Chọn lọc ứng dụng tốt hơn, nội dung giải trí phong phú hơn, hay trợ lí ảo tương tự Siri trên iPhone 4S là những gì người dùng mong được thấy ở phiên bản Android kế tiếp.
>>> Android Jelly Bean sẽ ra mắt vào tối nay
Sự kiện Google I/O thường niên năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 27-29/6 tại San Francisco (Mỹ). Ngoài máy tính bảng thương hiệu Google như đồn đại, giới công nghệ kì vọng Google sẽ tiết lộ thêm nhiều chi tiết về phiên bản hệ điều hành mới có tên mã Jelly Bean.
Tới thời điểm này, Google vẫn giữ bí mật khá tốt về phiên bản Android 4.1 được xem là người kế nhiệm bản Ice Cream Sandwich. Dù vậy, nhiều người đã liệt kê danh sách những tính năng mong muốn trong phiên bản hệ điều hành sắp tới:
1. Thời gian nhận cập nhật
Đây được xem là yêu cầu số 1 của người dùng. Đã nhiều tháng kể từ khi Google ra mắt Android 4.0 Ice Cream Sandwich, tuy nhiên gần như mọi điện thoại Android hiện đều đang dùng Gingerbread, phiên bản ra mắt cuối năm 2010. Điều đó thực sự khó chịu.
Năm 2011, Google hứa hẹn sẽ hợp tác với nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) để hỗ trợ nâng cấp cho phần cứng trong ít nhất 18 tháng, nhưng rõ ràng điều đó đã không xảy ra. Hệ quả là người dùng bị bỏ lỡ những tính năng tốt nhất mà Google có thể cung cấp.
2. Chọn lọc ứng dụng tốt hơn
Android vẫn xếp hạng 2 trong suy nghĩ của nhiều nhà phát triển. Nhìn chung, các ứng dụng tốt nhất luôn xuất hiện trên iPhone đầu tiên. Nếu ứng dụng thành công trên iOS, sau đó nó mới được đưa tới cho Android. Một số ứng dụng điển hình có thể kể tới là Instagram, Flipboard và Instapaper. Phải mất vài năm chúng mới có phiên bản cho Android.
Để tiến xa hơn, Google cần phải làm bất cứ điều gì để các nhà phát triển đối xử với Android ngang bằng iOS.
3. Tập trung vào ứng dụng cho tablet
Xét công bằng, máy tính bảng Google không giành được thành công. Các nhà phát triển ít tối ưu hóa ứng dụng cho máy tính bảng như đang làm cho iOS. Nhiều ứng dụng Android dường như chỉ là phiên bản phóng to những gì trình diễn trên điện thoại và thực sự ngớ ngẩn.
Google và các nhà phát triển nên tập trung vào các ứng dụng giành cho máy tính bảng hơn, thậm chí là "gắn cờ" vi phạm với bất kì nhà phát triển nào tung ứng dụng chỉ giành cho điện thoại lên khu vực dành cho máy tính bảng.
4. Dọn dẹp Google Play
Có nhiều rác trên cửa hàng ứng dụng Google Play. Để so sánh, kho ứng dụng App Store của Apple dường như không có vấn đề về mã độc nào.
Rất dễ để đưa một số ứng dụng nhiễm độc vào Google Play. Chúng ta từng chứng kiến nhiều bản sao Angry Birds giả mạo kèm theo virus. Google nên làm tốt hơn trong vấn đề chinh sách kiểm duyệt trên Google Play.
Ngoài ra, khi ra mắt Android 4.1, Google nên nâng cấp thêm cho Google Play tính năng hiển thị các ứng dụng được đánh giá tốt và đáng tin cậy ngay trên đầu kết quả tìm kiếm.
5. Đặt Chrome làm trình duyệt mặc định
Chrome được xem là trình duyệt tốt nhất cho Android tại thởi điểm này, nên hơi khó hiểu tại sao sản phẩm riêng của Google lại chưa phải là trình duyệt mặc định trên điện thoại Android. Đã tới lúc Google cần loại bỏ bản “beta” và đưa ra trình duyệt Android tiêu chuẩn thực sự.
6. Thêm nhạc và video cho Google Play
Kho giải trí trên Google Play đang đi sau hàng cây số so với iTunes của Apple. Google chỉ có quyền sử dụng nhạc từ 3 trong 4 hãng ghi âm lớn, đồng nghĩa với số lượng hạn chế hơn nhiều so với Amazon hay iTunes, khu vực video cũng không khá hơn là bao.
Trong khi đó, bản thân các đối tác bên thứ 3 như Samsung đều cung cấp dịch vụ tải nội dung riêng, Google có thể hợp tác để đa dạng hóa khả năng cung cấp dịch vụ.
7. Siri “nhái” có xuất hiện?
Google sở hữu trợ lí ảo tương tự Siri có tên Majel, chắc chắn Google sẽ nâng cấp nó lên phiên bản hoàn chỉnh hơn cho Android 4.1. Điều còn hoài nghi bây giờ là Majel có đủ thông minh và tốt hơn Siri của Apple hay S-Voice của Samsung hay không trong bối cảnh tương tác bằng giọng nói ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt hữu ích trong xe hơi.