Hơn một năm nay, thị trường viễn thông không còn bóng dáng các chiến dịch truyền thông, marketing quảng bá rầm rộ của Gmobile cho các dịch vụ, gói cước mới của mình.
Trên thị trường, những nhà mạng lớn MobiFone, Viettel và VinaPhone vẫn hiện diện với thị phần chi phối, chắc chắn và ổn định. Phía sau, một vài mạng nhỏ hoặc vẫn hoạt động cầm cự, hoặc đã và đang lặng lẽ rời bỏ thị trường không còn ai nhắc đến.
Gmobile được cho là mạng di động bé nhất đang hoạt động trên thị trường hiện nay. Sau hơn một năm “tiếp quản Beeline”, lãnh đạo Gmobile khẳng định: "Chúng tôi vẫn đang sống được, sống lành mạnh là khác!".
"Chúng tôi vẫn sống lành mạnh!"
Mặc dù trở thành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sau khi đối tác Vimpelcom của Nga bán lại toàn bộ số cổ phần với giá 45 triệu USD hồi tháng 4/2012, nhưng thực sự rất ít người dám tin tưởng Gmobile sẽ tồn tại lâu dài được, phát triển tốt thì càng không tưởng với một thị trường viễn thông cạnh tranh khắc nghiệt và cửa cho mạng nhỏ, mạng mới là rất mong manh.
Một bức tranh là những mạng nhỏ trước đây quy mô còn lớn hơn Gmobile, như EVN Telecom đã sáp nhập vào Viettel; S-Fone giờ dường như chỉ còn là “cái xác không hồn”; Vietnamobile khá khẩm hơn nhưng cũng chỉ cầm cự mà chưa biết bao giờ mới bứt phá lên được.
Với Gmobile, sau hơn một năm “tiếp quản Beeline” và tròn trịa một năm đổi tên thương hiệu, ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile) cho biết, tổng thuê bao hàng tháng của Gmobile vẫn tăng trưởng, dù không mạnh mẽ như trước đây. Tuy vậy, chất lượng thuê bao tốt hơn, lưu lượng cuộc gọi tăng, ARPU (doanh thu trung bình trên thuê bao) đã cao hơn gần gấp 2 lần thời Beeline.
Xét về mặt doanh thu, thời điểm hiện tại, doanh thu của Gmobile tăng 148% so với năm 2011. Nếu so cuối năm 2012 với 2011 thì tăng gần gấp đôi. 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu của mạng này tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị phần, theo Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố ít ngày, Gmobile chiếm 3,9%. Ông Dư cho biết, đây là số thuê bao hoạt động thực đến tháng 5/2013 mà công ty đã báo cáo lên Bộ.
“Thành quả lớn nhất là chúng tôi vẫn sống lành mạnh, không có bất cứ một khoản nợ xấu nào, không có một khoản nợ nào mà Gmobile chưa trả được, tiền lúc nào cũng đảm bảo cho các khoản trả nợ”, ông Dư nói.
Để cân đối được nguồn thu chi tài chính, lãnh đạo Gmobile đã quán triệt và thực hiện một “chiến lược”… đi ngược lại xu hướng thị trường, đó là cắt tất cả các hoạt động quảng cáo, truyền thông hay marketing rầm rộ. Suốt một năm Gmobile không thực hiện một chương trình quảng cáo hay truyền thông nào vì “làm lớn thì không có tiền, làm nhỏ khách hàng sẽ không “thấm” nên lãng phí".
Thay vào đó, Gtel Mobile tập trung đẩy mạnh phát triển các đại lý, điểm bán hàng, vừa để tăng cường thu hút thuê bao vừa tăng khả năng nhận biết và phục vụ khách hàng.
"Gmobile chưa xin một đồng vốn Nhà nước"
Với đơn vị chủ quản là Bộ Công an, Gmobile “được tiếng” là có nhiều lợi thế và tiềm lực để phát triển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dư giãi bày, vì thế nên “khắc khổ” hơn. “Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Gmobile luôn phải gương mẫu, phải tự lực cánh sinh. Khó khăn như thế nhưng đến giờ Gmobile chưa xin một đồng vốn Nhà nước”, ông nói.
Ông Dư cho rằng, qua năm hoạt động kinh doanh vừa rồi mới thấy không phải quá khó khăn và không thể vượt qua như nhiều nhận định. Nếu mình tối ưu lại hoạt động, tập trung vào lớp khách hàng đã được định hình, cung cấp tốt dịch vụ đó thì vẫn tiếp tục sống được.
Cách thức mà Gmobile cầm cự và trụ vững sau khi “tiếp quản Beeline” là tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm bố trí lại nguồn nhân lực trong nội bộ để phát huy được năng lực và trách nhiệm của mỗi nhân viên. Sau khi tiếp quản, Gtel đã tinh giảm nhân sự và cho nghỉ xấp xỉ 300 người, sau đó sàng lọc và tuyển tiếp. Nhân sự hiện tại của công ty khoảng 900 người, tăng thêm 400 người.
Hiện Gtel đều khuyến khích tự làm những phần thuê ngoài trước đây. Trong quản trị tổ chức hệ thống, Gtel đưa các ứng dụng công nghệ quản lý bán hàng vào quản trị, quản lý xuyên suốt hệ thống bán hàng từ người bán, điểm bán đến trung tâm tại công ty.
Theo lãnh đạo Gmobile, thời liên doanh chiến lược kinh doanh là tập trung đầu tư trên diện rộng, đối tác rất kỳ vọng vì đầu tư khoản tiền lớn, lên tới 1 tỷ USD và đã đầu tư gần một nửa. Dự kiến hết 2012 sẽ phủ khắp 63 tỉnh thành. Theo đó, phủ sóng đến đâu là mở hệ thống kinh doanh đến đó; đồng thời là làm truyền thông, maketing mạnh, ồ ạt, chi phí tương đối lớn.
Nhưng sau khi “tiếp quản”, Gtel đã đổi lại chiến lược kinh doanh, chỉ tập trung đầu tư các hoạt động bán hàng, làm marketing vào chỗ nào sóng tốt, đánh theo vùng trọng điểm, không làm dàn trải. Đây được coi là một trong những chiến lược cơ bản để Gmobile trụ vững.
“Đến nay, công ty vẫn duy trì hoạt động tốt, phát huy được những điểm mạnh của thời kỳ liên doanh, tính chuyên nghiệp và môi trường lành mạnh, tuân thủ quy trình hoạt động chặt chẽ, cán bộ công nhân viên tâm huyết cùng phấn đấu cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ kiểm toán nước ngoài để hoạt động kinh doanh được minh bạch, rõ ràng”, Tổng giám đốc Gmobile nói.
Tuy nhiên, từng ấy nỗ lực chỉ có thể giúp Gmobile cầm cự và trụ vững như với năng lực và thành quả hiện có và chỉ duy trì các hoạt động trong ngắn hạn.
Việc đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, lâu dài theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dư, Gmobile vẫn đang chờ chủ trương tái cấu trúc thị trường viễn thông của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.