Nếu máy vi tính của bạn bị nhiễm virus hoặc các loại mã độc khác, quét virus mới chỉ là bước đầu tiên. Bạn cần thực hiện thêm nhiều bước để đảm bảo rằng máy vi tính của bạn luôn được đảm bảo an toàn. Dưới đây là một số theo tác đơn giản nhưng bạn nên làm để giảm tuyệt đối khả năng lây nhiễm virus cho thiết bị của bạn.
Đổi mật khẩu
Có thể bạn đã sử dụng chiếc máy vi tính bị nhiễm mã độc để đăng nhập vào email, tài khoản ngân hàng trực tuyến và nhiều loại tài khoản quan trọng khác. Khi bị nhiễm virus, máy tính của bạn hoàn toàn có thể bị keylog, và do đó mật khẩu của bạn có thể đã bị lộ tới các tổ chức không hợp pháp. Nguy hiểm nhất là để mất mật khẩu email: từ email, tội phạm mạng có thể lần tới các tài khoản khác của bạn và chiếm giữ các tài khoản này.
Nhằm phòng ngừa điều này, bạn cần phải ngay lập tức thay mật khẩu trên các tài khoản quan trọng. Bạn phải thay mật khẩu cho tất cả các tài khoản đã đăng nhập từ khi máy tính bị nhiễm virus. Tốt nhất là bạn nên thay mật khẩu trên một máy vi tính khác, không bị nhiễm virus và được đảm bảo an toàn (có cài phần mềm chống virus từ trước).
Khi thay mật khẩu, bạn cần sử dụng các mật khẩu khác nhau, có độ mạnh vừa phải nhằm tự bảo vệ mình. Bạn có thể cân nhắc sử dụng xác thực 2 yếu tố để gia tăng độ an toàn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các chương trình quản lý passworkd như LastPass hay KeePass để tránh tình trạng quên mật khẩu khi có quá nhiều mật khẩu khác nhau.
Kiểm tra mã độc đã được loại bỏ hoàn toàn
Một khi đã xâm chiếm được máy vi tính của bạn, mã độc có khả năng làm được rất nhiều tác vụ nguy hiểm. Ví dụ, chúng có thể cài rootkit để "ẩn" một cách kỹ lưỡng trên hệ thống. Nhiều loại Trojan có thể mở cửa hệ thống để tải về thêm nhiều loại mã độc từ máy chủ tới máy của bạn.
Nói tóm lại, nếu máy vi tính của bạn bị nhiễm mã độc, bạn phải thực hiện thêm nhiềm bước đảm bảo an toàn. Bạn không nên mặc nhiên coi rằng máy của bạn đã "sạch" sau khi quét virus và loại bỏ thành công. Về mặt lý thuyết, chạy nhiều chương trình quét virus khác nhau sẽ đảm bảo chắc chắn hơn cho bạn. Bạn cũng có thể sử dụng các chương trình quét virus nằm ngoài Windows: Các chương trình này có thể phát hiện cả rootkit mà không cần phải chạy trong môi trường Windows.
Thực tế, giải pháp an toàn nhất khi bị nhiễm virus là cài lại toàn bộ Windows (hoặc sử dụng tính năng Refresh – cài lại mà không mất dữ liệu trên Windows 8). Cài lại Windows sẽ rất tốn thời gian, đặc biệt là khi bạn không biết cách sắp xếp dữ liệu sao lưu của mình một cách khoa học, song cũng là cách duy nhất để chắc chắn rằng Windows (hệ điều hành và các chương trình) của bạn không còn có mã độc. Tuy vậy, các dữ liệu được giữ lại sau khi cài Windows (ví dụ như dữ liệu trong các phân vùng D:, E:,…) vẫn có thể ẩn chứa virus. Do đó, bạn nên ngay lập tức quét virus trên toàn bộ máy vi tính sau khi cài lại Windows.
Tìm nguồn mã độc
Rõ ràng, mã độc không tự nhiên xuất hiện trên máy vi tính của bạn. Nguyên nhân khiến bạn bị nhiễm virus có thể là do các lỗ hổng phần mềm, hoặc từ chính thói quen sử dụng của bạn.
Thực tế, số lượng lỗ hổng tiềm năng của Windows rất lớn: có tới hơn 50 định dạng file có thể lây nhiễm virus cho bạn. Ngay cả những file Word, Excel vô hạn cũng có thể chứa mã độc macro. Nhìn chung, ngay cả khi bạn đã tuân theo các quy tắc bảo mật quan trọng nhất, bạn vẫn nên tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Bạn đã cài phần mềm chống virus hay chưa? Nếu câu trả lời là "chưa", bạn nên cài phần mềm chống virus ngay lập tức. Các sản phẩm chống virus được cài sẵn cùng Windows (như Windows Defender) có kết quả không cao trong các thử nghiệm diệt virus. Bạn cần một chương trình diệt virus riêng biệt, song cũng không cần tới các bộ ứng dụng bảo mật quá nặng.
- Bạn có cài Java hay không? Java chứa đầy các lỗ hổng bảo mật. Phần lớn các máy vi tính cài Java đều sử dụng các phiên bản cũ, chứa nhiều lỗ hổng bảo mật, mở cửa cho phép mã độc xâm nhập máy vi tính của bạn.
Nếu bạn cần Java để chạy các chương trình viết bằng ngôn ngữ này, bạn cũng nên gỡ plugin Java ra khỏi trình duyệt. Nếu bạn không thực sự cần Java, bạn nên xóa phần mềm này.
- Plugin trình duyệt của bạn có được cập nhật hay không? Bạn nên kiểm tra mức độ cập nhật của các plugin trình duyệt một cách thường xuyên trên trang web của Mozilla (có hỗ trợ các trình duyệt khác ngoài Firefox). Nếu phát hiện ra một plugin chưa được cập nhật lên bản mới nhất, bạn nên cập nhật ngay lập tức. Bạn cũng nên xóa các plugin không cần sử dụng và các plugin cũ kĩ, ví dụ như QuickTime hoặc RealPlayer.
- Hệ điều hành, trình duyệt và các phần mềm khác có cập nhật hay không? Bạn nên cài đặt các bản cập nhật cho Windows thông qua Windows Update ngay khi chúng được phát hành. Trong trường hợp tốt nhất, bạn nên cài đặt chế độ tự động cập nhật cho Windows, trình duyệt và các phần mềm khác. Các phần mềm chưa được cập nhật sẽ không được vá các lỗ hổng bảo mật nguy hiểm.
Cuối cùng, khi bị nhiễm virus, bạn cũng nên theo dõi tình trạng thẻ tín dụng của mình nhằm phát hiện các giao dịch lạ. Mã độc do các nhóm tội phạm có tổ chức phát tán ngày càng nhiều, và thẻ tín dụng đang dần trở thành một mục tiêu phổ biến.