Rất nhiều người trong số chúng ta chưa từng có cơ hội sở hữu một mẫu màn hình 4K (có thể là bởi lý do tài chính hoặc nhu cầu sử dụng). Tuy nhiên công nghệ thì vẫn phát triển từng giờ từng phút và không chờ đợi bất cứ ai.
Hôm qua, 27/06, Hiệp hội Tiêu chuẩn Điện tử Video (VESA) đã chính thức công bố chuẩn kết nối DisplayPort 2.0, như một bước chạy đà hoàn hảo cho sự xuất hiện của những chiếc màn hình 16K đầu tiên trên thế giới chỉ trong vài năm tới.
DisplayPort 2.0 sẽ sử dụng cổng USB-C
Thực tế mà nói thì ý tưởng về việc hỗ trợ màn hình 16K có vẻ khá “đao to búa lớn” và dường như không mang lại hiệu quả sử dụng thực tế cao bởi như đã nói, màn hình 4K cũng mới chỉ manh nha phổ biến ở thời điểm hiện tại mặc dù đã ra mắt từ khá lâu, do đó để 16k có thế được sử dụng đại trà có lẽ sẽ còn rất xa vời. Tuy nhiên sự phát triển, đổi mới luôn luôn đáng khen ngợi và mang đến những giá trị không thể phủ nhận. Trường hợp của DisplayPort 2.0 cũng vậy.
Bên cạnh khả năng hỗ trợ màn hình 16K, chuẩn kết nối này cũng sẽ giúp băng thông truyền tải dữ liệu tăng từ 32.4Gbps lên mức 80Gbps - sự cải tiến cực kỳ chất lượng - cho phép hỗ trợ số lượng đa dạng cấu hình màn hình mới hiệu quả hơn, có thể kể đến như:
Các giải pháp thiết lập màn hình đơn
- Một màn hình 16K (15360 × 8460) @ 60Hz và 30bpp 4:4:4 HDR (có DSC)
- Một màn hình 10K (10240 × 4320) @ 60Hz và 24bpp 4:4:4 (không nén)
Các giải pháp thiết lập màn hình đôi
- Hai màn hình 8K (7680 × 4320) @ 120Hz và 30bpp 4:4:4 HDR (có DSC)
- Hai màn hình 4K (3840 × 2160) @ 144Hz và 24bpp 4:4:4 (không nén)
Các giải pháp thiết lập ba màn hình
- Ba màn hình 10K (10240 × 4320) @ 60Hz và 30bpp 4:4:4 HDR (có DSC)
- Ba màn hình 4K (3840 × 2160) @ 90Hz và 30bpp 4:4:4 HDR (không nén)
Như vậy, ngoài khả năng hỗ trợ độ phân giải cực kỳ ấn tượng, bạn cũng có thể chơi game với refresh rate siêu cao trên độ phân giải 4K thông qua DisplayPort 2.0. Bên cạnh đó, khả năng hỗ trợ ấn tượng này cũng đặc biệt hữu ích đối với các tác vụ thực tế ảo (VR) trong không chỉ thời điểm hiện tại mà còn cả những năm tới, khi VR được ứng dụng và sử dụng phổ biến hơn trong nhiều lĩnh vực đời sống.
Chuẩn kết nối DisplayPort 2.0 sẽ sử dụng cổng USB-C và hoạt động trên công nghệ Thunderbolt 3. Mặc dù Thunderbolt thường chỉ được giới hạn ở mức 40Gb/giây, thế nhưng nó lại hỗ trợ kết nối 2 chiều. Trong khi đó DisplayPort là kết nối một chiều, do đó, hoàn toàn có thể sử dụng băng thông 80Gbps đầy đủ của giao thức này.
Tương tự như Thunderbolt 3, bạn sẽ cần phải sử dụng các loại cáp đặc biệt để hỗ trợ băng thông truyền dẫn đầy đủ, tuy nhiên điểm cộng ở đây là DisplayPort 2.0 sẽ yêu cầu ít loại đầu nối hơn. Có nghĩa là bạn chỉ cần sử dụng một đường cáp duy nhất cho toàn bộ các nhiệm vụ bao gồm truyền dữ liệu, video và nguồn cấp điện động thời. Hãy sẵn sàng ngay từ bây giờ, bởi USB-C sẽ còn được ứng dụng phổ biến hơn rất nhiều.
DisplayPort 2.0 hoạt động trên công nghệ Thunderbolt 3
Tất nhiên sẽ phải mất một thời gian nữa để cộng nghệ này được chính thức đưa vào sử dụng đại trà trên các thiết bị điện tử đời mới nhất. Theo dự kiến, các thiết bị công nghệ hỗ trợ DisplayPort 2.0 đầu tiên trên thế giới sẽ xuất hiện sớm nhất là vào cuối năm 2020.