Rau má là loại rau quen thuộc được nhiều người dùng để giải nhiệt trong mùa hè cũng như làm đẹp. Tuy nhiên, rau má nếu không sử dụng đúng hoặc quá lạm dụng cũng đem lại những hậu quả vô cùng đáng sợ cho sức khỏe.
Tác dụng của rau má
1. Hạ sốt
Rau má rửa sạch, vò nát, cho vào nồi và đổ xâm xấp nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 phút rồi chắt ra cốc lớn. Cứ khoảng 1 tiếng cho trẻ bị sốt uống vài thìa sẽ giúp giảm sốt.
2. Giúp tăng trí nhớ
Hòa 3-5 gam bột rau má vào sữa uống sẽ có tác dụng tốt cho những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ và thị lực.
3. Tốt cho các bệnh tim mạch
Lượng lớn chất xơ trong rau má có tác dụng giúp làm giảm cholesterol xấu có trong máu, từ đó giúp ngăn ngừa mắc các bệnh lý về tim mạch. Đồng thời, rau má còn chứa hoạt chất Bracoside A có tác dụng kích thích bài tiết nitric oxide (NO) của mô giúp làm giãn nở vi động mạch, hỗ trợ máu lưu thông qua mô tốt hơn, giảm nhanh cơn đau tim, đào thải chất độc trong cơ thể ra ngoài dễ dàng hơn.
4. Làm đẹp
Nước rau má có tác dụng dưỡng ẩm cho da, làm chậm sự lão hóa, cải thiện tuần hoàn, giúp thanh lọc cơ thể, trị mụn và sẹo trên da…
5. Làm lành vết thương
Rau má có chứa chất triterpenoids có công dụng tăng tốc độ chữa lành vết thương, tăng cường lên da non, tăng cường chất chống oxy hóa và cung cấp máu cho khu vực bị thương…
6. Giảm stress
Hợp chất Bracoside B trong rau má có khả năng làm tăng cường chất trung gian chuyển hóa giúp não bộ hoạt động tốt hơn giúp tăng khả năng tập trung và hỗ trợ cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi.
Ngoài ra, Triterpenoids trong rau má có giúp tăng cường chức năng tâm thần và giảm sự lo lắng, căng thẳng và giảm stress.
Tác hại đáng sợ của rau má với sức khỏe nếu lạm dụng
Rau má tuy là thực phẩm lành tính nhưng cũng có dược tính cao nên nếu lạm dụng rau má có thể gây ra những tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.
1. Giảm khả năng mang thai và tăng nguy cơ sảy thai
Nếu phụ nữ dùng rau má trong thời gian dài có thể làm giảm khả năng mang thai. Nếu đang trong thai kỳ mà sử dụng loại rau này cũng gây nguy cơ sảy thai.
2. Tăng lượng đường trong máu
Rau má làm lượng cholesterol và lượng đường trong máu tăng nên những người bị tiểu đường và có cholesterol cao không nên ăn nhiều rau má.
3. Nhức đầu
Việc uống quá nhiều nước rau má để giải nhiệt, có thể khiến bạn bị nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua.
4. Ảnh hưởng đến tiêu hóa
Rau má có tính hàn nên nếu sử dụng nhiều có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra, rau má sống nếu không được rửa kỹ, quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người dùng.
5. Làm giảm tác dụng của thuốc
Dùng rau má cùng với uống thuốc hạ cholesterol, insulin và thuốc tiểu đường khác có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Cách dùng rau má đúng cách
Rau má không chỉ là rau mà còn là một loại thảo dược nên người dùng cần sử dụng thận trọng.
- Trung bình, một người có thể dùng 40g rau má một ngày nhưng không được dùng quá 1 tháng. Khoảng cách giữa 2 đợt dùng là ít nhất nửa tháng.
- Một số trường hợp không nên dùng rau má: Phụ nữ mang thai, người đang mắc bệnh gan, bệnh tiểu đường, tiền sử bệnh tổn thương da, ung thư hoặc người đang sử dụng một số loại thuốc…
- Rau má thường được ăn sống hoặc ép trực tiếp lấy nước nên cần phải rửa thật sạch để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.