay khả năng tái tạo màu, thậm chí cả độ sắc nét. Thứ ba, với ảnh số, người chụp có thể áp dụng kỹ thuật chụp HDR để có những bức ảnh ấn tượng với dải tương phản cực rộng. Hơn hết, với ảnh số, người chụp giờ đây có thể chụp ảnh trong mọi hoàn cảnh thiếu sáng với khả năng đặt mức ISO cao hơn nhiều so với dải ISO từng biết đối với máy phim mà chất lượng ảnh vẫn ở mức dùng được.

Ngay kể cả đến các máy DSLR định dạng medium-format vốn không nổi tiếng với ISO cao cũng đã bắt đầu thay đổi. Hãng Phase One với công nghệ cảm biến Sensor+ cho phép dễ dàng chuyển đổi giữa độ phân giải cao, ISO thấp sang độ phân giải thấp hơn nhưng ISO cao hơn. Ví như với phiên bản P65+, cơ chế này cho phép người chụp hoặc chọn chế độ ảnh 60,5 triệu điểm ảnh với dải ISO từ 50 đến 800, hoặc chuyển sang độ phân giải 15 triệu điểm ảnh để có dải ISO rộng hơn từ 200 – 3.200 (Phase One xử lý vấn đề này bằng việc kết hợp 4 điểm ảnh cạnh nhau thành một điểm ảnh to để tăng độ nhạy sáng và giảm nhiễu hạt).

Dưới đây là những mẫu DSLR danh giá có thừa khả năng sáng tác ngay cả ở những môi trường ánh sáng vô cùng hạn chế do tạp chí Digital Photo Pro lựa chọn.


Canon EOS-1D Mark IV.

Canon EOS-1D Mark IV

Phiên bản mới nhất của Canon kế thừa bản Mark III với cảm biến CMOS kích cỡ ASP-H (crop 1,3) 16,1 triệu điểm ảnh và bộ xử lý đúp DIGIC IV, dải ISO tiêu chuẩn từ 100 – 12.800 và nếu cần có thể mở rộng từ 50 tới 102.400.

Phiên bản này có khả năng chụp liên tiếp 10 khung hình/giây ở độ phân giải tối đa tới hết 28 ảnh RAW hoặc 121 ảnh JPG. Thuộc dòng series 1 đầu bảng nên máy được thiết kế rất chắc chắn, chống thời tiết và bụi và có tuổi thọ cửa trập lên tới 300.000 lần. Một số tính năng khác bao gồm khung ngắm viewfinder bao ảnh 100%, màn hình LCD 3 inch 920.000 điểm ảnh với chế độ xem sống LiveView thời thượng.

Bên cạnh đó, phiên bản Mark IV còn có thể quay video Full HD 1080p với tốc độ 24, 25 hoặc 30 khung hình/giây với mức ISO có thể đặt lên đến 102.400. Ngoài ra, người dùng có thể chọn quay video 720p ở tốc độ 50 hoặc 60 khung hình một giây. Hình ảnh và phim được lưu hoặc trong thẻ CompactFlash (hỗ trợ UDMA) hoặc SD/SDHC.

Canon EOS-1Ds Mark III

Kể từ phiên bản Full Frame series 1 EOS-1Ds năm 2002 với 11,1 triệu điểm ảnh đến nay, đây là phiên bản Full Frame series 1 thế hệ III với độ phân giải 21,1 triệu điểm ảnh, vẫn thuộc hàng đứng đầu trong các dòng máy chuyên nghiệp. Mặc dù ra đời từ cuối 2007 và người ta hoàn toàn có thể hy vọng về một phiên bản 1Ds-Mark IV nhưng cho đến nay thông tin này vẫn chưa được coi là có cơ sở thành hiện thực.

Với mức ISO tiêu chuẩn từ 100 – 1.600 và có thể mở rộng lên đến 3.200, EOS-1Ds Mark III có thể không nổi bật trong các dòng máy chụp đêm tối nhưng vẫn được xếp hạng mức khá cao về khả năng chụp ISO cao trong các thử nghiệm xử lý ảnh RAW của DxO Labs. Tương tự, máy cũng được bọc lớp vỏ chống thời tiết và tuổi thọ cửa trập lên tới 300.000 lần.

Do ra đời khá lâu nên 1Ds Mark III dù có màn hình 3 inch nhưng độ phân giải chỉ dừng ở 230.000 điểm ảnh, không LiveView và không quay video. Máy có thể chụp với tốc độ 5 khung hình/giây ở độ phân giải cao nhất 21,1 triệu điểm tới hết 12 ảnh RAW hay 56 ảnh JPG.

1Ds Mark III cũng hỗ trợ hai định dạng thẻ CF và SD, khung nhìn 100% và bộ xử lý kép DIGIC III. Do là máy Full Frame nên nó có thể phát huy toàn bộ lợi thế với các ống kính EF cao cấp của hãng trước đây.


Canon EOS 5D Mark II.

Canon EOS 5D Mark II

Phiên bản Full Frame mới EOS 5D Mark II kế thừa cảm biến 21,1 triệu điểm ảnh như trên 1Ds Mark III nhưng bộ xử lý hình ảnh được cải tiến hơn với cú đúp DIGIC IV mạnh mẽ hơn phiên bản Mark III chỉ có hai bộ DIGIC III. Các cải tiến còn giúp phiên bản 5D Mark II có thể mở rộng ISO từ dải 100 – 6.400 lên 50 – 25.600 khi cần thiết.

Là phiên bản DSLR Full Frame đầu tiên hỗ trợ quay video, 5D Mark II đã tạo được dấu ấn mới trên thị trường về một mẫu DSLR Full Frame, giá hợp lý, chất lượng ảnh hoàn hảo và khả năng quay video Full HD tiện dụng. Kết hợp với các ống kính góc rộng hay các ống kính EF đẳng cấp L tiêu cự khác nhau, 5D Mark II mang lại một trải nghiệm video mơ ước cho không ít giới mê quay phim dù các tính năng chuyên dụng cho video còn hạn chế.

Một số tính năng nổi bật khác của EOS 5D Mark II bao gồm khả năng quay phim Full HD 1080p ở tốc độ 30 khung hình/giây, tốc độ chụp liên tục 3,9 khung hình/giây, tính năng LiveView, màn hình 3 inch 920.000 điểm ảnh và tuổi thọ cửa trập 150.000 lần.

Canon EOS 7D

Là máy cao cấp nhất của dòng cảm biến ASP-C, phiên bản EOS 7D có cảm biến CMOS 18 triệu điểm ảnh và bộ xử lý kép DIGIC IV. Dải ISO tiêu chuẩn từ 100 – 6.400 và có thể mở rộng lên 12.800 khi cần. Ở độ phân giải tối đa, EOS 7D có thể chụp liên tiếp với tốc độ 8 khung hình/giây đến 126 ảnh JPG hoặc 15 ảnh RAW. Phiên bản này cũng hỗ trợ quay video Full HD 1080p ở tốc độ 24, 25 và 30 khung hình/giây và quay HD 720p ở tốc độ 50 và 60 khung hình/giây.

Máy sở hữu màn LCD 3 inch độ phân giải 920.000 điểm ảnh, hỗ trợ chế độ xem sống LiveView và hệ thống rung cảm biến giũ bụi. Với các chức năng tiên tiến không kém các dòng chuyên nghiệp như 5D Mark II và series 1, phiên bản EOS 7D cũng là một ứng viên sáng giá trong các điều kiện chụp ánh sáng yếu.

Nikon D3S

Phiên bản Full-Frame mới nhất của Nikon vẫn giữ nguyên độ phân giải như đời D3 trước với 12,1 triệu điểm ảnh. Dải ISO tiêu chuẩn của phiên bản này từ 200 – 12.800 nhưng có thể mở rộng lên đến 102.400 nhờ vào những cải tiến cảm biến và bộ xử lý hình ảnh EXPEED của hãng. D3S cũng là phiên bản chuyên nghiệp đầu tiên của Nikon hỗ trợ quay video dù chỉ 720p/24p và vẫn hỗ trợ ISO cao nhất 102.400.

Tương tự như D3, D3S có thể chụp liên tục ở tốc độ 9 khung hình/giây tới 82 ảnh JPG hoặc 36 ảnh NEF RAW 14-bit. Nếu chụp ảnh độ phân giải thấp hơn tốc độ có thể đẩy lên đến 11 khung hình/giây. Một số tính năng nổi bật khác bao gồm hệ thống lấy nét siêu nhanh 51 điểm, vỏ chống thời tiết, viewfinder 100%, tuổi thọ cửa trập 300.000 lần, màn LCD 3 inch 920.000 điểm ảnh, hỗ trợ LiveView và chống bụi cảm biến.


Nikon D700

Nikon D700

D700 là phiên bản Full-Frame khá thông dụng của Nikon với cùng độ phân giải như D3 với 12,1 triệu điểm ảnh. Dải ISO tiêu chuẩn của phiên bản này ở nức 200 – 6.400 và có thể mở rộng lên 100 – 12.800 hay lên tới 25.600 khi cần thiết. Phiên bản này cũng đánh dấu sự xuất hiện của hệ thống chống bụi cảm biến tiên tiến mà ngay cả các phiên bản cao cấp đời trước như D3 hay D3X cũng chưa được trang bị (chỉ đến D3S mới có).

D700 có thể chụp liên tiếp 5 khung hình/giây và có thể nâng lên 8 khung hình/giây với đế pin MB-D10 Multipower Battery Pack bán rời. Là phiên bản Full-Frame gọn nhẹ, D700 cũng được trang bị đầy đủ các tính năng và phụ kiện tiên tiến như màn 3 inch 920.000 điểm ảnh, LiveView, hệ thống lấy nét hoàn hảo và khả năng tự chuyển về chuẩn DX (bị crop) độ phân giải thấp hơn khi các ống DX được gắn vào. Chỉ tiếc một điều phiên bản này chỉ hỗ trợ một khe cắm thẻ CF thay vì hai khe như trên series D3.

Nikon D300S

Là mẫu bình dân hơn của Nikon, D300S có cảm biến DX (tương tự như APS-C) 12,3 triệu điểm ảnh, dải ISO tiêu chuẩn 200 – 3.200 và có thể mở rộng lên 6.400 tương tự như phiên bản đời trước D300, nhưng chất lượng ảnh ở mọi mức đều tốt hơn hẳn.

D300S hỗ trợ khả năng quay video HD 720p/24, chụp ảnh liên tiếp 7 khung hình/giây, chế độ lấy nét 51 điểm, hỗ trợ khe cắp thẻ đúp (SD và CF) và chức năng xem sống LiveView. Bên cạnh đó là các đặc điểm khá nổi bật khác như LCD 3 inch 920.000 điểm ảnh và hệ thống chống bụi cảm biến mới nhất không kém các phiên bản chuyên nghiệp.


Pentax K-7.

Pentax K-7

Đây là phiên bản DSLR cao cấp nhất của Pentax với cảm biến APS-C 14,6 triệu điểm ảnh, dải ISO tiêu chuẩn 100 – 3.200 và có thể mở rộng lên 6.400. Bộ xử lý hình ảnh thế hệ mới PRIME II cùng với cảm biến cải tiến giúp phiên bản này cải thiện được tốc độ hoạt động và chất lượng hình ảnh đáng kể. K-7 có khả năng quay phim HD 720p, tính năng xem sống LiveView, màn LCD 3 inch 920.000 điểm ảnh và viewfinder bao phủ 100% khung hình.

K-7 sử dụng tính năng chống rung cảm biến vì thế hỗ trợ tất cả các ống kính của hãng chứ không chia thành phân khúc ống kính chống rung và không chống rung riêng biệt như Canon và Nikon. Máy có tốc độ chụp liên tiếp 5,2 khung hình/giây tới 40 ảnh JPG hay 15 ảnh RAW. Thêm vào đó, K-7 thậm chí còn có thể chụp và lưu ảnh theo hai định dạng RAW khác nhau, một là định dạng PEF của hãng và hai la định dạng DNG thông dụng hơn của Adobe.

Với kích thước rất nhỏ gọn nhưng vẫn được phủ lớp vỏ chống thời tiết, K-7 trở thành lựa chọn hoàn hảo cho những hoàn cảnh khắc nghiệt, nhất là khi cũng được kết hợp với thế hệ ống kính chống thời tiết DA SDM.

Sony DSLR-A900

Phiên bản Full Frame đầu tiên của Sony và cũng là phiên bản có độ phân giải cao nhất trong số các DSLR với 24,6 triệu điểm ảnh. A900 có dải ISO tiêu chuẩn từ 200 đến 3.200 và có thể mở rộng từ 100 đến 6400 khi cần thiết.

Cũng sử dụng cơ chế chống rung cảm biến hỗ trợ mọi ống kính, Sony A900 không kém cạnh đối thủ với bộ xử lý hình ảnh kép Bionz, màn 3 inch 920.000 điểm ảnh, khe cắm thẻ kép CF và Memory Stick Duo và lớp vỏ chống thời tiết hiệu dụng.

Tính về số điểm ảnh, cả A900 và Nikon D3X đều ở mức trên 24 triệu điểm (Sony 24,6, còn Nikon 24,5) và hỗ trợ chụp ảnh độ lớn tới 6.048 x 4.032 điểm, nhưng cả hai phiên bản đều có cảm biến khác nhau, giải thuật xử lý khác nhau, vì thế đều có phong cách ảnh khác nhau dù cùng chung mức độ phân giải. Thử nghiệm của DxO Mark vẫn đánh giá cao D3X của Nikon hơn nhưng nếu so với mức giá đắt hơn A900 tới gần gấp 3 lần thì mới thấy rằng phiên bản A900 không phải là một lựa chọn tồi, nhất là so với các dòng cảm biến APS-C của bất kỳ hãng nào trong các thử nghiệm của DxO.

Sony DSLR-A850

Một phiên bản Full Frame đời sau của Sony và kế thừa toàn bộ những ưu điểm của A900 đời trước như cảm biến 24,6 triệu điểm, dải ISO chuẩn 100 – 3.200 với khả năng mở rộng lên 6400, tốc độ lấy hét và hệ thống đo sáng… Tuy nhiên, về tốc độ chụp ảnh, A850 đã giảm chỉ còn 3 khung hình/giây so với 5 khung hình/giây trên A900, viewfinder cũng chỉ còn 98% thay vì 100%.

Cũng như A900, A850 cũng bị loại bỏ tính năng LiveView và khả năng quay video. Bù lại A850 cũng được trang bị tính năng Intelligent Preview cho phép xem trước ảnh với histogram trên màn LCD 3 inch 921.000 điểm ảnh.

Thứ Hai, 04/01/2010 17:05
31 👨 170
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp