Máy giá rẻ thường sử dụng các bộ xử lý đã cũ, được sản xuất từ lâu, màn hình độ phân giải thấp, bộ nhớ trong ít không đủ để chứa ứng dụng và dữ liệu.
Android là nền tảng mở, miễn phí, nên kèm với đó là hàng loạt mối đe dọa như các phần mềm độc hại, bảo mật thông tin cá nhân, điện thoại dính "bug", hay một số thiết bị ở tình trạng phân mảnh. Nhưng theo Armando Rodriguez, phóng viên của PCWorld, vấn đề thực sự của Android chính là các mẫu điện thoại giá rẻ.
Những model như vậy không chỉ gây nhiều phiền toái trong suốt quá trình sử dụng, mà máy còn "cõng" theo cấu hình và công nghệ lỗi thời, thiếu hỗ trợ từ phía nhà sản xuất và nhà mạng. Kết quả, sau một thời gian ngắn sử dụng, sản phẩm dễ dàng trở thành... đồ bỏ.
Smartphone giá rẻ phù hợp với nhiều người dùng, nhưng phía sau đó là những thiệt thòi so với các dòng thiết bị đắt tiền hơn. (Ảnh: Techpinas).
Máy giá rẻ thường sử dụng các bộ xử lý đã cũ, được sản xuất cách đây khá lâu, song song với các loại màn hình độ phân giải thấp, bộ nhớ trong ít ỏi không đủ để chứa ứng dụng và dữ liệu.
Một số máy còn được bán ra với hệ điều hành Android 2.3 như một cách để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là cấu hình thấp thì dù hệ điều hành mới bao nhiêu cũng không thể hỗ trợ đầy đủ được, thậm chí có thể trở thành "gánh nặng" cho bộ xử lý. Đương nhiên, những thiết bị như vậy vẫn đủ phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu trên một chiếc điện thoại, nhưng gặp giới hạn nhiều với các ứng dụng tương thích với hệ điều hành vốn có.
Trên một số trang mạng xã hội và diễn đàn, có rất nhiều chia sẻ phàn nàn về thiết bị giá rẻ không chơi được một số game hay chạy các ứng dụng cơ bản, thường có hiện tượng giật, treo máy hoặc tự động thoát ra ngoài. Những thiết bị như vậy đủ cấu hình tối thiểu để tải ứng dụng về và cài đặt, nhưng không đủ tiêu chuẩn để chạy các phần mềm này. Như giai đoạn hiện nay, smartphone lõi kép đang ngày càng phổ biến và đang được bình dân hóa, các model lõi tứ cũng đã ra mắt, thì điện thoại giá rẻ sớm muộn sẽ không thể chạy được ứng dụng mới, không tận dụng được ưu thế hệ điều hành của mình.
Thiết bị Android có quá nhiều, đến mức các chuyên gia phải gọi là "phân mảnh". Cũng vì lẽ đó, các nhà phát triển không thể lúc nào cũng tập trung để làm hài lòng người dùng hệ điều hành di động của Google. Việc tạo ra một ứng dụng tốt đã khó, nhưng công sức bỏ ra để viết thêm các phiên bản phù hợp với nhiều máy khác nhau cũng vất vả không kém.
LG, nhà sản xuất hay "quên" nâng cấp smartphone giá rẻ. (Ảnh: Engadget).
Một trong số những lý do phải cân nhắc kỹ lưỡng khi mua smartphone giá rẻ là sự hỗ trợ từ phía nhà sản xuất.
Thực tế cho thấy, gần như không có đơn vị sản xuất nào "chịu khó" cập nhật, vá lỗi hay thực hiện các vấn đề khác liên quan đến máy giá rẻ. Kết quả, người dùng sẽ phải sống chung với lỗi, bug... cho đến khi bỏ tiền ra mua máy mới, hoặc may mắn dùng thiết bị được nhà sản xuất quan tâm. Nhưng tỷ lệ quan tâm này rất ít, hầu hết các mẫu ra đời, bán đến tay khách hàng là công ty hết trách nhiệm.
Không chỉ các lỗi của hệ điều hành, điện thoại giá rẻ cũng học cách quen với việc không được nâng cấp phiên bản Android. Máy dùng Froyo 2.2 sẽ mãi là 2.2, tương tự với 2.3... Ví dụ, điển hình nhất là LG Optimus T (bản Optimus P500 của nhà mạng T-Mobile, Mỹ), ra đời với Android 2.2 và dự kiến lên 2.3 vài tháng sau đó. Nhưng chuyện đã cách đây cả năm trời và máy lúc này vẫn đang ở Froyo.
Với một số khách hàng, đây không phải là vấn đề quá quan trọng, nhưng các bản cập nhật sau luôn có sự thay đổi rõ ràng, nhiều lợi ích hơn so với bản trước đó (ví dụ, Gingerbread 2.3 so với Ice Cream Sandwich 4.0). Một số nghiên cứu cho thấy, smartphone khi chạy Android 4.0 sẽ tăng hiệu suất hoạt động lên 66% so với bản Gingerbread, cùng với đó là thời lượng pin tăng rõ rệt.