Doanh nghiệp và thương mại điện tử: Trông chờ hay nắm bắt thời cơ?

Nhìn lại năm 2005, có thể thấy thương mại điện tử (TMĐT) VN có những nét khởi sắc. Các cơ quan nhà nước thể hiện vai trò chủ động trong việc góp phần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng TMĐT. Nhiều DN, cá nhân cũng chủ động ứng dụng TMĐT.

Năm 2005 chứng kiến sự hình thành và tăng trưởng của một số loại hình TMĐT. Hình thức bán hàng trên mạng (B2C) thông qua website bắt đầu có tác dụng mặc dù còn nhiều hạn chế, chẳng hạn ngành đường sắt VN triển khai đăng ký mua vé tàu Tết qua mạng; một xã trồng rau ở Nghệ An biết tận dụng website để quảng bá sản phẩm. Các dịch vụ tải nhạc chuông, tải hình nền, dự đoán kết quả thi đấu thể thao, bình chọn sự kiện qua điện thoại di động... đã nhanh chóng thu hút được khách hàng do chi phí thấp, đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu.

Dịch vụ trực tuyến phát triển, nổi bật nhất là trò chơi trực tuyến đã tạo nên một lượng khách hàng đông đảo. Trò chơi trực tuyến là lĩnh vực kinh doanh hứa hẹn tiềm năng doanh thu cao, trở thành mục tiêu của nhiều DN.

Môi trường thuận lợi hơn

Sau một thời gian khá dài thiếu vắng văn bản pháp luật cho phát triển TMĐT, năm 2005 đánh dấu một bước ngoặt có tính đột phá: Quốc Hội thông qua Luật Giao dịch điện tử ngày 19/11/2005 và sẽ có hiệu lực từ 1/3/2006. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006 - 2010. Từ nay, TMĐT chính thức được pháp luật VN thừa nhận. Thông tin dưới dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương dạng giấy thông thường.

Hạ tầng viễn thông và Internet tiếp tục được cải thiện trong năm 2005 là một cơ sở tốt cho phát triển TMĐT. Số lượng người dùng Internet tăng, đặc biệt kết nối Internet tốc độ cao ADSL trở nên phổ biến ở DN và cả người dân bởi cước phí chấp nhận được.

Các cơ quan nhà nước đã đẩy mạnh những hoạt động hỗ trợ cho TMĐT. Việc triển khai thử nghiệm hải quan điện tử là một bước cải cách lớn trong khối dịch vụ công, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm cơ hội phát sinh tiêu cực.

Bộ TM vận hành Cổng TMĐT Quốc Gia (ECVN) www.ecvn.gov.vn đã thể hiện vai trò hỗ trợ của Nhà Nước. ECVN cung cấp dịch vụ miễn phí nhằm giúp DN làm quen với TMĐT B2B.

Trông chờ hay nắm bắt thời cơ?

Khoảng vài năm trở lại đây, khi đề cập tới việc tại sao TMĐT ở VN chưa phát triển mạnh, hầu hết ý kiến của các DN, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan hoạch định chính sách đều đổ lỗi cho 2 nguyên nhân: chưa có hành lang pháp lý và chưa có hệ thống thanh toán trực tuyến.

Dự kiến Nghị Định TMĐT hướng dẫn triển khai Luật TM sửa đổi và Luật Giao Dịch Điện Tử có hiệu lực vào quý 1 năm sau. Các ngành viễn thông, ngân hàng, tài chính cũng chuẩn bị trình các nghị định liên quan tới chứng thực, thanh toán. Như vậy, hy vọng hệ thống pháp lý cho TMĐT ở VN sẽ khá đủ vào năm 2006.

Cần lưu ý, hệ thống thanh toán trực tuyến (chủ yếu thanh toán theo thẻ tín dụng) chỉ dành cho các DN muốn ứng dụng TMĐT theo mô hình B2C (bán lẻ cho người tiêu dùng). Trong khi phần lớn người tiêu dùng chưa quen sử dụng thẻ tín dụng thì hệ thống thanh toán trực tuyến nếu có cũng chưa thể phát huy hết tác dụng. Hơn nữa, đa số DN VN mong muốn triển khai TMĐT giữa các DN theo mô hình B2B. Đây cũng là xu hướng phổ biến trên thế giới. Doanh số TMĐT B2B chiếm 92% - 95% doanh thu TMĐT toàn cầu trong 3 năm trở lại đây.

TMĐT theo mô hình B2B chiếm tỷ trọng chủ yếu trong doanh số TMĐT của một quốc gia. B2B phụ thuộc vào năng lực và khả năng sẵn sàng kinh doanh điện tử (e-business), TMĐT của các DN. Để triển khai B2B, DN trước hết cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng cách tin học hoá các quy trình kinh doanh, quy trình quản lý, quản trị trong nội bộ DN. Và tiến xa hơn, xây dựng các cơ sở dữ liệu nội bộ, tích hợp các quy trình để hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh, kết nối với các đối tác.

Do vậy, DN VN cần coi việc triển khai các quy trình kinh doanh điện tử, TMĐT là một nhân tố thiết yếu trong việc nâng cao sức cạnh tranh, tác động trực tiếp lên triển vọng gia tăng doanh số bán hàng. Ứng dụng TMĐT, kinh doanh điện tử là một phần của chiến lược kinh doanh tổng thể của DN, là nhân tố nền tảng cho chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn. Cần nghiên cứu và sử dụng các giải pháp phần mềm chuyên nghiệp khi tham gia TMĐT như quản lý quan hệ khách hàng (CRM), lập kế hoạch nguồn lực (ERP)... TMĐT không chỉ là việc thiết kế website, cập nhật thông tin, tìm kiếm thông tin trên mạng.

Môi trường pháp lý bắt đầu hình thành và sẽ phát triển trong năm tới. Vì thế mỗi DN cần xây dựng một kế hoạch, chiến lược ứng dụng TMĐT một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ. Cần chủ động, tích cực tham khảo, học hỏi lẫn nhau và tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức hỗ trợ TM và tuyệt đối tránh tình trạng làm theo phong trào.

Các DN cần nhìn nhận TMĐT, kinh doanh điện tử một cách thực tế và nghiêm túc hơn để có thêm một công cụ đầy sức mạnh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một trở nên quyết liệt.

Trần Hữu Linh
Vụ Thương Mại Điện tử
Bộ Thương Mại

Thứ Sáu, 13/01/2006 10:03
31 👨 136
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp