2 làn sóng sẽ “nhấn chìm” Microsoft?

Sự lớn mạnh của xu hướng điện toán đám mây và sự thống trị của smartphone đang ngày càng đe dọa vị thế thống trị của Microsoft.

Nhiều chuyên gia CNTT đã nói, với khoản thu nhập bình quân 20 tỷ USD/năm trong suốt nhiều năm qua, Microsoft có thể “ngồi chơi xơi nước” vài năm cũng chưa hết tiền và nếu Microsoft ngừng phát triển sản phẩm mới ngay từ bây giờ, họ chỉ cần bán bản quyền và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm đã có trước đó cũng đủ để hãng này ung dung tồn tại thêm vài thập kỷ nữa.

Nhưng nếu nói “nhấn chìm” là việc khiến cho Microsoft mất vị trí độc tôn và thống trị thị trường CNTT thế giới thì ngày đó cũng không còn quá xa. Sự lớn mạnh của 2 “làn sóng”: chuyển sang dùng các ứng dụng chạy trên nền tảng trình duyệt web (điện toán đám mây) và sự thống trị của smartphone đang ngày càng đe dọa vị thế của họ.

Khai phá rồi… để đấy

Có một điều khá thú vị, chính Microsoft là người đầu tiên nhìn ra tiềm năng và triển vọng của cả 2 làn sóng này từ nhiều thập kỷ trước và đã khai thác khá thành công. Đầu tiên là việc họ nhận thức được tầm quan trọng của các trình duyệt web và cho rằng đó mới chính là môi trường sống còn của thế hệ phần mềm tiếp theo. Nhận thức đúng đắn này là nguyên nhân chính khiến Microsoft đã “hạ gục” hoàn toàn đối thủ rất sừng sỏ lúc bấy giờ là trình duyệt Netscape bằng đứa con Internet Explorer (IE) của mình. Ở lĩnh vực smartphone, Microsoft đã không hề “vu vơ” khi phát triển hệ điều hành Windows CE và sau đó biến nó thành Windows Mobile cách đây hàng chục năm. Hồi đầu những năm 2000, CEO của Microsoft khi đó là Bill Gates đã khẳng định rằng smartphone chính là thiết bị điện toán cá nhân chủ yếu của con người trong tương lai với khả năng kết nối không dây với các thiết bị khác như bàn phím, chuột và màn hình để trở thành công cụ làm việc cho tất cả mọi người.

Nhưng có điều, Microsoft lại không phải là người biến những tiềm năng ấy thành hiện thực và cái mà họ thành công vẫn chỉ dừng lại ở mức “viên gạch nền móng”. Có người đã cho rằng sai lầm nghiêm trọng nhất của Microsoft là quá tham vọng và ôm đồm khi đuổi theo những cái bóng mang tên Xbox (máy chơi game cá nhân) và Live Search (cỗ máy tìm kiếm trực tuyến). Kết quả hiện tại mà gã khổng lồ này đang phải gánh chịu là cảnh “xôi hỏng bỏng không” khi cái gì họ cũng góp mặt nhưng lại chẳng có cái gì thành công đặc biệt là ở 2 lĩnh vực mà họ đã khai phá đầu tiên.

Con đường nào cho Microsoft?

Trong lĩnh vực điện toán đám mây, như nhiều chuyên gia đã gọi đó là tương lai của ngành công nghiệp CNTT “hậu thời đại của những hệ điều hành”. Mặc dù hiện nay IE vẫn là trình duyệt có thị phần lớn nhất thế giới bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ như Firefox, Safari hay Chrome nhưng chúng ta cũng nhớ rằng đã lâu lắm rồi Microsoft chẳng mang lại sự đổi mới nào cho “đứa con” này của họ. Và quan trọng hơn nữa, Microsoft đã không có mấy sự đầu tư để phát triển những phần mềm, ứng dụng hoạt động trên trình duyệt. Hẳn nhiều người còn nhớ hồi năm 2005, kiến trúc sư trưởng bộ phận phần mềm của Microsoft, Ray Ozzie đã có một bài viết với tiêu đề “Sự xâu xé trong lĩnh vực dịch vụ trên Internet” và kêu gọi Microsoft cần phải nhanh chóng chiếm lĩnh thế giới – nơi Internet là nguồn sống chính. Microsoft cũng đã “nhanh chóng” với Windows Azure, Live Mesh và Windows Live...trong khi tất cả mọi người đều nói về lĩnh vực “Software+Services” (Phần mềm + dịch vụ) – cốt lõi của công nghệ điện toán đám mây hiện nay.

Trong lĩnh vực smartphone, mọi chuyện đơn giản là nền tảng Windows Mobile ngày càng tỏ ra thất thế. Cũ kỹ, rắc rối và chậm chạp là những từ nhiều người thường nói về nền tảng này. Nó đã bị BlackBerry, iPhone, Google Android và mới đây nhất là Palm WebOS vượt mặt. Microsoft có thể tự hào rằng chỉ có Windows Mobile của họ mới có đội ngũ ứng dụng phong phú nhất nhưng họ đã không nhớ rằng từ vài năm qua, RIM đã cải thiện rất nhiều cả về mặt thiết bị và phần mềm. Hiện nay, nếu xét trong môi trường doanh nghiệp, Windows Mobile đã không thể được coi là đối thủ của BlackBerry bởi nó có quá ít ứng dụng. Không chỉ thua trên thị trường doanh nghiệp, Windows Mobile còn thua xa iPhone và Palm (với Palm Pre) trên thị trường tiêu dùng. Hay nói một cách ngắn gọn: Windows Mobile đã thua trên tất cả các mặt trận.

Có một con đường cho Microsoft, đó là học theo cách mà Palm đã làm là làm lại Windows Mobile từ đầu. Nhưng liệu khi đó có là quá muộn cho Microsoft?

Giờ đây, trước mắt Microsoft có quá nhiều “con đường” nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ chẳng còn đường nào để đi.

Thứ Hai, 11/05/2009 13:42
52 👨 524
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp