Chiêm ngưỡng cụm sao cầu Terzan 12 sáng lấp lánh trong ảnh chụp của kính thiên văn Hubble

Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA/ESA vừa tiếp tục gửi về Trái đất hình ảnh vô số ngôi sao cùng tỏa sáng lung linh, đẹp đến mức “choáng ngợp”. Đây chính là một phần của cụm sao cầu cực lớn có tên Terzan 12.

Một cụm sao cầu (quần tinh cầu hoặc đám sao cầu) về cơ bản là một nhóm gồm hàng chục nghìn hoặc thậm chí hàng triệu ngôi sao, được liên kết rất chặt bởi lực hấp dẫn và đây cũng chính là nhân tố khiến chúng có dạng hình cầu. Cụm sao cầu là một dạng của các cụm sao, với mật độ các sao tương đối cao khi hướng dần về tâm. Các cụm sao cầu thường được quan sát thấy trong vầng thiên hà.

Terzan 12 là một cụm sao cầu đặc biệt nằm trong Dải Ngân hà, thuộc chòm sao Nhân Mã và cách Trái đất khoảng 15.000 năm ánh sáng. Các nhà khoa học cho biết cụm sau này là một ví dụ điển hình về cách những đám sao bụi vật chất đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu thiên văn học. Nói theo cách dễ hiểu, để quan sát thấy Terzan 12, các nhà khoa học cần nhìn qua những đám mây bụi và khí nằm trong Dải Ngân hà. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của quan sát, khiến mọi thứ hiện lên mờ nhạt, khó thấy hơn.

Hình ảnh đầy màu sắc này của cụm sao hình cầu Terzan 12 là một ví dụ ngoạn mục về cách bụi trong không gian ảnh hưởng đến ánh sáng sao đến từ các vật thể nền.
Hình ảnh đầy màu sắc này của cụm sao hình cầu Terzan 12 là một ví dụ ngoạn mục về cách bụi trong không gian ảnh hưởng đến ánh sáng sao đến từ các vật thể nền.

Một lý do khác khiến những ngôi sao hiện lên với rất nhiều màu sắc khác nhau như có thể nhìn thấy trong ảnh là hiện tượng biến đổi khi chúng già đi. Những ngôi sao trẻ nhất thường là những ngôi sao nóng nhất, có màu xanh sáng rực rỡ. Tuy nhiên các ngôi sao màu xanh lam nóng nhất có thể nhìn thấy ở đây thực sự nằm ở phía sau hoặc phía trước cụm sao chứ không phải bên trong nó. Bản thân cụm sao chỉ chứa những ngôi sao già, nguội đi khi chúng “lớn tuổi” và phát ra ánh sáng đỏ.

Trên thực tế, yếu tố khiến cụm sao cầu được các nhà thiên văn học đặc biệt quan tâm cũng chính bởi chúng chứa những ngôi sao già này. Chúng là loại cụm sao lâu đời nhất, và các nhà khoa học có thể biết tuổi của chúng dựa vào mức độ các nguyên tố nặng chứa bên trong.

Vũ trụ sơ khai được tạo thành chủ yếu từ hydro và heli. Các nguyên tố như kim loại chỉ được đưa vào sau này khi chúng được "rèn" trong các ngôi sao do phản ứng tổng hợp. Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy hàm lượng nguyên tố nặng cao trong một ngôi sao, có thể nhận định rằng nó chỉ mới được hình thành. Đối với các ngôi sao trong cụm sao cầu, chúng thường có hàm lượng các nguyên tố nặng ở mức thấp, cho thấy chúng rất già. Nhìn chung, Việc nghiên cứu những cụm sao khổng lồ dạng này có thể giúp các nhà thiên văn học tìm hiểu thêm về sự tiến hóa của các ngôi sao cũng như toàn bộ thiên hà chứa chúng.

Thứ Năm, 21/09/2023 01:22
31 👨 148
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ