Một sự thật rõ ràng là sau tất cả các cuộc chiến pháp lý về sáng chế thì người dùng đầu cuối luôn là đối tượng thiệt thòi nhất.
>>> Cuộc đua giành bản quyền sáng chế smartphone
Trên trang blog của mình, Phó chủ tịch điều hành kiêm CLO Google, ông David Drummond đã gửi tới một thông điệp cảnh báo tới tất cả mọi người, ông viết: “Microsoft và Apple luôn chặn họng người khác, vì thế bạn sẽ luôn phải tự hỏi ngày mai sẽ ra sao”. Ý của Drummond trong nhằm nói đến vụ bị “hất cẳng” khỏi cuộc đua mua các sáng chế của Nortel hồi cuối tuần bởi “liên minh ma quỷ” gồm Apple, Microsoft và RIM.
Về lý thuyết thì với số lượng bằng sáng chế này, đối thủ của Google có thể lợi dụng các phán quyết của tòa án nhằm “hủy diệt” Android và xem ra đây là vấn đề mà Drummond quan ngại, rất có khả năng thành hiện thực.
Trước đây, chính Google đã từng khẳng định rằng sẽ không chủ trương đối đầu mà chỉ định hướng thị trường theo những hướng đi đúng luật thay vì luẩn quẩn tranh chấp các sáng tạo. Trưởng bộ phận Pháp chế của Microsoft, Brad Smith đã tuyên bố trên twitter của mình rằng họ đã đề nghị Google tham gia liên minh trong thương vụ với Nortel nhưng ông lớn này đã từ chối.
Theo dự đoán của Drummond, cuộc chạy đua mua bán các sáng chế này rốt cuộc sẽ rơi vào tình trạng bong bóng vỡ và mọi người cũng như Drummond đều hy vọng ông đúng.
Tất cả chỉ vì tiền
Dĩ nhiên, việc mua bán sáng chế của Nortel lần này không phải thương vụ đầu tiên cũng không phải là lần cuối cùng. Chúng ta đã từng thấy những công ty lớn thâu tóm các sáng chế làm vũ khí nhằm dọa nạt đối thủ trong một cuộc chiến được gọi tên là: “Chiến tranh lạnh bằng sáng chế”. Ngược thời gian quay lại năm 2008, chúng ta đã từng thấy Nokia và Kodak đạt tới một thỏa thuận cho phép sử dụng các bằng sáng chế của nhau. Tiếp đến vụ lùm xùm giữa HTC và Samsung dẫn tới thỏa thuận mua các sáng chế từ Intellectual Ventures (IV). Rồi sau đó HTC tiếp tục chi tiền để mua các phát minh thuộc công ty S3Graphics nhằm bảo vệ mình trước Apple.
Bức tranh loạn đả của cuộc chiến sáng chế không chỉ gồm sự tham gia của các ông lớn.
Thậm chí, còn phong thanh rằng HTC phải trả tiền cho Microsoft trên mỗi đầu máy điện thoại Android bán ra nhằm tránh một cuộc đối đầu với gã khổng lồ vùng Redmond. Và rồi hàng tá sáng chế được mua đi bán lại chỉ với một mục đích là bảo vệ các công ty khỏi kiện tụng nhưng rồi họ vẫn vướng phải.
Con số những vụ kiện cáo về vấn đề này đang ngày một lớn dần nhưng mấu chốt của sự việc lại nằm ở chỗ những các đại gia không bao giờ tấn công trực tiếp nhau. Apple không bao giờ kiện Google trực tiếp về các sáng chế mà Android sử dụng nhưng họ sẽ “bắn tỉa” HTC.
Dĩ nhiên, các “tiểu gia” có thể kiện lại các đại gia và đó là điều dễ xảy ra. Họ sẽ chỉ nhằm vào lúc đối phương chủ quan nhất rồi tấn công, dựa vào sức mạnh của các công ty như Intellectual Ventures – vốn là nơi thu mua tập trung các sáng chế.
Intellectual Ventures khẳng định họ sẽ luôn trợ lực cho các công ty nhỏ và nhà sáng chế để giành lại quyền lợi cho những phát minh của mình, và dĩ nhiên công ty này cũng được hưởng lợi trong các cuộc chiến pháp lý.
Thế giới hỗn loạn của các sáng chế
Chúng ta sẽ không tranh luận về việc Intellectual Ventures đang làm là đúng hay sai mà cái chúng ta hướng tới là việc các đại gia như Apple, RIM, Microsoft đang phát động chiến tranh pháp lý thay vì sáng tạo. Nó không phải là chuyện các công ty sử dụng vũ khí sáng chế của mình đúng hay sai mà nằm ở chỗ những vũ khí này được sử dụng dưới hình thức và mức độ nào.
Vòng tròn luẩn quẩn của cuộc chiến pháp lý giữa các đại gia di động.
Tất cả chỉ khiến người ngoài cuộc thấy rằng các cuộc chiến pháp lý là một vòng tròn luẩn quẩn như Apple trộm ý tưởng từ Microsoft, Microsoft sử dụng trái phép sáng chế của HTC, hay HTC dùng sáng chế của Apple mà không được phép, và rồi tất cả lại chìm xuồng. Vậy các bằng sáng chế dùng để làm gì?
Về cơ bản thì khi các sáng chế trở thành công nghệ, chúng như những câu chữ trong văn học. Do đó, bạn có thể phát triển một sáng chế thành một đoạn mã cụ thể nhưng lẽ dĩ nhiên nó không phải là tất cả. Vì thế, ví dụ trong cuộc chiến gần đây giữa Oracle chống lại Google thì nó chỉ chung chung là về các đoạn mã được dùng trong HĐH Android.
Các sáng chế sẽ trở thành một ý tưởng lớn, thậm chí nhiều sáng chế hợp lại mới thành một ý tưởng, đó là lý do tại sao các sáng chế trở nên hữu dụng. Khi sở hữu một sáng chế, nghĩa là bạn có quyền chống lại những ai sử dụng trái phép sáng chế của mình.
Trong một cuộc đấu đá gần đây giữa Apple và HTC xung quanh việc sử dụng trái phép sáng chế “cách thức thực thi một hành động trên một cấu trúc dữ liệu điện toán”. Hiểu nôm na sáng chế này là nó bao hàm việc bạn chọn một số trên danh bạ và thực hiện cuộc gọi đi. Chính xác là sáng chế này không được quy định rõ ràng từng dòng code nhưng nó chỉ ra rằng Apple sở hữu mọi ý tưởng về việc thực thi cuộc gọi trên các thiết bị màn hình cảm ứng. Và nếu đúng như vậy thì hàng ngày có hàng trăm đơn vị đều đang sử dụng trái phép sáng chế này.
Kết luận:
Chúng ta đều biết rằng bản chất các sáng chế đều được tôn trọng nhưng khi những công ty như Intellectual Ventures có thể kiếm bộn tiền từ nó thông qua các vụ kiện tụng thì đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Các vụ kiện tưởng chừng không cần thiết vẫn diễn ra và các công ty thì thu đủ tiền và gây hoang mang cho những ai đang sử dụng sáng chế “quay số gọi đi từ màn hình cảm ứng” mà không được phép.
Các vụ tranh chấp pháp lý đang ngày một vượt tầm kiểm soát. Các công ty lớn nhỏ lao vào vòng xoáy của những thương vụ mua bán sáng chế hay kiện tụng một cách điên cuồng. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện thì những người bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh lạnh sáng chế này lại là những người sử dụng đầu cuối. Nói theo dân gian thì câu chuyện giống như câu nói “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Các hãng lớn nhỏ thi nhau phơi nhau ra tòa, đòi hỏi quyền sở hữu sáng chế và tất nhiên là cả tiền bồi thường. Và rồi, sau tất cả cuộc chiến ấy, cái giá phải trả là thiết bị đầu cuối đắt hơn khi phải gánh thêm các chi phí về sáng chế, và người dùng đầu cuối lãnh đủ.