Mù mờ ...
Thiện Giao là một công ty sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ở Hải Phòng. Năng lực sản xuất ngày càng tăng nên công ty muốn lập một website để quảng bá, tìm kiếm thêm khách hàng trong và ngoài nước. Nhưng công ty không biết đặt thiết kế web ở đâu, và một website như thế nào thì phù hợp!
Công ty TNHH Liên Khánh rất muốn ứng dụng CNTT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tránh tụt hậu. Nhưng muốn như thế, trước hết, lãnh đạo công ty phải biết sử dụng máy tính. Bà Bùi Thị Khánh Liên, phó giám đốc (GĐ) cho biết đây là một việc khó khăn đối với những người lớn tuổi: học tại các trung tâm thì không có thời gian, không theo kịp các bạn trẻ. Hệ điều hành và các phần mềm toàn bằng tiếng Anh, rất khó tự tìm hiểu. Cần người biết về CNTT đến nhà dạy kèm nhưng không biết tìm ở đâu…
Có nhiều băn khoăn như thế được giãi bày tại hội thảo "Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển" do chi nhánh Phòng Thương Mại và Công Nghiệp VN tại Hải Phòng tổ chức gần đây. "Chúng tôi còn "abc" về CNTT lắm, thậm chí còn ở mức thấp nhất của "abc" nữa" - bà Liên nói.
Mò mẫm...
Trên website của TP Hải Phòng (www.haiphong.gov.vn) đã có chuyên trang giới thiệu DN từ lâu, nhưng đến nay mới có 300 trong tổng số gần 5.000 DN của thành phố gửi thông tin cho website. Trung Tâm Tin Học (TTTH) UBND TP Hải Phòng đã sử dụng biện pháp hành chính là gửi công văn đề nghị các DN gửi thông tin, nhưng vẫn không nhận được hồi âm tích cực. Theo ông Vũ Hữu Kháng, phó GĐ TTTH , nguyên nhân ứng dụng CNTT chưa mạnh là do các DN chưa quan tâm, chưa nhận thức được tác dụng, tầm quan trọng của CNTT.
Ngược lại, nhiều DN cho rằng họ rất quan tâm đến CNTT nhưng không biết làm cách nào để khai thác công cụ này và cũng không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền.
Ông Vũ Hải, GĐ công ty cổ phần chuyển giao công nghệ Trường Thịnh, cho biết đã vào xem website của UBND TP Hải Phòng nhưng ông không biết có phần giới thiệu các DN, ông cũng chưa nhận được thông tin gì về việc đó. Còn theo ông Trần Văn Hòa, phó GĐ công ty CP Viễn Thông Tin Học Hàng Hải Việt Nam, nhiều lần ông gửi thư góp ý, thắc mắc đến website mà không thấy hồi âm. Website quảng cáo giúp DN là rất tốt, nhưng từ lúc gửi thông tin đến khi được đưa lên web khá lâu khiến DN thấy nản. Hơn nữa, nội dung quảng cáo không có hình ảnh, chỉ có vài dòng giới thiệu, không hấp dẫn. Sau một thời gian, các thông tin bị đẩy sâu xuống các trang trong, phải đăng ký lại từ đầu mới lên trang 1, hơi rườm rà. Ông Hòa nhận định các DN ở Hải Phòng tham gia thương mại điện tử còn ít vì họ chưa được hỗ trợ để có kiến thức về CNTT và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, các dịch vụ về hạ tầng CNTT-TT cũng chưa đáp ứng nhu cầu của các DN. GĐ một DN cho biết, ông muốn lắp đặt Internet băng rộng ADSL ở khu vực cuối sân bay Cát Bi, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ từ chối vì chưa có đường cáp. Một số DN còn không biết đăng ký lắp đặt ADSL ở đâu, ai là nhà cung cấp! Điều này cho thấy việc quảng bá về các dịch vụ cũng như quảng bá cho website TP còn chưa tốt nên người dân và DN ít biết đến.
Và đề xuất
Có thể thấy trong số những gương mặt tham dự hội thảo, tỉ lệ lãnh đạo DN còn ít. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều lãnh đạo DN chưa thật sự quan tâm và chưa có ý thức tích cực về ứng dụng CNTT.
Theo ông Đỗ Xuân Trường, GĐ công ty Thông Tin Điện Tử Hàng Hải Việt Nam, để ứng dụng CNTT tốt, lãnh đạo phải hiểu CNTT. Mặt khác, chưa có quy trình hoạt động trong DN là một nguyên nhân dẫn đến khó áp dụng các giải pháp CNTT. Phải chuẩn hóa thì tin học hóa mới có hiệu quả. Song, việc chuẩn hóa quy trình hiện nay còn nhiều khó khăn, vì ở VN, trong một năm có rất nhiều văn bản, nghị định, chính sách ra đời và chính sách lại thay đổi liên tục.
Với thực trạng nêu trên, biện pháp đầu tiên nhiều người nghĩ tới là đào tạo về CNTT cho lãnh đạo các DN. Thời gian vừa qua, TTTH đã tổ chức một số lớp học về CNTT và nhiều DN đã tham gia nhiệt tình. Ông Vũ Hữu Kháng nêu kinh nghiệm: đối với lãnh đạo các DN, không nên quá chú trọng đào tạo kỹ năng mà chủ yếu là làm cho họ hiểu về lợi ích và biết cách sử dụng. Ông Nguyễn Đình Vũ, giám đốc công ty Điện Thoại Hải Phòng bổ sung: nên đào tạo cả về kỹ năng và quy trình nghiệp vụ, nhưng cần phân theo từng loại đối tượng.
Bà Bùi Thị Khánh Liên đề nghị các đơn vị hỗ trợ liên hệ với các trường đại học, cao đẳng mời sinh viên đến nhà các lãnh đạo DN dạy kiến thức và hướng dẫn thực hành. Người được dạy sẽ chịu chi phí. Biện pháp này được nhiều người hưởng ứng. Ông Bùi Duy Cường, hiệu trưởng trường cao đẳng công nghệ Viettronic cho biết, riêng sinh viên CNTT của trường đã có hơn 1.000 người, đủ sức đáp ứng nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, Aptech Hải Phòng cũng đào tạo nhân lực cho các DN.
Ngoài ra, một vài người đề xuất nên có chương trình dạy trên truyền hình và phát hành đĩa để những người bận rộn có thể tự học. Các tài liệu in ấn dành cho DN nên làm thế nào dễ hiểu nhất. Trên thị trường hiện có nhiều sách nhưng người đọc không hiểu.
Những điều nói trên cho thấy, các đơn vị hỗ trợ phải nắm được nhu cầu của DN mới có thể hỗ trợ tốt. Có người đề nghị lựa chọn DN để hỗ trợ, và để đạt hiệu quả thì chỉ nên hỗ trợ những DN mà giám đốc rất tha thiết với CNTT. Song song với việc hỗ trợ, cần thực hiện việc tư vấn, quảng bá về CNTT thật tốt, đặc biệt là tìm những điển hình thành công trong ứng dụng CNTT để phổ biến. Các công ty PM nên tăng cường đi thực tế để nắm bắt nhu cầu của DN, khiến PM "tìm" đến DN chứ DN không phải tìm PM.
Để hỗ trợ DN Hải Phòng ứng dụng tốt CNTT, nên: |
Nguyễn Hưng