Trong đó, iPhone 4S là mẫu điện thoại chứa ít thành phần hoá học độc hại đứng thứ hai, còn iPhone 5 đứng thứ 5.
iFixit và HealthyStuff vừa công bố độ độc hại của thành phần hoá học có trên 36 mẫu smartphone cao cấp hiện nay, trong đó có cả iPhone 5. 36 mẫu điện thoại được chọn đều bị chiếu tia X rồi bước vào quá trình kiểm tra, chấm điểm theo thang 5 dựa trên các tiêu chí gồm: Thành phần hoá học, linh kiện và tổng thể. Trong đó, mức 0 là mức tốt nhất và mức 5 là độc hại nhất.
iPhone 4S là mẫu điện thoại ít độc hại nhất trong "gia đình" iPhone, tiếp theo là iPhone 5.
(Ảnh: Computerworld).
Kết quả bài kiểm tra cho thấy, chỉ có 6 mẫu smartphone chứa ít hoá chất độc hại gồm: Motorola Citrus, iPhone 4S, LG Remarq, Samsung Captivate, iPhone 5 và Samsung Evergreen. Trong khi đó, có khoảng 24 mẫu điện thoại có thành phần hoá học độc hại ở mức trung bình, nổi bật là iPhone 4, iPhone 3G, Galaxy S III, HTC Evo 4G, Motorola Droid X và BlackBerry Bold 9000. 6 mẫu smartphone chứa nhiều chất độc hại còn lại đều là những model cũ, được sản xuất và phát hành trước năm 2010.
Kyle Wiens, một thành viên trên website thực hiện bài kiểm tra cho biết nhìn chung, trong danh sách 36 điện thoại, model nào mới hơn thì chứa chất độc hại ít hơn. Tuy vậy, người này cho rằng điều này vẫn chưa đủ an toàn đối với người dùng. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi các thiết bị điện tử bị ném vào các bãi rác hoặc các lò đốt khiến cho các kim loại nặng, độc ngấm vào đất hoặc khuếch tán trong không khí.
Những thành phần độc hại trong linh kiện điện thoại nói riêng và các loại đồ công nghệ nói chung có thể kể đến như chất chống cháy, VPC, brôm cùng các kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, thiếc, canxi và crôm.