CIO Tim Campos của Facebook chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm về sự đổi mới, rút ra từ những thành công cũng như thất bại của bộ phận IT do ông phụ trách.
Lòng vòng trong trụ sở chính của Facebook tại Palo Alto, California (Mỹ), bạn sẽ thấy hầu như mọi tờ áp phích trên tường đều cổ vũ cho sự đổi mới. “Tiến nhanh và phá vỡ những thứ cũ” (*) là một khẩu hiệu đặc biệt trong số đó. Theo Tim Campos, đây là bí quyết đem đến sự thành công cho bộ phận IT gồm 65 người do ông phụ trách.
"Facebook là đổi mới. Để dẫn đầu, chúng tôi phải đổi mới. Và tạo cho mọi người đổi mới, họ cần tự do để phạm sai lầm - nó là một phần của quá trình rèn luyện kỹ năng", ông nói.
Vị CIO 38 tuổi này nói thêm rằng, bộ phận IT của ông đã hưởng lợi nhờ hoạt động trong một doanh nghiệp đột phá như vậy. "Chúng tôi hết sức may mắn được ở cạnh nguồn ý tưởng mới và sự đổi mới tuôn trào vô tận. Chúng tác động tới cách suy nghĩ và quản lý IT của chúng tôi tại công ty này".
Từ khi gia nhập Facebook với vai trò là CIO của công ty vào tháng 8/2010, Campos đã học được vài điều về sự đổi mới - những gì đạt hiệu quả, những gì không, và làm thế nào để nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi cho đổi mới.
Dưới đây, ông chia sẻ 5 bài học về sự đổi mới ở nơi làm việc từ những trải nghiệm ban đầu của ông, có cả thành công lẫn thất bại tại Facebook.
Bài học 1: Vai trò lãnh đạo
Campos nói rằng trong khi vai trò của IT đã thay đổi đáng kể trong 10 năm qua, xa dần việc đơn thuần giữ cho máy móc hoạt động và quản lý rủi ro – các CIO cần nhớ rằng bộ phận IT vẫn tồn tại là để công ty hoạt động hiệu quả hơn. Công việc của CIO là đảm bảo cho điều đó, ông nói.
"Khi có làn sóng thay đổi, bạn phải là người dẫn dắt thay đổi chứ không được thụ động với những tư tưởng lạc hậu làm tiến trình chậm lại. Nếu bạn không dẫn dắt thay đổi thì là ai?” Campos nói. "Không công ty nào muốn một CIO tụt hậu so với mọi người. Nếu công ty nói cho bạn biết cần phải làm gì, bạn không phải là lãnh đạo".
Bài học 2: Lên lịch đổi mới
Theo Campos, một cách để xác lập vai trò lãnh đạo là lên lịch để nhân viên tập trung sáng tạo. Facebook gọi hoạt động này là "hackathon" (ghép từ “hack” và “marathon” - cuộc thi lập trình trong một khoảng thời gian ngắn).
"Hackathon ăn sâu vào văn hóa công ty chúng tôi, diễn ra vài tuần một lần. Không có mục đích cho người thi; họ được phép thất bại", ông nói. "Bạn dành nhiều thời gian làm cái gì đó, không nhất thiết phải liên quan tới công ty. Quan trọng là để sáng tạo và đổi mới hết mức có thể. Điều đó cũng đem đến cho nhân viên tinh thần thoải mái".
Một ví dụ về một ý tưởng đã “đâm hoa kết trái” thông qua một hackathon là FaceBus. Facebook có dịch vụ xe buýt đưa đón nhân viên từ các thành phố xung quanh đến nơi làm việc, cũng như từ khu vực này sang khu vực khác tại tổng hành dinh.
Dịch vụ đưa đón vừa tiện cho nhân viên vừa có lợi cho doanh nghiệp: Từ khi nhân viên không phải lái xe đi làm, họ có thể sử dụng thời gian trong khi di chuyển để hoàn thành một số công việc. Những chuyến xe đưa đón theo tuyến cũng là một phương thức vận chuyển xanh hơn, và chúng giúp giảm tải cho bãi đậu xe. Vấn đề duy nhất là không ai biết chuyến xe buýt tiếp theo sẽ tới vào lúc nào.
Trong một hackathon, một nhóm quyết định khắc phục vấn đề này. "Chúng tôi tự hỏi tại sao không đặt vài thiết bị định vị GPS trên xe buýt để xác định vị trí xe, và sau đó tạo ra một ứng dụng mà nhân viên có thể dùng để theo dõi?" Campos nói. "Trước khi chúng tôi biết điều đó, FaceBus đã được sinh ra. Ý tưởng của các hackathon này là nghĩ ra mẫu thử nghiệm, sau đó sẽ có người (bộ phận) phát triển để nó trở thành hiện thực".
--
(*) Trong lần trả lời phỏng vấn Buseness Insider tháng 10/2009, Mark Zuckerberg có đề cập đến phương châm này và nói: "Nếu không phá vỡ những thứ cũ, bạn không thể tiến đủ nhanh về phía trước".
CIO Tim Campos của Facebook chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm về sự đổi mới, rút ra từ những thành công cũng như thất bại của bộ phận IT do ông phụ trách.
Bài học 3: Chấp nhận thất bại
Campos nói rằng văn hóa Facebook khác với nhiều doanh nghiệp khác ở chỗ, thay vì nản lòng vì thất bại, công ty lại khuyến khích điều đó.
"Thất bại là một phần không thể thiếu để đổi mới có hiệu quả. Khi bạn sẵn sàng chấp nhận thất bại, mọi người sẵn sàng làm những điều khác biệt. Còn nếu bạn không sẵn sàng làm những điều khác biệt, bạn bị gò bó làm sao cho đúng một cách cứng nhắc, đó không phải là sáng tạo”, ông nói.
Tại Facebook có những kỹ sư làm việc ban đêm. Những yêu cầu của họ, chẳng hạn về bàn phím hoặc chuột mới, sẽ được công ty đáp ứng ngay, Campos nói. Một giải pháp bộ phận IT nghĩ ra là đặt một ki-ốt bên ngoài phòng cấp đồ dùng cho công việc.
Như vậy, lấy ví dụ, khi nhân viên cần một thẻ nhớ hoặc một sợi dây nguồn, họ chỉ việc quét thẻ nhân viên của mình, rồi quét thứ họ lấy. Họ sẽ nhận được một email xác nhận những gì họ đã lấy. Campos cho rằng đây là một ý tưởng hay và sáng tạo về mặt lý thuyết, nhưng nhân viên sử dụng hệ thống này chỉ khoảng 5% số lần.
"Cuối cùng chúng tôi quyết định bỏ hình thức này. Đó là một thất bại tồi tệ, nhưng tôi không qui kết cho bộ phận. Vấn đề là chúng tôi có thể học được những gì từ thất bại này”, Campos nói.
"Chúng tôi hiểu là chưa xác định đúng mục tiêu. Giải pháp quá thiên về công nghệ, trong khi vấn đề không phải vậy. Thực ra chỉ việc gắn giá tiền cho mỗi món đồ nhân viên cần đổi. Chúng tôi hiểu rằng nếu chúng tôi cung cấp cho họ thông tin, họ sẽ có lựa chọn đúng”.
Bài học 4: Hãy tự hào với những thành công của bạn
Campos nói rằng dự án ông tự hào nhất là một hệ thống được bộ phận IT giới thiệu để đảm bảo nhân viên Facebook sử dụng điện thoại di động của họ (do Facebook chi trả) một cách hợp lý.
Bởi vì bộ phận IT quản lý việc thanh toán hóa đơn tiền điện thoại di động cho các nhân viên, nên nhìn chung nhân viên không nhận thức được mỗi tháng họ tiêu tốn của công ty mất bao nhiêu.
"Thay vì đặt ra các qui định chặt chẽ về sử dụng, kiểu như không được dùng vượt quá 50 USD mỗi tháng chẳng hạn, chúng tôi muốn cho các cấp quản lý và nhân viên thấy được rõ hơn việc sử dụng của họ", ông nói.
Giải pháp là một hệ thống quản lý chi phí viễn thông. Hàng tháng, nhân viên và các cấp quản lý sẽ nhận được một báo cáo về việc sử dụng điện thoại của họ so với những người khác trong cùng bộ phận và cả với những bộ phận khác.
"Trên cơ sở đó, các nhân viên có thể thấy được họ đã dùng nhiều hay ít hơn (những người khác), và sau đó hiểu được việc sử dụng điện thoại của họ như vậy đã ổn chưa", ông nói.
Kể từ khi triển khai hệ thống quản lý này, chi phí về viễn thông đã giảm "đáng kể", một đại diện của Facebook cho biết.
Campos nói sáng kiến này "thực sự cho thấy sức mạnh của thông tin, và đó chính là mục tiêu của bộ phận chúng tôi - tạo ra thông tin phục vụ quyết định kinh doanh và làm cho công ty đạt năng suất và hiệu quả hơn".
Tự hào với thành tích của mình là chìa khóa để đổi mới liên tục thành công, ông nói.
Bài học 5: Hướng tới điện toán mây
Campos nói rằng Facebook đang vận hành ở khúc cua công nghệ và đó hiện là mục tiêu hướng tới của hầu hết các công ty - điện toán mây.
"Facebook thực sự là một hành tinh khác biệt. Từ một viễn cảnh IT, Facebook đã lớn lên cùng với việc IT luôn sẵn sàng đáp ứng. Chúng tôi là một công ty công nghệ thế hệ mới tinh từ cách chúng tôi vận hành trang web qui mô của chúng tôi đến mọi thứ khác", Campos khẳng định. "Đa số các ứng dụng doanh nghiệp của chúng tôi là SaaS (phần mềm như một dịch vụ). Chúng tôi không phải đầu tư cơ sở hạ tầng như kiểu làm của các công ty khác. Nhóm điều hành của chúng tôi rất nhỏ bởi vì hầu hết cơ sở hạ tầng là từ SaaS", ông nói.
Kết quả là, Facebook tốn ít thời gian giữ cho máy móc hoạt động như nếp nghĩ truyền thống. "Chúng tôi muốn mọi người có quyền theo đuổi mọi điều", ông nói. "Đó là điều cốt lõi làm nên chúng tôi. Đó là lý do tại sao Facebook tiến nhanh. Tiến nhanh đã là gen di truyền của chúng tôi, theo đúng nghĩa của nó”.