Điện toán đám mây được thổi phồng hơi quá?

Các chuyên gia của Intel nhận định điện toán đám mây (cloud computing) chắc chắn không phải dành cho tất cả mọi người và cho mọi nhu cầu.

Ngày nay, đã có một sự thay đổi cơ bản trong cách thức kinh doanh, đó là sử dụng phần mềm và phần cứng CNTT vào công việc. Ngày càng nhiều doanh nghiệp dựa vào sự phát triển của các ứng dụng và nền tảng CNTT qua Internet hoặc “đám mây” để cung cấp những ứng dụng CNTT theo một cách thức tiết kiệm chi phí. Trên khắp thế giới, hiện tượng điện toán đám mây đang được tung hô như là một điều gì lớn lao sắp đến của ngành CNTT.

Những công ty nghiên cứu thị trường như Gartner và IDC vẫn đang trong quá trình đánh giá xu thế này. IDC dự báo thị trường các dịch vụ đám mây trên toàn thế giới sẽ đạt quy mô khoảng 43 tỉ USD vào năm 2012. IDC cũng cho rằng những ứng dụng dịch vụ đám mây sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) khoảng 27%, cao gấp khoảng 5 lần mô hình sử dụng các dịch vụ CNTT truyền thống.

Vậy điện toán đám mây là gì và nó thực sự có ý nghĩa gì với các doanh nghiệp trên toàn thế giới? Điện toán đám mây sẽ là một trào lưu thoáng qua hay là một cuộc cách mạng kinh doanh điện tử? Và nó sẽ đem lại lợi ích gì cho người sử dụng?

Mặc dù đã được thổi phồng hơi quá, và không giống như nhiều công nghệ khác đã được biết đến trước đó như: điện thoại video, văn phòng không giấy hay truyền hình di động, điện toán đám mây đã thực sự hiện hữu và sẽ còn phát triển trong nhiều năm nữa. Nó sẽ thay đổi cách con người làm việc, cách thức các công ty hoạt động cũng như khả năng sử dụng dịch vụ hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Đa số các kiến trúc của đám mây được triển khai ngày nay đều hỗ trợ cộng đồng, được thiết kế để cung cấp một dịch vụ qua Internet, ví dụ như Google Search, Microsoft Hotmail hay Salesforce.com… Các nhà cung cấp dịch vụ quy mô lớn, cùng với những tổ chức sớm chấp nhận những dịch vụ đặc thù như các công ty dịch vụ tài chính, điện toán hiệu năng cao, các công ty dược phẩm đều cũng đang triển khai các kiến trúc đám mây.

Tóm lại, điện toán đám mây không phải là một trào lưu thoáng qua, nhưng cũng không hẳn là một cuộc cách mạng kinh doanh điện tử. Thay vì vậy, đa số doanh nghiệp đều sẽ có một môi trường CNTT hỗn hợp, nơi các ứng dụng, hạ tầng và trong một số quy trình kinh doanh cụ thể sẽ sử dụng điện toán đám mây cho cả những tác vụ chung và riêng.

Lợi ích và những thách thức từ điện toán đám mây

Mô hình điện toán đám mây có thể đem lại nhiều ích lợi cho các doanh nghiệp, đó là: Chi phí dịch vụ sẽ được thanh toán dựa trên cơ sở doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ nhiều hay ít. Chi phí cố định hàng tháng thấp vì điện toán đám mây tận dụng được tiềm lực của hàng triệu người sử dụng. Doanh nghiệp không phải đầu tư nhiều về hạ tầng CNTT, không cần cài đặt và bảo trì máy chủ, thực hiện nâng cấp và lo lắng liệu phần mềm và phần cứng có tương thích với nhau hay không, cũng không cần quản lý việc đăng kí sử dụng các ứng dụng. Doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng điều chỉnh thêm, bớt người sử dụng và bổ sung dịch vụ. Người sử dụng có khả năng truy cập đến các nguồn tài nguyên từ bất kì thiết bị nào thay vì bị trói chặt bởi một thiết bị duy nhất.

Tuy nhiên, bất kỳ tổ chức nào đang có ý định triển khai điện toán đám mây vào môi trường kinh doanh của họ cũng đều cần nghĩ tới những rào cản như: Chi phí cho bản quyền phần mềm ban đầu có thể khá cao. Công tác quản lý cũng có thể sẽ gặp khó khăn, bởi đám mây là một dịch vụ được cung cấp từ bên ngoài, với phương thức hoạt động, lưu trữ và xử lý dữ liệu từ những nguồn không xác định, thường là từ những nhà cung cấp không mấy tên tuổi và những dữ liệu của nhiều khách hàng khác nhau.

Không đảm bảo về tính sẵn sàng cũng là một trở ngại hiện nay, khi chỉ có một số rất ít nhà cung cấp dịch vụ cam kết được về sự sẵn sàng và liên tục của dịch vụ, về thời gian sửa chữa và phục hồi dữ liệu. Nói cách khác, những dịch vụ điện toán đám mây có vẻ không đáng tin cậy đối với một số ứng dụng quan trọng và có yêu cầu cao.

Tính riêng tư trong điện toán đám mây cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Khi dữ liệu được cập nhật trong đám mây, nó có thể dễ dàng bị những tên tội phạm mạng, gián điệp và những đối thủ cạnh tranh xâm nhập. Thực tế hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây vẫn chưa có một phương pháp bảo vệ nào trong trường hợp dữ liệu bị xâm nhập.

Vấn đề tuân thủ cũng trở nên phức tạp. Những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có thể chuyển dữ liệu tới quốc gia khác có giá điện rẻ hơn, nhưng luật lỏng lẻo hơn. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm pháp lý về quản lý dữ liệu, sở hữu dữ liệu, sự minh bạch của tài liệu cũng như tính chính xác của dữ liệu kiểm toán? Cho đến giờ, chưa có công ty cung cấp dịch vụ đám mây nào sẵn sang cung cấp sự đảm bảo mà các công ty lớn cần có thể có thể loại trừ những rủi ro đó.

Điện toán đám mây: Nhìn về tương lai

Có thể coi điện toán đám mây như là một trong những mô hình thực tế và phân tán trong suốt thập kỷ phát triển của CNTT vừa qua, ví dụ như mô hình điện toán khả dụng, các dịch vụ theo yêu cầu (on-demand services), điện toán lưới hay phần mềm-như-một-dịch vụ. Tuy nhiên, yếu tố khiến điện toán đám mây khác biệt so với các dịch vụ web truyền thống chính là sự năng động và kiến trúc linh hoạt, cho phép các doanh nghiệp ứng dụng CNTT chỉ phải trả cho những gì họ cần và có khả năng mở rộng một cách nhanh chóng.

Điện toán đám mây là một thực tế, nhưng cũng cần phải nhìn hiện tượng này trong ngữ cảnh cụ thể. Hầu hết những chi tiêu cho CNTT sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cho phần mềm và những sản phẩm máy chủ truyền thống.

Các kiến trúc đám mây tạo ra một cơ hội hấp dẫn để tăng tính hiệu quả, sự linh hoạt và thời gian vươn ra thị trường. Cho dù các công ty sẽ xây dựng những dịch vụ điện toán đám mây lớn hay những dịch vụ điện toán đám mây riêng phục vụ cho những nhu cầu sử dụng trong nội bộ của doanh nghiệp, thì vẫn có những yêu cầu chung nhất về việc sử dụng hiệu quả năng lượng, khả năng ảo hóa năng lực cũng như yêu cầu về hiệu năng hoạt động của doanh nghiệp.

Chiến lược của Intel với điện toán đám mây:

Intel cho hay họ sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực chính của điện toán đám mây: Thứ nhất là cung cấp các sản phẩm cao cấp có khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả và khả năng ảo hóa của các đám mây. Thứ hai là xây dựng nền tảng, tối ưu hóa phần mềm và trung tâm dữ liệu cho các đám mây lớn, nhằm tăng tính hiệu quả và tổng chi phí sở hữu (TCO) lên mức cao nhất. Intel ước tính chi phí vốn dành cho máy chủ và phần cứng lưu trữ, cùng với chi phí điện năng và làm mát sẽ chiếm khoảng 75% TCO khi triển khai các đám mây lớn.

Thứ Ba, 09/06/2009 08:25
31 👨 462
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp