CNTT-TT cùng đất nước gia nhập WTO

Ngày 7/11/2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Đây đang là vấn đề nổi bật nhất trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam. WTO là một cơ hội lớn để người dân Việt Nam sống, lao động và học tập trong một môi trường chuẩn hoá theo hướng bắt kịp thế giới.

Tuy nhiên, với các nhà doanh nghiệp, ngoài cơ hội còn có những thách thức không kém phần ảnh hưởng: WTO sẽ mang lại cho các nhà doanh nghiệp Việt Nam những đối thủ cạnh tranh mới, nghĩa vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ và rất nhiều những bài học “xương máu” mới. Vào WTO, Việt Nam đang và sẽ là môi trường của những mô hình sản xuất kinh doanh theo lối mới, hợp chuẩn và theo thông lệ kinh doanh quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể chỉ khoanh vùng kinh doanh trong lãnh thổ Việt Nam mà phải nhìn ra toàn thế giới.

Thêm nhiều đối tác

Doanh nghiệp CNTT - TT hàng chục năm qua là những người hiểu rõ hơn nhiều doanh nghiệp khác rằng thế giới bên ngoài như thế nào, có cái gì. Mối quan tâm của các doanh nghiệp CNTT - TT trước nay tập trung vào mua bán trang thiết bị phần cứng, sản xuất – gia công phần mềm, tư vấn chuyển giao công nghệ, ứng dụng các giải pháp cục bộ hay tổng thể; một số doanh nghiệp cũng chú trọng đến tính pháp lý của phần mềm. Từ nay, mối quan tâm sẽ đa dạng hơn nhiều: làm ăn với ai, theo thông lệ nào, tập trung vào hướng ưu tiên nào giữa trung hạn hay dài hạn…

Một khi đối tác xuất hiện nhiều hơn thì việc lựa chọn đối tác sẽ lại khấp khởi như mười mấy năm trước khi đất nước bắt đầu mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài. Đã từ lâu, các doanh nghiệp mua bán linh kiện, trang thiết bị phần cứng phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình sản xuất, cung cấp của các hãng. Các hãng ngày một rút ngắn chu kỳ tồn tại của các dòng sản phẩm, theo đòi hỏi của thị trường. Ở lĩnh vực này, việc Việt Nam gia nhập WTO chỉ càng thúc đẩy quá trình đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh hơn do có nhiều đại lý trong và ngoài nước cạnh tranh với nhau. Vấn đề lớn đang đặt ra trước các nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam: hoặc họ sẽ thua trên sân nhà, hoặc họ sẽ thắng cả trên thị trường quốc tế?

Để có được một cấu hình máy tính hay server chuẩn, không lỗi suốt thời gian bảo hành, các doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước (hoặc tự thân hoặc sẽ tìm đến mô hình liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài) phải đầu tư nhiều hơn vào công tác nghiên cứu, phát triển. Phải đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất, chuyển đổi công nghệ từ sử dụng tuốc vít vặn tay lên tuốc vít chạy khí nén hoặc sử dụng máy vặn vít trên dây chuyền có khử tĩnh điện.

Nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt Nam không chỉ đầu tư sao cho cỗ máy tính hoàn thiện về mặt kỹ thuật mà cũng phải quan tâm sâu sắc đến thiết kế mẫu mã, đầu tư nhiều hơn vào quy trình OEM để tên tuổi của họ nhúng vào tận từng chi tiết máy, kể cả bo mạch chính như các hãng lớn trên thế giới vẫn làm. Lưu ý rằng, vấn đề diện tích kê và tiêu hao điện năng đóng vai trò hết sức quan trọng trong thiết kết ra những mẫu máy tính mới.

Nhà sản xuất máy tính thương hiệu Việt giờ đây ngoài việc khuyến cáo người mua hệ điều hành cùng các phần mềm của hãng nào đó, tự họ cũng phải mua bản quyền, cài đặt cho những đối tượng khách hàng chưa đủ khả năng chọn lựa. Công tác bảo hành sẽ gia tăng về khối lượng nhưng doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng. Trên thị trường phần cứng, các doanh nghiệp Việt Nam đang mất lợi thế. HP, Dell, Acer… mỗi người một vẻ đang cố giành thị phần. Điều đó khiến các doanh nghiệp phần cứng không thể không tính đến khả năng lựa chọn: hoặc tiếp tục bảo vệ và gia tăng thị phần, hoặc đầu tư sang hướng có lợi hơn cho công ty mình.

Bán phần mềm qua các đại lý?

Trước nay và cả về sau, tùy thuộc trường hợp cụ thể, Việt Nam có tình trạng các nhà sản xuất phần mềm trong nước tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, may đo, thiết kế cho họ chương trình họ cần. Cách làm này khó có thể nói là thật sự tốt bởi nhu cầu nâng cấp đòi hỏi công ty cung ứng cũng phải đủ mạnh, có khả năng tồn tại cùng công ty khách hàng và giải pháp họ chọn phải là hướng có khả năng tồn tại khá lâu trong môi trường phần mềm đầy biến động.

Cũng có các nhà sản xuất phần mềm đã và đang chú trọng sản xuất phần mềm đóng gói. Theo nhu cầu của thị trường, sản xuất phần mềm đóng gói và phân phối qua hệ thống các đại lý cũng đang là một xu thế. Các doanh nghiệp phần mềm sẽ mua phần mềm bản quyền, tính chung vào chi phí giá thành phần mềm thương phẩm mà họ phát triển; còn người mua sẽ tính vào giá thành sản phẩm của họ phần đã bỏ ra để mua những phần mềm bản quyền mới này. Với người tiêu dùng đầu cuối, họ phải được hưởng những sản phẩm thương mại đáp ứng tốt các nhu cầu của họ với giá tối ưu. Giá này có được trên cơ sở tối ưu hoá quy trình sản xuất nhờ có sự tham gia của phần mềm thương phẩm bản quyền giá tốt.

Không phải là Việt Nam sẽ phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong một ngày hay một tháng. Lộ trình cho vấn đề này được các nhà thương thuyết Việt Nam thỏa thuận với các bên đàm phán. Nó đủ dài để các doanh nghiệp tự giác chuyển nhanh lên sử dụng phần mềm bản quyền trong mọi ứng dụng. Dĩ nhiên, thời hạn đó cũng sẽ không bao giờ đủ cho những đối tượng công ty chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng bản quyền hoặc đơn giản là không đủ lực. Từ đó, trước việc trước sau cũng phải làm, doanh nghiệp nào nhanh chân "chớp" đúng thời cơ mua bản quyền lượng lớn (như Vietcombank, FPT…), ngoài tác dụng quảng cáo cho hình ảnh của đơn vị mình, họ còn thu được nhiều mối lợi về sau do dẫn đầu, chiếm trước thị trường ứng dụng bản quyền.

Lợi thế của người đến sau

Trên thị trường ứng dụng và giải pháp công nghệ, suy cho cùng, Việt Nam vẫn là nước đến sau và lợi thế của người đến sau trong môi trường công nghệ cao vẫn còn nguyên. Thế giới bây giờ quan tâm nhiều đến những giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp, đến những loại hình phần mềm trích xuất báo cáo thông minh, cho phép nhà quản lý khai thác tối đa các thông tin trên cùng một cơ sở dữ liệu thống kê. Cũng cần biết rằng, trong mỗi loại hình ứng dụng giải pháp quản trị, mỗi thông số thêm vào để quản lý đối tượng sẽ cho kết quả thông tin khả quan hơn (để ra quyết định chính xác hơn) nhưng cũng tiêu tốn tài nguyên (dẫn đến đầu tư thời gian, tiền bạc) hơn.

Việc các doanh nghiệp CNTT - TT hội nhập được với thế giới rất quan trọng. Nếu họ đứng vững trên thị trường công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng CNTT - TT có thể nhận được những tư vấn, chuyển giao có điều nghiên kỹ và hiểu rõ thị trường từ họ. Với lại, các doanh nghiệp ứng dụng cũng sẽ không phải trả cao hơn khả năng của họ cho từng giải pháp cục bộ hay giải pháp toàn diện. Thế giới hiện đang đi theo mô hình lựa chọn giải pháp nhân, mang tính nền tảng hay cơ sở, sau đó phát triển dần lên thành giải pháp tổng thể theo nguyên tắc tích hợp chung về một hệ thống thông tin thống nhất với những chuẩn hoá từ quy trình đến dữ liệu… Do đó, việc tư vấn, chuyển giao công nghệ không nên bỏ qua khuynh hướng này. Các nhà ứng dụng luôn tiếc những khoản tiền mà họ phải bỏ ra để đầu tư bất kể là cho giải pháp nào. Bảo vệ và phát huy được đầu tư của khách hàng là cách tốt nhất đứng vững trên thị trường CNTT - TT với các doanh nghiệp IT.

Đất nước đã có hơn chục năm nay kinh doanh, học tập… trong một môi trường bản quyền phần mềm chưa được đầu tư hết sức. Vào WTO cũng có nghĩa là cam kết tôn trọng bản quyền. Việc này phải thông suốt từ nhận thức. Các trường PTTH bây giờ đã có môn Tin học như một môn bắt buộc. Những giờ, tiết học về quyền sở hữu trí tuệ sẽ được quan tâm đúng mức và học sinh (một số sau này là sinh viên) sẽ có ý thức rõ ràng về bản quyền. Nếu được vậy, chừng mười năm sau, chắc chắn Việt Nam sẽ thuộc về những quốc gia gương mẫu tôn trọng bản quyền sáng tạo. Đây cũng nằm trong lợi thế của người đến sau vì học sinh Việt Nam là đối tượng sáng tạo và biết trọng danh dự.

Như Dũng

Thứ Tư, 08/11/2006 14:13
31 👨 110
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp