Nhân hệ điều hành Linux không phải được hình thành từ các đóng góp tự nguyện, miễn phí mà chủ yếu được phát triển bởi những người được trả tiền để làm việc.
Linux Foundation, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy phát triển Linux, vừa công bố báo cáo mới về việc phát triển nhân hệ điều hành nguồn mở Linux. Báo cáo cho thấy Linux không phải được viết bởi những người ẩn cư, làm tình nguyện không công. Nó được viết chủ yếu bởi những người đang làm việc cho các công ty lớn, nhiều công ty trong số này không liên quan gì đến Linux.
Chính xác là có 18,2% toàn bộ nhân Linux được viết bởi những người không làm việc cho công ty nào và 7,6% được tạo ra bởi các lập trình viên không đề cập đến công ty họ đang làm việc, còn lại là được viết bởi những người được trả lương để tạo ra Linux. Có khoảng 16 công ty đã đóng góp từ 1% đến cao nhất là 12,6% nhân Linux hiện nay, dưới đây là danh sách:
Red Hat: 12,3%
Ảnh minh họa.
IBM: 7,6%
Novell: 7,6%
Intel: 5,3%
Tư vấn độc lập (Independent consultant): 2,5%
Oracle: 2,4%
Linux Foundation: 1,6%
SGI: 1,6%
Parallels: 1,3%
Renesas Technology: 1,3%
Academia: 1,2%
Fujitsu: 1,1%
MontaVista: 1,1%
MIPS Technologies: 1,1%
Analog Devices: 1,0%
HP: 1,0%
Một số tên tuổi trong số các công ty trên như Red Hat, Novell, và Linux Foundation, không có gì ngạc nhiên bởi đó là những công ty sống bằng Linux. Một số khác như Analog Devices, MIPS Technologies và Renesas Technology có thể làm bạn bối rối lúc đầu đến khi bạn biết đó là những công ty sản xuất chip. Nhiều người thường nghĩ Linux chỉ liên quan đến máy chủ và máy tính để bàn, nhưng thực tế nó đóng vai trò rất lớn trong các thiết bị nhúng từ máy quay phim, các thiết bị định vị vê tinh (GPS) đến động cơ xe hơi.
Có điều thú vị từ báo cáo mới này là Linux không phải được viết bởi các chuyên gia công nghệ để phục vụ cho giới công nghệ như nhiều người nghĩ, mà các công ty lớn trong lĩnh vực CNTT như IBM, Intel, Oracle, Fujitsu và HP cũng đang chi hàng trăm triệu USD để làm cho Linux tốt hơn. Những công ty này làm vậy không phải vì họ nghĩ Linux “đẹp”, mà họ đầu tư vào đó bởi Linux có thể mang lại cơ hội kinh doanh doanh tốt cho các hãng phần mềm và phần cứng.
Một khảo sát việc làm CNTT mới đây của hãng Foote Research (Mỹ) cho thấy Linux đứng thứ 2 trong danh sách những kỹ năng việc làm “hot” nhất ở Mỹ. Nhu cầu nhân lực Linux là một trong số ít kỹ năng có tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy thoái hiện nay.