Sáng nay, 23/11, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 dự luật quan trọng trọng là Luật Viễn thông và Luật tần số vô tuyến điện. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã trao đổi với VnMedia về những điểm mới của những dự luật này.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Quốc hội sẽ xem xét thông qua hai dự án Luật là Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện tại kỳ họp thứ 6 lần này ?
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Đất nước chúng ta đang đổi mới và hợp tác toàn diện với thế giới. Vì thế trên lĩnh vực viễn thông và tần số vô tuyến điện, việc ban hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) là rất quan trọng, vừa phục vụ cho đổi mới đất nước, nhưng vừa phục vụ cho hội nhập thế giới một cách sâu rộng. Rất nhiều nội dung quan trọng của hai dự Luật này khi được ban hành sẽ thúc đẩy việc phát triển trong lĩnh vực viễn thông, quản lý tần số VTĐ tại Việt Nam sang giai đoạn mới cao hơn, toàn diện hơn.
Nếu xét về vị trí, Luật Tần số VTĐ được Quốc hội ban hành có một số điểm rất mới, thúc đẩy hội nhập quốc tế tốt hơn. Một là chúng ta mở rộng hợp tác liên doanh liên kết theo chủ trương xã hội hoá. Tôi nghĩ rằng xã hội hoá trong phát triển hạ tầng là rất quan trọng. Xã hội hoá là con đường duy nhất để khai thác tiềm năng, nguồn lực trí tuệ của mọi thành phần kinh tế để chúng ta phát triển viễn thông và CNTT nhanh hơn. Xã hội hoá cũng là con đường tốt nhất để khắc phục tất cả khuyết điểm từ trước tới nay, như vấn đề dùng chung hạ tầng, ngầm hoá các công trình viễn thông chưa tốt, quy hoạch các công trình viễn thông chưa khoa học và hiệu quả chưa cao.
Xã hội hoá còn làm cho lĩnh vực phát triển viễn thông, CNTT của Việt Nam trở thành đa thành phần kinh tế, mà đa thành phần kinh tế thì bao giờ cũng tạo sức cạnh tranh mạnh hơn, hiệu quả cao hơn.
VNPT - một trong những tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực viễn thông và tần số vô tuyến điện. |
Ý nghĩa thứ hai của việc ban hành Luật Tần số VTĐ là chúng ta chuyển từ cấp phép sang thi tuyển và đấu giá. Tôi nghĩ đây là bước chuyển rất căn bản trong công tác quản lý nhà nước. Chỉ có thông qua thi tuyển và đấu giá, chúng ta mới có thể chọn được những doanh nghiệp tốt nhất, kinh doanh có hiệu quả cao nhất bằng thương hiệu của mình, bằng tiềm năng tài chính của mình, bằng đội ngũ công nhân kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của mình. Chỉ có thông qua thi tuyển và đấu giá, chúng ta mới làm cho thị trường viễn thông, CNTT sôi động hơn, mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia và trên cơ sở đó chúng ta lựa chọn được những doanh nghiệp mạnh; tạo nguồn thu lớn cho đất nước và thúc đẩy tiềm năng phát triển của quốc gia.
Thứ ba, cùng với Luật Viễn thông, Luật Tần số VTĐ, chúng ta phát huy được triệt để chính sách viễn thông công ích. Quỹ viễn thông công ích được xây dựng dựa trên đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông, lấy lợi nhuận từ các địa bàn thuận lợi để phát triển tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, biển Đông..., từ đó làm cho khoảng cách về phát triển viễn thông, CNTT của Việt Nam giữa thành thị và nông thôn xích lại gần nhau, làm cho cạnh tranh của đất nước đồng bộ hơn, hài hoà hơn.
Tôi nghĩ đó là 3 điểm quan trọng nhất của hai dự Luật Viễn thông và Luật tần số VTĐ sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đất nước đang kỳ vọng rất nhiều. Khi Quốc hội thông qua hai luật này, tôi tin chắc ngành viễn thông và CNTT của Việt Nam sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn.
Tôi cũng xin nói rằng trong ngành viễn thông và CNTT có 3 lĩnh vực có lợi thế phát triển rất nhanh, đó là truyền hình, viễn thông, công nghiệp CNTT. Hai Luật Viễn thông và Luật tần số VTĐ ra đời làm cho 3 lĩnh vực này phát triển rất nhanh và trở thành ngành kinh tế tri thức và kinh tế thời đại của Việt Nam khi hội nhập quốc tế.
Chúng ta đang đặt ra mục tiêu trở thành Quốc gia mạnh về CNTT, vậy cơ sở để thực hiện mục tiêu này là gì?
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp |
Tiền đề thứ hai, so với các nước trong khu vực, với các nước cùng có điều kiện hoàn cảnh tương tự thì trong những năm vừa qua họ có những bước phát triển bứt phá rất nhanh. Chẳng hạn như Ấn Độ. Họ chỉ hơn chúng ta một lĩnh vực là nền tảng tiếng Anh, còn các lĩnh vực khác Ấn Độ không hơn Việt Nam, như trình độ dân trí (hiện Ấn Độ còn 360 triệu người mù chữ) hạ tầng, viễn thông (400 triệu thuê trên tổng số 1,2 tỉ dân)...Thế mà Ấn Độ đã trở thành một quốc gia mạnh về CNTT.
Rõ ràng khi nhìn lên để tiếp cận chủ trương, nhìn sang để học tập các nước, nhìn xuống để tự đánh giá đúng mình thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó.
Tiền đề thứ ba là tất cả những quốc gia đi qua các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại thường lịch sử lại bù đắp bằng sau 30 năm kết thúc chiến tranh lại có một quốc gia trẻ, đây được coi là cơ hội vàng của quốc gia. Trên thế giới có nhiều quốc gia trẻ sau chiến tranh, nhưng không phải quốc gia nào cũng khai thác được lợi thế đó. Quốc gia khai thác tốt nhất cơ hội vàng sau chiến tranh là Nhật Bản, sau năm 1975 đã có bước bứt phá ngoạn mục; Hàn Quốc sau những năm 1980 cũng có bước tiến rất nhanh...Việt Nam của chúng ta sau 30 năm kết thúc chiến tranh – năm 2005 - đã có bước chuyển căn bản. Chúng ta cũng là quốc gia trẻ, cơ hội rất tốt để dân tộc thay đổi thứ hạng. Đây là cơ hội vàng, chỉ diễn ra trong vòng 10 - 15 năm, cùng lắm là 20 năm nữa, nếu chúng ta không khai thác triệt để thì cơ hội này không bao giờ trở lại.
Một số ý kiến cho rằng dễ xảy ra tình trạng "nước lên, thuyền lên" và mục tiêu của chúng ta có thể không đạt được?
Đúng là nước nào cũng lo phát triển. Vì thế nếu chúng ta muốn đuổi kịp họ thì phải đặt ra vấn đề tăng tốc. Tăng tốc nghĩa là năm sau phát triển đạt từ 35% trở lên so với năm trước. Rõ ràng khi họ phát triển 15-20-30% thì khoảng cách sẽ ngày càng thu hẹp lại. Thực ra nếu bây giờ mình không làm điều này thì mình không còn cơ hội nào để thay đổi thứ hạng của đất nước. Bác Hồ nói chúng ta 'phải sánh vai với các cường quốc năm châu' thì có nhiều lĩnh vực phải phấn đấu, nhưng tôi nghĩ lĩnh vực viễn thông, CNTT là hiện thực nhất, có thể sánh vai được. Chúng ta làm được điều đó cũng chính là làm đúng khát vọng của Bác Hồ.
Bộ trưởng nói gì về hiện trạng tài nguyên viễn thông, CNTT đang sử dụng lãng phí, chia năm xẻ bảy như hiện nay?
Nói thế chưa hẳn đã đúng. Bất kỳ lĩnh vực nào khi bắt đầu phát triển thì ai có khả năng đầu tư, khai thác kinh doanh thì đều cho phép vì giai đoạn đó chưa có ai làm. Nhưng khi đã có 5 - 7 doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế làm rồi thì chuyển sang giai đoạn 2 là lựa chọn và đưa ra các cơ chế để các doanh nghiệp cạnh tranh, lành mạnh hơn, quyết liệt hơn. Sự bứt phá của doanh nghiệp sẽ thay đổi trật tự và đó là quy luật tất yếu của cơ chế thị trường. Tôi nghĩ đất nước ta cũng đang là như vậy.
Chúng ta cũng nên nhìn vấn đề ở hai khía cạnh: nhiều quá thì lãng phí, ít quá thì dễ độc quyền. Nên chúng ta phải chọn để đạt hiệu quả cao nhất, mang lợi ích cho đất nước, cho người tiêu dùng. Từ bài học kinh nghiệm của thế giới, với quy mô dân số hơn 86 triệu dân như chúng ta hiện nay, có khoảng 3 - 4 doanh nghiệp viễn thông là vừa đủ.
Xin cảm ơn Bộ trưởng !