Khi người khổng lồ viễn thông Telenor quyết định nâng cấp mạng lưới ở Na Uy, họ thường gọi thầu từ hai công ty đã xây dựng mạng lưới cho mình là Ericsson và Nokia Siemens Networks.
Nhưng tháng 11/2009, thay vào đó họ đã chọn một công ty sản xuất thiết bị Trung Quốc -Huawei Technologies – để xây dựng mạng lưới siêu nhanh dựa trên công nghệ có tên là L.T.E, viết tắt của Long Term Evolution (hay 4G).
Giành được hợp đồng từ trung tâm khu vực Scandinavia là hành động đột phá mới nhất của Huawei, một ngôi sao đang nổi trong ngành thiết bị di động. Những mạng lưới giá rẻ, đa mục đích đã giúp công ty leo lên vị trí thứ hai trên thế giới về thiết bị viễn thông, sau Ericsson.
“Huawei đã tự coi bản thân là một đối thủ cạnh tranh nghiêm túc”, Morten Karlsen Sorby, phụ trách phát triển kinh doanh toàn cầu của Telenor nói. “Họ đã có thể trong một thời gian rất ngắn xây dựng năng lực và sự sáng tạo cần thiết”.
Huawei đã nhảy vọt trên cả Alcatel-Lucent và Nokia Siemens trong doanh số quý năm nay, theo Dell’Oro, một công ty nghiên cứu thị trường ở Mỹ. Song Huawei, một công ty tư nhân được thành lập năm 1988 bởi Ren Zhengfei, một cựu quân nhân, đã đấu tranh với quan niệm rằng họ có mối liên hệ với chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Một báo cáo năm 2007 của RAND Corporation, một viện nghiên cứu chính sách cho Không lực Hoa Kỳ nói Huawei “duy trì các mối quan hệ sâu sắc với quân đội Trung Quốc, phục vụ dưới một vai trò phức tạp là một khách hàng quan trọng cũng như đối tác phát triển nghiên cứu và bảo trợ chính trị của công ty”.
Các mối quan ngại đã tác động đến Ủy ban đầu tư nước ngoài, một ủy ban của chính phủ Mỹ, từ chối gói thầu chung 2,2 tỷ USD của Huawei với Bain Capital trong năm 2008 mua 3Com, một công ty sản xuất thiết bị truyền thông và cả phần mềm bảo mật cho quân đội Mỹ.
Sở hữu riêng của Huawei – điều họ chưa bao giờ tiết lộ chi tiết – đã làm cho công ty bị điều tra trong năm nay ở Ấn Độ và Úc khi họ có tham gia các hợp đồng đấu thầu.
Edward Zhou, giám đốc tiếp thị Huawei ở châu Âu chối bỏ các nghi vấn xung quanh cấu trúc sở hữu của công ty là “tin đồn thị trường”, nói Huawei được sở hữu bởi 80 nghìn nhân viên và không có liên quan gì đến chính phủ Trung Quốc.
“Không chính phủ hoặc các tổ chức liên quan đến chính phủ có bất kỳ phần sở hữu nào trong Huawei”, ông Zhou nói, “Huawei không có mối liên hệ bào với quân đội Trung Quốc và không một ai trong các giám đốc của chúng tôi đã, đang từng nắm giữ bất kỳ vị trí nào hoặc phục vụ như một tư vấn hoặc cố vấn cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào của Trung Quốc”.
Một giám đốc cấp cao của một trong những đối thủ chính của Huawei, người không muốn nêu tên bởi không được phép phát ngôn, nói ông không biết về bất kỳ mối liên hệ với chính phủ nào của Huawei. Song như vậy không có nghĩa chúng không tồn tại, ông nói thêm.
“Họ là một nhà cung cấp rất táo bạo”, ông nói, “Song rõ ràng có một sự thiếu minh bạch”.
Các nghi vẫn xung quanh sở hữu của Huawei đã không ngăn cản công ty cung cấp cho 35 trong tổng số 50 nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu thế giới, gồm Telus ở Canada và Cox Communications, Leap and Clearwire, một nhà cung cấp dịch vụ WiMax lớn ở Mỹ thuộc sở hữu của Sprint Nextel.
Tất cả đều bị hấp dẫn bởi các sản phẩm sáng tạo của Huawei như SingleRAN, một mạng không dây truyền tín hiệu thế hệ thứ hai và thứ ba cũng như 4G (LTE), giúp các mạng di động tiết kiệm chi phí vì sử dụng các mạng riêng biệt. Công ty nghiên cứu thị trường In-Stat (Mỹ) nói Huawei là công ty đầu tiên sản xuất trạm BTS 4G, công nghệ di động không dây nhanh nhất, với quy mô lớn.
“Trong bất cứ lĩnh vực gì họ đang cạnh tranh, Huawei là một người chơi chính”, nhà phân tích Jeff Heynen ở hãng Infonetics (Mỹ) nói. “Họ nay là một trong top 3 trong hầu hết các thị trường. Tương lai đối với họ tiếp tục sáng sủa”.
Cung cấp thiết bị cho ba nhà cùng cấp di động lớn Trung Quốc gồm: China Mobile, China Telecom và China Unicom đã giúp Huawei gần như tăng gấp đôi thị phần trên thị trường thiết bị di động toàn cầu 38 tỷ USD lên 20,1% trong quý III năm ngoái từ 11% của năm trước đó. Huawei đã vượt qua Nokia Siemens với 19,5% và còn thua xa so với Ericsson với 32% thị phần.
Nhà sản xuất thiết bị mạng lớn thứ hai Trung Quốc là ZTE cũng đang phát triển nhanh chóng khi các nhà cung cấp dịch vụ di động Trung Quốc triển khai mạng 3G tại đại lục. Doanh số của ZTE được công bố là tăng 43% lên 2,2 tỷ USD trong quý III/09 và lợi nhuận tăng 59% lên 60 triệu USD.
Huawei đóng trụ sở ở Shenzhen, như ZTE, ở đại lục gần Hong Kong.
Thay vì thầu dưới giá, ông Zhou nói việc Huawei giành nhiều hợp đồng là nhờ các sản phẩm độc đáo của hãng như mạng SingleRAN. Hệ thống này giúp các nhà mạng di động giảm chi phí hoạt động vốn chiếm đến 80% chi phí của vòng đời một mạng lưới.
“Dưới góc độ chi phí, chúng tôi không phải là người trả giá thấp nhất trong nhiều dự án", ông Zhou nói. "Nhưng chúng tôi đã đạt được trọng tâm vào việc hạ thấp chi phí sở hữu cho mạng nói chung".