Đồng thời, vị giám đốc điều hành này cũng cho biết sẽ tập trung vào việc phát triển các dòng điện thoại cấp thấp tại các thị trường mới nổi nhằm đạt tới con số “một tỉ khách hàng kế tiếp”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Nokia đã quá chậm chân trong cuộc đua di động và nỗ lực của Elop rất khó thành công.
Nokia từng lội ngược dòng thành công dưới thời của Jorma Ollila vào thập niên 1990, nhưng lịch sử sẽ khó có thể lặp lại. Khả năng lãnh đạo kém, sự tự mãn, ngủ quên trong chiến thắng, cùng với văn hóa quan liêu đã khiến Nokia bỏ lỡ cuộc cách mạng điện thoại thông minh.
(Ảnh minh họa)
Hãng đã bị mất thị phần vào tay iPhone của Apple (Mỹ) và bị bỏ lại đằng sau bởi các điện thoại sử dụng hệ điều hành di động Android của Google (Mỹ). Trong khi đó, Nokia cũng bị ép sân tại các thị trường mới nổi khi các đối thủ tại đây tạo ra các điện thoại giá rẻ hơn với tốc độ nhanh chóng.
Trước những khó khăn và thách thức này, ông Pekka Ylä-Anttila, Giám đốc Nghiên cứu tại ELTA, một tổ chức kinh tế có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), cho rằng, cơ may thành công của Elop “chỉ nhỉnh hơn 50%”.
Dù cơ may thành công của Elop như thế nào và dù Nokia đang bước vào một tương lai vô chừng, nhưng ít nhất một điều rất rõ ràng là Nokia đang có một mục tiêu rất cụ thể. Tuyên bố của Elop về sự thay đổi triệt để trong chiến lược của Nokia, đã được không ít nhân viên đón nhận với một thái độ tích cực.
Elop đã thấy được những hạn chế về quản lý, nguyên nhân chính làm Nokia chậm trễ trong cuộc đua công nghệ. Quan trọng hơn, ông đang nỗ lực thay đổi điều đó.
Những thay đổi trong lòng Nokia
Elop đã tiến hành những thay đổi lớn, theo hướng chú trọng tính giải trình trách nhiệm ở các bộ phận, phân quyền cho nhóm làm việc, tránh sự lẫn lộn, chồng chéo về nhiệm vụ được giao, đơn giản hóa quá trình ra quyết định, tạo ra văn hóa doanh nghiệp dựa trên kết quả làm việc.
Mary McDowell, người đứng đầu bộ phận điện thoại di động tại Nokia, nhận định: “Nokia bị kiềm hãm, bế tắc bởi tính quan liêu của mình”. Có quá nhiều ban, ủy ban tham gia ra quyết định. Nhưng bà cho biết, hiện tại, hầu hết những ban này đều đã được xóa bỏ.
Các nhà quản lý cho rằng việc được phân quyền và tinh thần có trách nhiệm giải trình đã làm thay đổi không khí cuộc họp.
Steven Robson, Phó Chủ tịch thuộc nhóm kiểm soát và tài chính của Nokia, nhận định: “Bây giờ, lúc nào cũng có người trong phòng họp quay sang hỏi “Ai chịu trách nhiệm giải trình về vấn đề này?”. Trước kia, mọi người cùng thảo luận vấn đề và sau đó được chuyển lên cấp trên để họ quyết định (và cuối cùng không biết trách nhiệm thuộc về ai)”.
Việc đưa quá trình ra quyết định xuống thẳng các nhóm làm việc tại từng vùng rất quan trọng đối với việcrút ngắn thời gian tung ra sản phẩm tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Đây cũng là những thị trường chiến lược trong kế hoạch mới của Elop. Năm 2010, các thị trường bên ngoài Bắc Mỹ và châu Âu đã chiếm tới 2/3 doanh số bán thiết bị và dịch vụ của Nokia.
Có thể trông đợi vào Microsoft?
Đối với thương vụ Microsoft, Elop cho rằng đây là một bước đi chiến lược. Các nhà khai thác dịch vụ viễn thông như Vodafone (Đức) hay Orange (Pháp) sẽ chào đón hệ điều hành Windows làm một đối trọng thứ 3 với IOS của Apple và Android của Google. Nếu dựa vào Android Nokia sẽ rất khó tạo sự khác biệt trước vô số đối thủ khác.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Elop vẫn chưa thể giải đáp thắc mắc “làm thế nào thương vụ hợp tác với Microsoft sẽ mang lại hiệu quả Nokia?”
Việc lựa chọn Microsoft, vốn nổi tiếng về tính sở hữu (bảo thủ) đối với hệ điều hành của mình, là một vố đau đối với những người mong đợi một phần mềm mã nguồn mở. Một người đã rời khỏi Nokia không lâu sau khi Elop công bố hợp tác với Microsoft nhận định: “Đó là một cú sốc quá lớn. Có nhiều người phản đối và một số người thì rất tức giận”.
Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, việc mất 2 năm để chuyển giao từ một thiết bị dựa trên hệ điều hành Symbian sang thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows Mobile cho thấy một tương lai không chắc chắn cho Nokia.
Công ty phải xoa dịu sự thất vọng của những người viết phần mềm ứng dụng, khuyến khích họ để có thể giữ chân họ nhằm hỗ trợ việc tung ra thị trường 150 triệu chiếc điện thoại Symbian trong 2 năm tới và tạo ra một thiết bị dựa trên hệ điều hành Windows có sức công phá trước khi năm 2011 kết thúc.
“Bắt tay vào sản xuất điện thoại Windows còn dễ dàng hơn là tiếp tục vận hành Symbian”, bà Jo Harlow, phụ trách Symbian và hiện là trưởng bộ phận thiết bị thông minh mới được thành lập, nhận xét.