Doanh nghiệp miền núi với CNTT: Nhiều trăn trở!

Sáu tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang và VCCI đã tổ chức hội thảo "Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển khu vực miền núi phía Bắc" ngày 8/6/2006.

"Đói" thông tin

Khu vực miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh có đặc điểm địa hình đồi núi cao, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống rải rác... nên kinh tế ở đây gặp nhiều khó khăn. Trong xu thế DN VN nói chung còn hiểu rất mơ hồ về ích lợi của ứng dụng CNTT thì DN khu vực này gặp khó khăn hơn bội phần. DN tại đây mua phần mềm thường không dùng được vì không được hỗ trợ đầy đủ; đồng thời không nhận được tư vấn đầy đủ khi lựa chọn sản phẩm và nhà cung cấp dịch vụ.

Công ty Xổ Số Kiến Thiết tỉnh Yên Bái - một trong số ít DN ở khu vực miền núi phía Bắc ứng dụng CNTT hiệu quả

Số lượng DN địa phương cũng ít khiến các nhà cung cấp sản phẩm CNTT không "mặn mà” gì với việc mở rộng dịch vụ tại thị trường này. Đại diện DN tin học ở Phú Thọ bày tỏ sự bức xúc: "Chúng tôi là những người thở cùng hơi thở với DN địa phương, hiểu rõ DN địa phương nhưng cũng không được biết hết dịch vụ, sản phẩm của các hãng CNTT lớn". Đại diện công ty Sứ Hoàng Liên Sơn (Yên Bái) chia sẻ: "Công ty mới chỉ thành lập tổ thương mại điện tử với nhiệm vụ lên mạng tìm kiếm đối tác, bạn hàng, còn ứng dụng CNTT trong quản lý thì chưa được tư vấn đầy đủ. Công ty mong muốn tìm được dịch vụ tư vấn tại địa phương để được hướng dẫn ứng dụng CNTT như thế nào, thay đổi phương thức quản lý ra sao để đạt hiệu quả ứng dụng
".

Bà Nguyễn Thị Kim Hải, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ thừa nhận: "Các tổ chức hỗ trợ DN còn ít và chưa tiếp cận đến phần lớn DN tại đây. Người sử dụng CNTT miền núi đang thiếu thông tin về tác dụng, sản phẩm CNTT; nhưng các tổ chức hỗ trợ DN cũng chưa gắn kết được bên cung cấp và người sử dụng".

Thực tế cho thấy một số DN lớn ở miền núi đã quan tâm đầu tư cho hệ thống CNTT. Tuy nhiên, sự yếu kém chung về hạ tầng CNTT của khu vực cũng kéo theo sự "tụt hậu" của DN. Ông Vũ Đại Quang, đại diện công ty Super và Hóa Chất Lâm Thao (Phú Thọ) bày tỏ: "Từ năm 1988, lãnh đạo công ty đã quyết định trang bị máy tính phục vụ tính và in bảng lương hàng tháng, quản lý nhập xuất tồn kho vật tư, kiểm kê tài sản. Công ty cũng đã xây dựng mạng máy tính nội bộ từ năm 1993 và đầu tư một số phần mềm hỗ trợ hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại, mức độ liên kết thông tin trong công ty còn yếu, nguyên nhân là do hạ tầng CNTT ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu (công ty vẫn phải dùng kết nối dial-up); các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị CNTT chậm bởi không có nhà cung cấp dịch vụ CNTT trên địa bàn. Mỗi khi máy tính có trục trặc đều phải chờ người từ Hà Nội lên hỗ trợ hoặc đưa xuống Hà Nội sửa chữa".

"Cú hích" có đủ mạnh?

Hiện tại, UBND Phú Thọ đang chỉ đạo Sở BCVT tỉnh xây dựng "Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới CNTT của tỉnh đến 2010" trong đó có việc quy hoạch phát triển ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, "mặc dù hiện tại thu ngân sách của tỉnh mới đạt 650 tỷ đồng (năm 2005), phấn đấu đạt 700 tỷ đồng (năm 2006) và 1000 tỷ đồng (năm 2010) nhưng tỉnh sẽ dành 150-200 tỷ đồng để đầu tư cho CNTT". Với tỷ lệ đầu tư cho CNTT chiếm đến 25% tổng thu ngân sách, đi đôi với cách làm có tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác, hy vọng ứng dụng CNTT ở Phú Thọ sẽ khởi sắc.

Sự thiếu vắng các trạm bảo hành, nhà tư vấn CNTT tại địa phương miền núi là một trong những khó khăn cho ứng dụng CNTT. Do vậy, các tổ chức, hội liên quan nên có biện pháp hỗ trợ các nhà tư vấn địa phương trong các đề án, dự án thúc đẩy ứng dụng CNTT.
Trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai là địa phương đi đầu trong việc thành lập Trung Tâm CNTT của tỉnh, là đầu mối kỹ thuật, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và cả đào tạo nhân lực. Tỉnh cũng đã triển khai mạng Intranet dùng chung với việc miễn phí cước truy cập cho các sở, ban, ngành, DN và nhân dân. Theo ông Nguyễn Ngọc Kim, phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, từ khi triển khai (tháng 4/2004), mạng Intranet đã giúp cán bộ công nhân viên của tỉnh có thói quen sử dụng Internet tìm kiếm thông tin. Tỉnh cũng đã xây dựng sàn giao dịch điện tử cửa khẩu quốc tế Lào Cai để hỗ trợ DN làm quen với thương mại điện tử. Lào Cai dù là tỉnh nghèo (thu nhập bình quân đầu người bằng 50% cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 43%) nhưng những hướng đi này đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Hiện tại, Vĩnh Phúc cũng đang triển khai mô hình tổ ứng cứu sự cố máy tính (từ cuối tháng 3/2006). "Tổ" này hiện đã có hơn 40 cán bộ kỹ thuật làm công tác hỗ trợ cán bộ, lãnh đạo các quận, huyện, DN đối với các trục trặc về phần cứng, phần mềm. Đáng nói là tổ ứng cứu này hoạt động 24/24 giờ, bất kể ở nhà hay ở văn phòng và hoàn toàn miễn phí.

Thu Nga

Thứ Hai, 07/08/2006 09:09
31 👨 93
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp